Khi lá thăm may rủi lựa chọn Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha là những đại diện đầu tiên có mặt ở bảng B, hầu hết ý kiến chuyên gia đều cho rằng: thật... đen đủi cho những đội bóng còn lại góp mặt ở bảng đấu này. Bởi đối đầu với cựu vô địch thế giới và đương kim vô địch châu Âu ngay ở vòng bảng, cơ hội dành cho những đội tuyển thuộc nhóm 3 hay 4 là gần như không có. Sau cùng, Morocco và Iran chính là những đại diện đen đủi ấy.
Nhưng trong bóng đá, mọi diễn biến đều không thể đoán định trước. Chính những sai số không theo quy luật nào mới khiến môn thể thao này có vị trí đặc biệt trong trái tim người hâm mộ, thay vì tồn tại dưới dạng thống kê khô khan như những máy tính được sử dụng để "định vị" nhà vô địch World Cup năm nay. Bóng đá ẩn chứa bất ngờ, và World Cup lại càng tồn tại nhiều bất ngờ hơn nữa khi các đội tuyển đều vào trận với tinh thần "quyết tử".
World Cup 2014 từng chứng kiến bất ngờ như vậy khi Costa Rica vượt qua cả Anh, Uruguay và Italia để giành ngôi đầu bảng, hay Hà Lan vùi dập Tây Ban Nha (khi ấy đang là đương kim vô địch World Cup) tới 5-1 trong trận ra quân. Hay như Bồ Đào Nha, bản thân chức vô địch EURO 2016 của họ cũng là... điều kỳ diệu khi đội bóng của HLV Fernando Santos chỉ thắng đúng 1 trận trong 90 phút mà vẫn bước lên ngôi vương.
Cộng với những câu chuyện cổ tích của Iceland hay Hy Lạp, Đan Mạch trong quá khứ, Morocco và Iran càng có thêm sự tự tin để lật đổ 2 gã khổng lồ trên bán đảo Iberia ở bảng B này. Nhưng để thực hiện nhiệm vụ khó khăn đó, cả hai cứ phải vượt qua trận đấu đầu tiên đã.
Iran xem Morocco là đối thủ khả dĩ nhất để thắng ở bảng B, và ngược lại, đội bóng châu Phi cũng xem Iran như đội bóng "dễ ăn" hơn cả. Do vậy, cả hai sẽ bung toàn bộ sức lực ở trận mở màn này để có được thắng lợi, tạo đà tâm lý cho trận đấu tiếp theo. Rõ ràng, gặp Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha... cũng vậy, phải đá ở thế cửa dưới và hòa được đã là thành công. Muốn viết nên câu chuyện cổ tích, Iran và Morocco phải thắng được đối thủ vừa tầm nhất của mình để nuôi hy vọng.
Morocco là đội bóng có... ít tính dân tộc nhất tại World Cup khi có gần 2/3 đội hình được sinh ra và lớn lên ở châu Âu. HLV của Morocco, ông Herve Renard khẳng định: “Trong chiến dịch vòng loại World Cup 2018, tôi có một thủ môn trưởng thành ở Tây Ban Nha, hậu vệ người Pháp, tiền vệ người Hà Lan. Thú thật tôi chưa từng cố gắng tìm hiểu, nhưng tôi nghĩ rằng tất cả thành viên ĐT Morocco không ai là người Morocco 100% cả”.
Với một đội hình gồm toàn những "lính đánh thuê" đúng nghĩa, tinh thần dân tộc sẽ là yếu tố bị hoài nghi ở Morocco, song không thể phủ nhận, đội bóng châu Phi đang có dàn cầu thủ giàu chất lượng và vô cùng thiện chiến được đào tạo bài bản ở châu Âu như Achraf Hakimi (Real Madrid), Nordin Amrabat (Leganes), Younes Belhanda (Galatasaray), Hamza Mendyl (Lille) hay nổi tiểng nhất là trung vệ Medhi Benatia đang khoác áo Juventus.
Dưới sự dẫn dắt của HLV Herve Renard - người từng có thời gian "lang bạt" ở... V-League, Morocco trở thành tập thể khó chịu và có lối chơi hiện đại, thay vì hình ảnh hoang dại điển hình của các đội bóng châu Phi trong quá khứ.
Đối đầu với họ sẽ là Iran - đội bóng châu Á không sở hữu ngôi sao sáng giá nào trong đội hình, nhưng lại có một "bộ não" vĩ đại đúng nghĩa trên băng ghế huấn luyện, đó là HLV Carlos Queiroz. Nếu đội hình của Iran yếu hơn khi đặt cạnh Morocco, chiến lược gia của họ lại vượt trội so với người đồng nghiệp bên kia chiến tuyến.
Chính Queiroz là người mài dũa Cristiano Ronaldo trở thành Cầu thủ xuất sắc nhất, là cánh tay phải đắc lực của Sir Alex Ferguson trong kỷ nguyên thành công của Manchester United, và đương nhiên, là sở hữu bề dày kinh nghiệm trên ghế huấn luyện khi có thời gian "cầm lái" tại Real.
Dưới thời HLV Queiroz, Iran trở thành tập thể đậm chất châu Âu dù không có cầu thủ nào trưởng thành ở lục địa già như Morocco. Đội bóng Tây Á luôn đề cao sự chắc chắn và kỷ luật tới mức cực đoan, và điều đó làm nên sức mạnh cho Iran trong bối cảnh nền bóng đá nước này không sản sinh ra nhiều tài năng xuất chúng. Iran bất bại trong suốt chiều dài vòng loại World Cup và sở hữu thành tích phòng ngự vô tiền khoáng hậu. Đây không phải thành công nhất thời, mà là sự tiếp nối hợp lý trong kế hoạch xây dựng Iran mà Queiroz đề ra khi mới nhậm chức.
4 năm trước, Iran đã gây tiếng vang khi cầm hòa Nigeria trong trận mở màn World Cup 2014 với tỉ số 0-0. Ít ngày sau, đội bóng của Queiroz khiến Argentina của Lionel Messi phải "câm lặng" trong hầu hết thời gian thi đấu, trước khi chịu thua bởi khoảnh khắc xuất thần của siêu sao đang khoác áo Barcelona trong những phút cuối. Iran luôn chơi với tinh thần chiến binh ở World Cup, và đó sẽ là yếu tố khiến đội quân "ô hợp" của HLV Renard phải dè chừng. Một tập thể nhiều sao đối đầu với một tập thể toàn ngôi sao là cuộc chiến rất đáng chờ đợi, dẫu cả Iran và Morocco đều không phải những đội bóng được liệt vào hàng "đáng xem" ở World Cup.
Trận đấu sẽ tìm ra kẻ chiến thắng để thách thức Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trong phần còn lại của bảng đấu. Kẻ chiến thắng ấy, nhiều khả năng sẽ là Morocco!
Đội hình dự kiến
Iran: Alireza Beiranvand; Roozbeh Cheshmi, Milad Mohammadi, Pejman Montazeri, Ramin Rezaeian; Ehsan Haji Safi, Masoud Shojaei, Karim Ansarifard, Alireza Jahanbakhsh, Ashkan Dejagah; Sardar Azmoun
Morocco: Yassine Bounou; Achraf Hakimi, Medhi Benatia, Romain Saiss, Nabil Dirar; Karim El Ahmadi, Younes Belhanda, Mbark Boussoufa; Hakim Ziyech, Ayoub Kaabi, Amine Harit
Dự đoán: 0-1
Cuộc so tài giữa Iran và Morocco trong khuôn khổ bảng B được tường thuật trên VTC News và lúc 22h tối nay 15/6, mời các bạn chú ý đón xem.
Bình luận