• Zalo

Nhạc truyền thống, không thể lúc nào cũng khoác chiếc áo cũ kĩ

Văn hóa - Giải tríThứ Ba, 11/11/2014 03:05:00 +07:00Google News

(VTC News) - 'Những dòng nhạc truyền thống, không thể lúc nào cũng mang trên mình chiếc áo cũ kĩ, già cỗi, mà phải được tiếp cận phù hợp với xu thế hiện đại.'

(VTC News) - 'Những dòng nhạc truyền thống, không thể lúc nào cũng mang trên mình chiếc áo cũ kĩ, già cỗi, mà phải được tiếp cận phù hợp với xu thế mới hiện đại' - Ông Nguyễn Văn Bình - PGĐ Đài THKTS VTC.

nguyễn văn bình
Ông Nguyễn Văn Bình PGĐ Đài THKTS VTC 
- Giữa đời sống âm nhạc sôi động, người ta dễ bị lôi cuốn bởi những liveshow hoành tráng, những ablum trẻ trung, sôi động, làm cách nào để người nghe ngồi lại, lắng lòng mình nghe những làn điệu hát xẩm, hát chầu văn, hát quan họ trong album Tôi yêu Thanh Hóa anh cùng ê kíp vừa thực hiện?


Phải nói rằng, đời sống âm nhạc đương đại rất phong phú, đó là sự giao thoa, đan xen giữa các thể loại âm nhạc, từ truyền thống đến hiện đại, đặc biệt là quá trình tiệm cận và cập nhật những xu hướng âm nhạc trên thế giới.

Thời gian vừa qua, khán giả yêu nhạc Việt Nam đã đón nhận những dòng nhạc hiện đại này và nhanh chóng tạo thành một xu hướng đông đảo. Chính vì sự nổi trội này mà người ta có cảm giác dòng nhạc  truyền thống bị lấp đi.

Nhưng thật ra, mỗi dòng nhạc đều có giá trị riêng của nó. Dòng nhạc dân gian truyền thống dù không quá náo nhiệt, bốc lửa, đôi lúc ồn ào nhưng lại vô cùng mượt mà, sâu sắc, ý nhị và cũng rất rộn rã, nhiều cung bậc, nhiều mầu sắc… đặc biệt hơn nữa là sự gần gũi, mộc mạc, dễ thương, dễ gần, luôn âm thầm tồn tại nuôi dưỡng bao tâm hồn, tình cảm của người Việt.

Và bây giờ, sau một thời gian ‘no nê’ với dòng nhạc mới thõa mãn thị hiếu của giới trẻ, người ta bắt đầu lắng lại, tìm về những giá trị đặc sắc của âm nhạc dân gian truyền thống với những đòi hỏi mới, yêu cầu mới ngày càng cao hơn

Tôi nghĩ, đây là lúc cho ra đời những sản phẩm âm nhạc tìm về nguồn cội, và chúng tôi bắt đầu thực hiện với album Tôi yêu Thanh Hóa.
tôi yêu thanh hóa
tôi yêu thanh hóa

- Một trong những cách hấp dẫn người nghe là ông cùng ê kíp khoác lên những giai điệu nhạc dân tộc chiếc áo mới mẻ?


Tôi nghĩ rằng, những dòng nhạc truyền thống, không thể lúc nào cũng mang trên mình cái áo cũ kĩ, già cỗi, mà phải được tiếp cận phù hợp với xu thế mới hiện đại.

Đó là lý do chúng tôi đưa những giai điệu dân gian truyền thống mà lâu nay phần lớn xuất hiện trong các studio, trên sân khấu ra bay bổng bên những dòng sông, con đò, chợ quê, giữa đời sống sinh hoạt gần gũi, thân thiết…

Hẳn không nhiều người thấy làn nhạc cổ truyền xuất hiện dưới ánh nắng lung linh, giữa cảnh hoàng hôn, bình minh hay những giữa phố phường có dòng người qua lại.

Hay như trước kia người hát xẩm chủ yếu là hát rong, phong cách biểu diễn đơn giản đến mức giản tiện, đôi khi thiếu sự trân kính, thì giờ chúng tôi đặt nghệ nhân hát xẩm ở vị trí trang trọng, nhưng vẫn giữ được sự giản dị, gần gũi vốn có của nó.

Để tạo được hiệu ứng âm thanh, hình ảnh đẹp, phù hợp với tâm lý tiếp nhận của công chúng, chúng tôi đã chọn những công nghệ truyền hình hiện đại để chuyển tải.

- Là một người con xứ Thanh, đây có thể được coi như món quà tri ân với nơi chôn rau cắt rốn của bản thân ông?

Khi làm album Tôi yêu Thanh Hóa việc đầu tiên là tôi nghĩ đến đối tượng công chúng tiếp nhận. Thanh Hóa có 4 triệu dân, người Thanh Hóa xa xứ mang trong mình cội nguồn văn hóa, lịch sử của quê hương cộng lại dễ phải đến 7 - 8 triệu người. Đó là đối tượng sẽ cảm thấy gần gũi, yêu mến nhất đối album này.

Với tư cách một người con xứ Thanh, được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, tôi cảm thấy tự hào khi được làm ra một sản phẩm âm nhạc gửi tặng quê hương và những người thân yêu của mình.
tôi yêu thanh hóa
tôi yêu thanh hóa

- Ông có thể chia sẻ về những tác phẩm được chọn đưa vào album Tôi yêu Thanh Hóa?

6 tác phẩm được chuyển thể bắt nguồn từ 6 bài thơ, mà tác giả đều là những người không phải nhà thơ chuyên nghiệp.

Họ có thể là người dân chân lấm tay bùn ở làng quê, có thể là một doanh nhân, hoặc một người làm truyền hình như tôi. Nhưng điểm chung là từ chất liệu dân gian, tất cả đã viết nên những câu từ mượt mà, thể hiện tình cảm gắn bó với xứ Thanh anh hùng nhưng rất đỗi trữ tình.

Trong album tôi đặc biệt ấn tượng với tác phẩm Quê choa, cả bài thơ và phần lồng điệu đã khái quát lên tính cách nổi bật của người Thanh Hóa.

Ngoài đặc tính cần cù, chịu khó, sáng tạo, anh dũng, trung quân và ái quốc, luôn thích làm những việc lớn, Người Thanh Hóa còn có chất khí khái riêng, sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn nhưng luôn nâng niu, trân trọng cả những cái nhỏ bé mà đáng quý.

Ngược lại vì sự khí khái, người xứ thanh sẵn sàng bỏ cả cái lớn khi lòng tự trọng bị chạm tới, sự tự ái bùng lên: 'Có khi cọng rạ thì khiêng. Có khi quả núi cũng nghiêng cho nhào. Tha hồ bỗ bã tào lao. Riêng gai nhọn chớ đụng vào quê choa'.

tôi yêu thanh hóa
Bài Rau má lại là một ca khúc mượt mà, giản dị khái quát lịch sử, văn hóa xứ thanh bằng những ngôn từ đậm chất quê như: ốc, cua, rau má do một người lính từng tham gia chiến trường trở về thành một doanh nhân trong cơ chế thị trường.

Bài thơ không chỉ mang đến cho người xứ thanh niềm tự hào của riêng mình, mà bất cứ người con đất việt nào cũng thấy rằng quê hương đã cho họ tâm hồn, lực sống, là nơi thiêng liêng nâng bước đến cả vĩ nhân và hơn thế nữa 'Mai này em về quê anh. Mà xem dấu vết kinh thành xa xưa. Vĩ nhân đến các đời vua, cũng từ rau má, ốc, cua nên người…'.


Hay bài Hàm Rồng, địa danh mà mỗi lần nhắc đến Thanh Hóa không ai không biết đến.

Trong 6 tác phẩm, có một tác phẩm do tôi viết lời, đó là bài Thương nhớ xứ Thanh – tác phẩm biểu đạt tình cảm của người xa quê, luôn tha thiết hướng về quê nhà.

Xuất phát từ tình cảm của chính mình với mảnh đất quê suốt bao năm nghèo khó, thương sự khắc nghiệt và lịch sử oai hùng của tổ tiên, mà tôi đã viết những ca từ này. Sau đó, các nghệ sỹ đã chuyển thể dưới hình thức hát quan họ, mượt mà, dễ thương, dễ hát.

- Sau Tôi yêu Thanh Hóa, anh có dự định gì để phát triển những loại hình nghệ thuật giàu tính truyền thống?

Để tiếp tục chắp cánh cho nghệ thuật truyền thống, tôi có lên ý tưởng cùng các nghệ sỹ sẽ thực hiện dự án đào tạo học hát online. Trước đó, tôi sẽ làm phụ đề bản karaoke bài Thương nhớ xứ Thanh để nhiều người cùng hát.

Xin cảm ơn ông!

An Yên (thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn