Trước những diễn biến phức tạp, tinh vi và ngày càng gia tăng của loại tội phạm sử dụng công nghệ cao trong thời gian qua, phóng viên VTC News đã có cuộc trao đổi với Đại tá Lê Hồng Sơn – Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50), công an Hà Nội.
- Với thực tế hoạt động phức tạp của tội phạm sử dụng công nghệ cao trong thời gian qua, ông đánh giá thế nào về mức độ nguy hiểm của loại tội phạm này?
Theo như tổ chức hình sự quốc tế, cứ 14 giây thì có một vụ liên quan đến tấn công mạng, liên quan đến sử dụng công nghệ cao. Trong khi đó Interpol đánh giá loại tội phạm này nguy hiểm thứ 2 sau tội phạm khủng bố. Ở Việt Nam, loại tội phạm này ngày càng có diễn biến phức tạp, mức độ nguy hiểm của nó chỉ xếp sau tội phạm hình sự và tội phạm ma túy.
Theo tính toán, hiện nay Việt Nam có 131 triệu thuê bao điện thoại di động, 4,8 triệu thuê bao internet băng thông rộng, 15,7 triệu thuê bao 3G. Số người dùng internet ở Việt Nam khoảng 31 triệu (chiếm 34% so với tỷ lệ người dân), có 8,5 triệu người dung mạng xã hội facebook…
Cả nước có 14.400 máy ATM, 116.700 điểm thanh toán tự động (POS), trên 62,4 triệu thẻ với 410 thương hiệu, 40 ngân hàng cung cấp dịch vụ Internet Banking, 09 tổ chức cung cấp hơn 1,3 triệu tài khoản ví điện tử, có 136 doanh nghiệp đã được cấp phép trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Đây là những điều kiện rất thuận lợi để tội phạm sử dụng công nghệ cao tấn công. Chính vì điều đó, việc nhận định đánh giá về tội phạm công nghệ cao trong những năm tới sẽ diễn biến hết sức phức tạp.
- Ông cho biết, thủ đoạn, mục đích gây án của loại tội phạm này?
Có thể nói tội phạm công nghệ thông tin hiện có hai loại.
Một dạng khác của loại tội phạm này còn là sử dụng công nghệ cao để chơi cờ bạc, cá độ bóng đá, kinh doanh trái phép, trốn thuế, xâm phạm bản quyền máy tính, bản quyền sở hữu trí tuệ, xuất bản…
Chúng còn sử dụng công nghệ cao để thực hiện các hành vi buôn lậu, chuyển tiền điện tử hòng rửa tiền, buôn bán ma túy, vũ khí…
Một số tội phạm sử dụng công nghệ cao để thành lập các trang web, diễn đàn nói xấu chế độ, tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy…
Phạm vi hoạt động của chúng cũng rất rộng rãi, các đối tượng không chỉ hoạt động trong nước mà còn là người nước ngoài cho nên trong phòng ngừa đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao không còn khái niệm một quốc gia mà nó mang tính toàn cầu. Tội phạm sử dụng công nghệ cao ở Việt Nam thì nó cũng giống toàn bộ thủ đoạn, phương thức, đặc thù… như tội phạm công nghệ cao ở nước ngoài, không phân biệt biên giới, lãnh thổ. Ở quốc gia này có thể tấn công quốc gia khác, hoặc chúng có thể mượn một quốc gia thứ 3 để che giấu tung tích của mình khi tấn công.
- Có thể nhận dạng các tên tội phạm này như thế nào?
Có thể nói, thành phần phạm tội rất phức tạp, đa phần đều trẻ, có trình độ về công nghệ thông tin, không phân biệt giới tính, xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực từ hình sự, kinh tế, ma túy, an ninh…
Ví dụ các đối tượng chỉ cần mua một tài khoản mang tên của người khác với giá trị 1 USD hoặc 10 USD nhưng chúng sử dụng công nghệ kích hoạt hàng trăm, hàng ngàn giá trị lên thì chúng rút ra một số lượng tiền rất lớn từ các thẻ thanh toán giả.
- Lực lượng chức năng đã gặp phải khó khăn gì trong công tác phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao?
Công nghệ phát triển kèm theo sự gia tăng của tội phạm, xã hội đang đòi hỏi một xã hội số nên tội phạm gia tăng là điều bình thường. Phạm vi hoạt động lớn và có tính chất toàn cầu, liên kết toàn cầu; thủ phạm của loại tội phạm này hầu hết là người trẻ, có trình độ hoạt động với thủ đoạn tinh vi, ít để lại dấu vết nên khó phát hiện, gây khó khăn cho công tác điều tra.
Mặt khác, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này hiện vẫn đang khó khăn, lỏng lẻo, chưa theo kịp tình hình phát triển của công nghệ.
Các hệ thống văn bản pháp luật chưa đồng bộ, ý thức trong việc bảo mật của tổ chức, cá nhân sử dụng vẫn chưa cao.
Đồng thời, thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm cũng đòi hỏi phải có sự kết hợp giữa các lực lượng, các cơ quan quản lý, các nhà mạng, nhà cung cấp dịch vụ.
- Là đơn vị mới được thành lập được 4 tháng, Phòng PC50 đã đạt được kết quả nào trong hoạt động phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao?
Là đơn vị được Bộ Công an và CATP Hà Nội cho thành lập thí điểm và ra mắt hoạt động ngày 2/8/2013, sau 4 tháng hoạt động, Phòng PC50 đã thực hiện tốt đảm bảo an ninh, triệt phá được 31 vụ việc, ổ nhóm với 53 đối tượng, chuyển cơ quan điều tra đề nghị khởi tố 11 vụ với 31 đối tượng; chuyển cơ quan khác đề nghị khởi tố hành chính 20 vụ với 21 đối tượng.
- Trước những diễn biến phức tạp và ngày càng tinh vi của tội phạm, ông có những khuyến cáo gì với người dân?
Tình hình diễn biến phức tạp, đặc biệt là qua di động, chúng tôi khuyến cáo những người dân hết sức cảnh giác khi nhận các tin nhắn cũng như cuộc gọi của các số điện thoại lạ bởi chúng đang dùng đủ mọi cách để chiểm đoạt tiền của các chủ thuê bao.
Khuyến cáo người dân trong vấn đề thực hiện các giao dịch qua tài khoản thẻ ngân hàng, cẩn trọng trong bảo mật. Cảnh giác với các hoạt động lừa đảo trúng thưởng, khuyến mại qua các trang mạng xã hội.
Bình luận