Sáng vừa mở mắt gặp ông bạn hỏi: ''Ông có biết ngày hôm nay, ngày 19/11, là ngày gì không?''. Mình ớ người: ''Là ngày gì nhỉ?''. Ông ấy cười bảo: ''Ngày Toilet Thế giới''.
Tra ông Google thì đúng thế. Thậm chí có cả Tổ chức Nhà vệ sinh Thế giới (World Toilet) có trụ sở nghễu nghện ở Singapore. Toilet lại quan trọng đến thế cơ à? Đến Liên hiệp quốc cũng dành hẳn ra 1 ngày để tôn vinh?
Nhưng ngẫm lại thấy Liên hiệp quốc có lý thật. Hồi làm phóng viên thường trú ở Pháp, trước khi đưa mấy anh em bên nhà sang thăm danh lam thắng cảnh ở Paris, tôi cứ phải dặn đi toilet trước đi, chứ đang đi mà tìm toilet công cộng mệt lắm.
Nhưng với trẻ con thì hơi phiền hà. Lúc bảo chúng đi toilet thì chúng không đi, đang trên ô tô, lại gặp lúc tắc đường, chúng đòi đi ''tè'' thì đúng là gay go. Thường thì cứ thủ sẵn một hai chai Lavie rỗng để trong xe, bí quá thì đưa cho chúng ''làm ngay'' trên xe.
Lại nhớ có lần ghé qua Berlin (Đức), sà vào quán bia hơi, không khí ồn ào chẳng khác gì ở phố Tạ Hiện, Hà Nội. Không chen vào được bên trong, nhiều người đứng tràn ra cả vỉa hè, tay cầm cốc bia, nói cười như ong vỡ tổ.
Chẳng bù cho quán bia hơi ở Bonn, mấy ông bà từ Việt Nam sang quen lệ ngồi xuống là tám chuyện, cứ oang oang như ở nhà, làm mấy ông bà người Đức ngồi bên tròn mắt ngó sang, thấy lạ lắm.
Ấn tượng nhất là cái bồn tiểu được làm chềnh ềnh trên vỉa hè, giữa thanh thiên bạch nhật, cách quán bia dăm chục mét. Đây là bồn tiểu đứng dành cho nam giới làm bằng sứ trắng, sừng sững cao quá đầu người. Mặt trước được che kín, sau lưng trống huếch trống hoác, đứng đấy gặp cơn gió cuối Thu rùng mình, lạnh cả người.
Toilet xuất hiện khoảng 2.300 năm trước công nguyên. Các nhà khảo cổ học tìm thấy di chỉ toilet đầu tiên tại Scotland dưới dạng những túp lều đá.
Nếu bạn có dịp đến đảo Jeju (Hàn Quốc), thăm phim trường “Nàng De Changkum”, bạn có thể thấy toilet xưa kia ở Hàn Quốc cũng được làm bằng những phiến đá xếp chồng lên nhau.
Toilet hiện đại phải kể từ cuối thế kỷ 16 (1596) khi John Harington xây dựng một bồn cầu với hệ thống nước xả theo sự đặt hàng của nữ hoàng Elizabeht I. Tuy nhiên, phải đến năm 1775, Alexander Cumming mới được coi là người phát minh ra nhà vệ sinh hiện đại. Phát minh này được coi là một trong những phát minh vĩ đại nhất của nhân loại.
Cách đây hơn 100 năm, năm 1917, nghệ sĩ người Pháp hay tếu táo Marcel Duchamp còn vác cả cái bồn tiểu sứ đến triển lãm do Hội nghệ sĩ độc lập tổ chức tại New York, đặt tên tác phẩm là “Đài phun nước”, gây ra những cuộc tranh cãi nảy lửa.
Cùng với sự phát triển của nhân loại, toilet ngày càng được cải tiến. Tỷ phú người Mỹ, ông Bill Gate, đã bỏ ra 200 triệu USD trong vòng 7 năm để nghiên cứu loại toilet không cần dùng nước.
Theo Bill Gate, đây sẽ là giải pháp cứu sống hàng triệu người mỗi năm do bệnh tiêu chảy và tiết kiệm cho thế giới 233 tỷ/năm.
Mới đây thôi, nghiên cứu sinh Đại học Cape Town, Suzane Lambert, còn sáng chế ra gạch sinh học làm từ nước tiểu và cát, thông qua quá trình sinh học gọi là “Giáng thủy carbonnate vi sinh vật”.
Hiện còn khoảng 2,3 tỷ người vẫn chưa có điều kiện tiếp cận các phương pháp vệ sinh cơ bản nhất như nước sạch, hệ thống lưu trữ và xử lý chất thải từ nhà vệ sinh. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho các doanh nghiệp muốn tiếp cận thị trường tiềm năng được đánh giá khoảng 6 tỷ USD vào năm 2030.
Còn ở Việt Nam, Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam, một tổ chức xã hội nghề nghiệp, cũng vừa được thành lập, quy tụ được trên 100 thành viên là các doanh nghiệp và cá nhân với mục đích cải thiện chất lượng nhà vệ sinh.
Trong khi chờ đợi những nhà vệ sinh hiện đại, nếu chúng ta có đi tham quan đâu đó, lỡ bộ có thể ghé vào quán cà phê gọi một tách cà phê, hoặc tốt nhất là tìm một nhà hàng đi nhờ toilet, ở đấy vừa sạch sẽ, vừa miễn phí.
Video: Chủ tịch Hiệp hội Nhà vệ sinh bị chế giễu khùng dở, không giống ai
Bình luận