(VTC News) - Một nhân chứng cho biết, khi ra tới cánh đồng, đoàn công tác khoảng 15 người của xã Thành An đã chia nhau đi cuốc xới, giẫm đạp mạ của bà con nông dân.
Phá mạ của dân là thiếu tính người
Như báo điện tử VTC News đã đưa tin, vào sáng ngày 28/6, nhiều bà con nông dân các thôn Dỹ Thắng, Dỹ Tiến, Đồng Ngư, thuộc xã Thành An, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa xót xa khi phát hiện ruộng mạ nhà mình bị tàn phá tả tơi. Theo phản ánh của người dân, thủ phạm phá mạ chính là các cán bộ xã Thành An.
Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Văn Tỵ - Chủ tịch UBND xã Thành An thừa nhận là vào sáng 28/6, phía xã có thành lập đoàn công tác đi kiểm tra thực tế việc gieo cấy mạ của bà con trên một số cánh đồng.
Trước đó, phía xã Thành An đã phát hiện một số hộ gia đình gieo cấy các loại giống lúa không phải BC15. Theo chương trình Cánh đồng mẫu lớn mà xã đang chỉ đạo triển khai thực hiện thì bà con phải gieo cấy đồng nhất loại lúa BC15. Ông Tỵ khẳng định, bà con nông dân cũng đã có bản cam kết là sẽ chỉ cấy giống lúa nói này.
Một người dân xã Thành An thất thần khi thấy ruộng mạ nhà mình bị phá nát. |
Chủ tịch UBND xã Thành An cho rằng, phá mạ của dân là hành động không có tính người và không có chuyện đoàn công tác của xã làm việc đó.
“Chúng tôi mong muốn báo chí đưa tin hai chiều, phản ánh đúng sự thật. Không có chuyện một cán bộ, một lãnh đạo nào lại đi phá tài sản của dân bất hợp pháp, thiếu dân chủ, thiếu tính người như vậy,” ông Tỵ nói.
Chính quyền xã đang nói dối?
Mặc dù Chủ tịch UBND xã Thành Anh phủ nhận sự việc, nhưng qua tìm hiểu, phóng viên nhận thấy việc bà con nông dân tố các cán bộ xã đã phá mạ là có cơ sở.
Chúng tôi cũng đã có cuộc trao đổi với ông Quách Văn Định – Chi hội phó, Chi hội Cựu chiến binh thôn Dỹ Thắng. Ông Định là một trong những thành viên của đoàn công tác đi kiểm tra đồng ruộng vào sáng 28/6 vừa qua.
Ông Định cho biết, trước khi đi kiểm tra, xã có báo cho thôn cử một số cán bộ đi cùng đoàn. Do Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Dỹ Thắng gặp vấn đề về sức khoẻ nên ông Định được đi thay thế.
Đoàn công tác hôm đó có khoảng 15 thành viên với đầy đủ đại diện các ban bệ trong xã và thôn.Trong đó có Phó Chủ tịch UBND xã, Chủ tịch Hội Nông dân xã, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, Trưởng Công an xã.
Cũng theo ông Định, khi ra tới cánh đồng vào khoảng 10h30 ngày 28/6, thay vì chỉ thị sát kiểm tra thông thường, đoàn công tác đã chia làm 2 hướng đi phá mạ của bà con nông dân.
“Chiều 27/6, xã đã thông báo cho các hộ trồng mạ sai với quy định của chương trình Cánh đồng mẫu lớn. Xã cho biết sáng 28/6 sẽ đi kiểm tra và chỉ cắm biển thống báo tại các thửa mạ không đúng quy định để dân biết và không được cấy. Nhưng thực tế, khi đoàn ra đồng, nhìn thấy những thửa mạ đó là ồ ạt xuống giẫm đạp của dân.
Nếu những thửa mạ của dân không đủ tiêu chuẩn để cấy thì phải cắm biển thông báo cho dân biết. Tại sao những lãnh đạo đầu ngành lại đi giẫm mạ của dân. Tôi hỏi như vậy có đúng không?” ông Định nói.
Chi hội phó Chi hội Cựu chiến binh thôn Dỹ Thắng cho biết thêm, đoàn kiểm tra hôm đó còn mang theo 2 cái cuốc ra đồng và các cán bộ xã Thành An không chỉ giẫm đạp, mà còn cuốc xới mạ của dân.
“Cá nhân tôi chứng kiến cảnh đó, tôi nhận thấy việc làm đó của các cán bộ là không được nên tôi không đồng ý, tôi phản đối và đã bỏ về giữa chừng. Tôi sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật về lời nói của mình,” ông Định khẳng định.
Bản cam kết lạ đời
Như chúng tôi đã đề cập, ông Bùi Văn Tỵ - Chủ tịch UBND xã Thành An khẳng định là bà con nông dân đã có bản cam kết với xã là sẽ chỉ cấy giống lúa BC15 theo chương trình Cánh đồng mẫu lớn.
Trong quá trình tìm hiểu sự việc, chúng tôi đã nhận được một bản cam kết được cho là của anh Bùi Văn Lộc ở thôn Dỹ Tiến.
Về hình thức, bản cam kết này được đánh máy, chỉ để trống một số phần để ghi tên, địa chỉ người dân, số lượng giống, diện tích cấy và phần để ký tên.
Bản cam kết đã có chữ ký của Phó Chủ tịch xã Lý Thị Thắm và có dấu đỏ của UBND xã. Trưởng thôn Dỹ Thắng cũng đã ký tên vào bản cam kết này. Bản cam kết được xã đề ngày 24/6/2014.
Thế nhưng, trong phần “người làm bản cam kết” ký tên thì ghi: “Không ký cam kết”. Đáng chú ý, dòng chữ này có nét chữ giống với toàn bộ phần tên, địa chỉ, số lượng giống, diện tích cấy được điền vào các phần trống trên bản cam kết.
Đáng chú ý, khi chúng tôi liên hệ với gia đình anh Bùi Văn Lộc thì được biết anh Lộc hiện không có ở địa phương. Theo vợ của anh Lộc (xin được giấu tên – PV) thì anh đã đi ra Hà Nội làm thuê từ tháng giêng và chưa trở về quê.
Bản cam kết nhưng dân không ký |
Liên quan đến bản cam kết nói trên, vợ anh Lộc cho hay: “Chồng tôi đã không có ở địa phương từ tháng giêng. Bản thân tôi không viết bất cứ bản cam kết nào. Cách đây khoảng 10 ngày, một cán bộ xã đã tới đưa cho tôi một bản cam kết để tôi ký vào. Nhưng tôi không ký và cũng không viết bất cứ một chữ nào lên bản cam kết đó.”
Trước đó, ông Bùi Văn Tỵ khẳng định rằng người dân đã có bản cam kết với xã nhưng rồi có một số hộ chống đối, vi phạm nên xã phải đi kiểm tra xử lý. Tuy nhiên, ông Tỵ không đề cập tới những trường hợp không ký vào bản cam kết. Phải chăng, những hộ không ký vào bản cam kết (được cho là do xã tự soạn thảo – PV) cũng được cho là chống đối?
Được biết, việc ký cam kết này được tiến hành vào cuối tháng 6/2014. Điều này liệu có phải là xã làm cho đủ thủ tục, làm để có căn cứ “xử lý” người dân? Bởi chương trình Cánh đồng mẫu lớn đã được triển khai từ 3 năm trước. Thời điểm giữa và cuối tháng 6/2014 thì người dân xã Thành An đã gieo mạ, cày bừa cũng xong xuôi và chuẩn bị cấy lúa.
Cũng cần phải nói thêm, bản cam kết về việc thực hiện chỉ đạo của xã là trồng một loại lúa BC15 có nội dung xử phạt rất nặng đối với những trường hợp vi phạm. Nói cách khác, nội dung bản cam kết này có phần giống một công văn chỉ đạo của cấp có thẩm quyển, buộc người dân phải làm theo.
Theo đó, những trường hợp gieo sai giống lúa bị phát hiện sẽ bị Ban chỉ đạo của xã “vùi lấp toàn bộ diện tích mạ gieo”, “bừa, nhổ diện tích của hộ gia đình đã cấy”. Đặc biệt, “Hộ gia đình phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về kinh phí chi trả công cho việc huỷ bỏ ruộng mạ.”
Thử hỏi liệu có người nông dân nào lại tự soạn thảo ra bản cam kết với nội dung như trên? Nếu đã ký vào bản cam kết do người khác áp đặt, chẳng may “không nghe rõ chỉ đạo” mà vi phạm thì người dân sẽ bị bừa, nhổ bỏ mạ… Đây có phải là một cách xử lý “triệt đường sống” đối vời bà con nông dân?
VTC News sẽ tiếp tục thông tin tới quý độc giả.
Mọi thông tin phản ánh xin gửi về email: [email protected] hoặc liên hệ trực tiếp đến đường dây nóng 01255.911.911.
Mọi thông tin phản ánh xin gửi về email: [email protected] hoặc liên hệ trực tiếp đến đường dây nóng 01255.911.911.
Minh Quyết - Đinh Lê
Bình luận