• Zalo

Nhận biết sớm những dấu hiệu bệnh ung thư đại tràng

Sức khỏeChủ Nhật, 05/05/2019 12:37:00 +07:00Google News

Ung thư đại tràng là ung thư gây thiệt mạng cao thứ 4 trên thế giới sau ung thư phổi, ung thư dạ dày và ung thư gan.

Bệnh này nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm thì tỷ lệ được chữa khỏi lên tới 90%. Nhiều người đã sống khỏe mạnh hơn 20 năm sau khi phát hiện bệnh. Vậy làm thế nào để nhận biết các triệu chứng và phòng tránh căn bệnh này hiệu quả?

Các dấu hiệu nguy cơ ung thư đại tràng

Rối loạn tiêu hóa kéo dài: Bệnh ung thư đại trực tràng có biểu hiện ở mọi bộ phận liên quan đến đường tiêu hóa. Một số dấu hiệu thường gặp như hơi thở hôi, hay ợ hơi, ợ chua, đau tức vùng bụng trước hoặc sau khi ăn. Đau quặn bụng, đau râm ran là biểu hiện của rối loạn tiêu hóa do nhiễm khuẩn.

Song một vài trường hợp, nó báo hiệu sự tồn tại của các khối u ở dạ dày - ruột. Chán ăn, khó tiêu, đầy trướng bụng trên vùng rốn, ăn không ngon là tình trạng thường thấy ở người bệnh ung thư đại tràng. Tình trạng này kéo dài khiến cơ thể mệt mỏi, sút cân. 

dau-hieu-som-canh-bao-ung-thu-dai-trang

 Ung thư đại tràng là ung thư gây mất mạng cao thứ 4 trên thế giới sau ung thư phổi, ung thư dạ dày và ung thư gan.

Giảm cân bất thường: Không phải do tập luyện hay ăn kiêng giảm cân mà cơ thể đột ngột sút cân thì bạn cũng không nên coi thường. Rất có thể đó là dấu hiệu của ung thư, nhất là ung thư đại tràng, dạ dày hoặc các bộ phận khác liên quan đến đường tiêu hóa.

Các rối loạn liên quan bài tiết phân: Đại tràng là cơ quan bài tiết phân trong quá trình tiêu hóa, nên ở giai đoạn sớm, người bệnh thường hay bị chứng rối loạn đại tiện, bài tiết phân như đi táo, đi lỏng thất thường, tình trạng này kéo dài. Ung thư đại trực tràng thường khiến người bệnh đau quặn, mót rặn, khó chịu khi đi ngoài. Khi đi đại tiện, người bệnh thường bị đau quặn, mót rặn, phân nhày mũi máu và phân nát, phân hình lá lúa (do phân phải đi qua khối u).

Thăm khám, chẩn đoán ung thư đại trực tràng

Phân mỏng, hẹp so với bình thường: Kích thước của chất thải cũng giúp phát hiện những bất thường trong hệ tiêu hóa. Tình trạng phân mỏng rất có thể do một vật cản giống như một khối u khiến phân bị chặn lại. Nếu phân có kích thước mỏng như một chiếc bút chì hoặc có hình lá lúa do phải đi qua khối u, thì cần cảnh giác với ung thư đại tràng.

Xuất hiện máu trong phân: Đại tiện kèm máu đỏ tươi, nhỏ giọt, phủ lên phân. Một số trường hợp, ở giai đoạn cuối bệnh nhân còn thấy hậu môn trực tràng sa xuống, toàn thân gầy đi, số lần đại tiện tăng, khi táo bón, khi tiêu chảy. Lưu ý, nếu mắc bệnh khác như trĩ, nứt hậu môn bạn cũng gặp hiện tượng trên. Cần phân biệt đại tiện ra máu do trĩ thường là máu tươi. Còn bệnh nhân ung thư trực tràng thường xuất huyết dưới dạng máu lẫn với nhầy. Vì máu chảy ở niêm mạc vùng ung thư có thể bị viêm nên tiết nhầy.

Mệt mỏi và suy nhược: Đây là triệu chứng phổ biến nhất của ung thư nhưng lại dễ bị bỏ qua nhất. Mệt mỏi do ung thư đại tràng thường liên quan đến thiếu máu do mất máu trong phân. Người bệnh cảm thấy kiệt sức ngay cả khi đã nghỉ ngơi, đồng thời suy nhược cơ thể một cách nhanh chóng mà không rõ nguyên nhân.

Ngoài các triệu chứng nêu trên, khi ung thư muộn thì có người sờ thấy cả khối u nổi ở dưới da bụng, vàng da, bụng to dần...

Xét nghiệm phát hiện sớm ung thư đại tràng 

Ở giai đoạn sớm, ung thư đại tràng thường không có biểu hiện rõ ràng, cụ thể. Vì vậy cần thực hiện các xét nghiệm ung thư đại tràng để chẩn đoán sớm bệnh.

Xét nghiệm máu để xác định chất chỉ điểm ung thư CEA: CEA tăng cao có thể chỉ ra rằng ung thư đại tràng đã lan đến các bộ phận khác của cơ thể. Đây không phải xét nghiệm chính xác tuyệt đối vì chỉ 60% số bệnh nhân ung thư đại tràng di căn tăng nồng độ CEA. Xét nghiệm CEA cũng giúp theo dõi cho bệnh nhân ung thư đại trực tràng sau điều trị.

 Xét nghiệm tìm máu trong phân: Tìm kiếm dấu hiệu của máu trong phân do chảy máu khối u và polyp. Nếu có bất thường, bệnh nhân cần nội soi đại tràng để chẩn đoán chính xác bệnh.

Nội soi đại tràng: Phương pháp này giúp quan sát toàn bộ đại tràng nhằm phát hiện sớm ung thư.

Chụp Xquang: Giúp quan sát toàn diện đại tràng xem có sự hiện diện của các khối u và các tế bào ung thư không.

Siêu âm, chụp CT/MRI: Giúp xác định vị trí, kích thước và các tổ chức xung quanh khối u, hỗ trợ việc chẩn đoán ung thư có di căn sang các bộ phận khác hay không, giúp bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.

Sinh thiết: Có thể được thực hiện trong quá trình nội soi đại tràng hoặc thực hiện trong quá trình phẫu thuật.

Làm gì để phòng ngừa ung thư đại tràng?

Ung thư đại tràng có thể phòng tránh được thông qua thói quen ăn uống lành mạnh. Có nhiều yếu tố nguy cơ mà mọi người có thể phòng tránh được như:

Các loại thịt đỏ (thịt bò, thịt cừu) được xem là có liên quan mật thiết đến ung thư đại tràng. Dưới hình thức chiên, nướng, thịt xông khói, dăm bông, xúc xích, chất đạm sẽ làm tăng yếu tố sinh ung, còn mỡ sẽ bị chuyển hóa bởi vi khuẩn trong lòng ruột, làm tăng sản các tế bào biểu mô bất thường và phát triển thành ung thư.

Ăn nhiều thịt, mỡ, đạm, ít chất xơ dễ dẫn đến béo phì và có nguy cơ cao gây ung thư đại tràng. Các thức ăn chứa nhiều chất xơ (rau xanh, trái cây) giúp làm giảm nguy cơ này. Các loại nước uống chứa cồn làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng, do vậy không nên sử dụng.

Thuốc lá là một tác nhân nguy cơ cao gây ung thư đại tràng cho cả hai giới, nhất là khi kết hợp với sử dụng rượu bia. Hoạt động thể lực, vận động hay luyện tập thể dục sẽ làm giảm nguy cơ mắc ung thư đại tràng.

(Nguồn: Vietnamnet)
Bình luận
vtcnews.vn