• Zalo

Nhạc thiếu nhi muốn “sống” được phải hồn nhiên

Tổng hợpThứ Hai, 05/09/2011 07:40:00 +07:00Google News

Phạm Tuyên là một cây đại thụ âm nhạc có nhiều cành, nhiều nhánh mà nhánh nào cũng vạm vỡ, sum suê. Một trong những nhánh nõn ấy, ông dành viết tặng cho con trẻ

    “Phạm Tuyên là một cây đại thụ âm nhạc có nhiều cành, nhiều nhánh mà nhánh nào cũng vạm vỡ, sum suê. Một trong những nhánh nõn ấy, ông dành viết tặng cho con trẻ…”. Xin mượn lời nhà phê bình Văn Hồng để nói về nhạc sĩ Phạm Tuyên. Được mệnh danh là “nhạc sĩ của trẻ thơ”, ông là người luôn đau đáu và trăn trở làm thế nào để mang lại cho các em nhỏ những ca khúc hồn nhiên, những giai điệu trong trẻo, gần gũi với cuộc sống…

 

 “Muốn viết được, phải hiểu đã…”

 Các bài hát dành cho thiếu nhi hiện nay đang lâm vào khủng hoảng, hầu như không có những tác phẩm mới nổi trội, mà vẫn là những ca khúc quen thuộc như Cánh én mùa xuân, Chú voi con ở bản Đôn, Bà còng đi chợ… Theo ông nguyên nhân tại sao?

Không phải không có ca khúc mới mà thật ra âm nhạc thiếu nhi hiện nay của chúng ta đang vừa thiếu vừa thừa. Thiếu bài hay và thừa bài dở. Nguyên nhân thì có rất nhiều, thiếu nhạc sĩ tâm huyết, mà nhạc sĩ tâm huyết rồi có khi lại không hiểu trẻ con, không hiểu thì không viết được ca khúc hay. Viết được ca khúc hay rồi lại không có đơn vị nào đứng ra tổ chức dựng bài. Đến khi dựng thành bài rồi thì không được truyền thông, phổ biến rộng rãi. Mà không được nghe nhiều thì chắc chắn trẻ em không thể nhớ… Chúng ta đang luẩn quẩn trong vòng tròn bế tắc ấy.

Trong 28 năm làm Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhạc sĩ Việt Nam, tôi đã đề nghị thành lập Ban Thiếu nhi và sáng tác các ca khúc cho thiếu nhi. Tôi cũng đã sẵn sàng nhận nhiệm vụ Trưởng ban sáng tác, mỗi năm họp thành viên một lần để rút kinh nghiệm và tổ chức đi thực tế gặp trẻ em… Khi tôi thôi làm Ủy viên để về làm Chủ tịch Hội âm nhạc Hà Nội thì Hội nhạc sĩ cũng sát nhập Ban Thiếu nhi vào Ban Thanh nhạc. Từ đó cũng ít người viết cho thiếu nhi hơn.

 Đội ngũ nhạc sĩ trẻ hiện nay rất đông nhưng các ca khúc thiếu nhi vẫn thiếu. Nhiều người cho rằng viết nhạc cho thiếu nhi thu nhập kém hơn nhiều so với nhạc người lớn. Liệu đây có phải là nguyên nhân chính khiến cho các nhạc sĩ thờ ơ với “lãnh địa” này?

Năm 2009, từ hồi có trung tâm bản quyền, thì mỗi một quý người ta lại mời tôi đến nhận tiền bản quyền ca khúc. Mỗi bài chỉ vài chục nghìn đồng, thế mà có đợt tôi cũng được lĩnh tận 30 triệu. Tôi thấy đây là điều đáng mừng và đáng ủng hộ để bảo vệ quyền lợi cho người sáng tác.

Đội ngũ nhạc sĩ trẻ bây giờ được học hành bài bản hơn, nhanh nhẹn hơn và có điều kiện để thu thanh, dựng bài hơn. Nhưng vì mải chạy theo lợi nhuận trước mắt nên nhiều người đầu tư viết nhạc trẻ. Có một thực tế là viết cho trẻ con thì không kiếm được nhiều tiền bằng viết nhạc trẻ cho các ngôi sao, các ca sĩ đang lên. Tôi nhớ ngày xưa mình viết bài xong có khi còn cho người ta luôn, rồi người ta nhớ đến mình, Tết đến cho quà là tôi vui lắm rồi. Giờ thì nhiều nhạc sĩ đặt giá cao lắm, mỗi bài 30 triệu thì mới viết. Một nhạc sỹ trẻ nói với tôi “Cháu chỉ viết nhạc trẻ rồi để ca sĩ tự lăng xê bài hát lên, mình chỉ cần tiền là đủ rồi”.

 Nhưng sự thật là viết nhạc cho thiếu nhi cũng khó nổi tiếng hơn là viết nhạc cho người lớn?

Người ta cứ xuýt xoa “ôi giời, viết cho trẻ con làm gì?” và nghĩ rằng sáng tác cho trẻ con là dễ, là không đáng nói, là không được xem trọng bằng sáng tác cho người lớn. Tuy nhiên, thật ra nghệ thuật luôn bình đẳng và cứ hay thì người ta nhớ, dở thì người ta quên. Tôi rất ngạc nhiên khi lên Đắc Lắc, thấy người ta còn dùng bài hát “Chú voi con ở bản Đôn” của tôi làm nhạc hiệu chương trình cho cả một Đài phát thanh truyền hình. Rõ ràng đó chỉ là một bài hát tôi viết cho trẻ con, nhưng họ vẫn thích và rất trân trọng. 

 Lại có thực tế, một số nhạc sĩ trẻ cũng nhiệt tình sáng tác cho thiếu nhi, nhiều bài hát còn đạt giải cao trong các liên hoan, hội diễn… Nhưng những bài hát đó lại không đến được với các em, hoặc đến rồi lại trôi đi rất nhanh. Nguyên nhân do đâu?

Người tâm huyết thì không thiếu nhưng họ chưa hiểu được trẻ con muốn gì, cần gì. Nhiều bài hát thậm chí vô nghĩa và phản tác dụng. Tôi nhớ, có một bài hát tên là “Anh Hai”, cũng được giải thưởng hẳn hoi, nội dung viết rằng “Má ơi, sao đẻ anh Hai trước con, để rồi con mắc sai lầm gì anh lại véo tai con”… Hay có một bài khác với nội dung là “Sao lại ghét thầy giáo đến thế, lúc nào cũng nghiêm nghị, nói sai thì cho điểm zêrô, sao mà ghét thầy giáo đến thế…” Vô hình chung, chúng ta đang dạy trẻ con ghét thầy cô, ghét người thân của  mình. Hôm đến thăm một trường mẫu giáo, các cô bảo: “Chú ơi, bây giờ thiếu bài hát cho trẻ con nên bọn cháu không biết nhạc cũng phải sáng tác”. Tôi bảo hát thử thì các cô hát “Bạn ơi, chùi mũi cho sạch”… Tôi thầm thốt lên: “Thôi chết, còn đâu là âm nhạc”.

 Nghĩa là ông cho rằng nhạc thiếu nhi hiện nay vì thiếu tính hồn nhiên nên khiến cho các tác phẩm sau khi ra đời đều đi vào ngõ cụt?

Người lớn vẫn luôn muốn răn dạy trẻ con là phải thế này, phải thế kia. Nhưng thực ra với những tâm hồn non nớt ấy, các em không cần lý luận, không cần phê phán, không cần giáo huấn. Ngành giáo dục cũng đã phát động phong trào cho trẻ em học mà chơi, chơi mà học. Vì thế, hãy cứ để các em được hát những ca từ giản dị, gần gũi nhất, sao cho dễ nhớ, dễ thuộc.

Tôi rất ngạc nhiên khi bài đồng dao “Bà còng đi chợ” đã được các em nhỏ dựng thành những hoạt cảnh mang tính giải trí và giáo dục rất sinh động. Bản thân tôi khi sáng tác cũng không nghĩ đến những hiệu quả ấy. Bài hát đã dạy các em biết giúp đỡ người già và đức tính trung thực một cách không gượng ép.

 Vậy làm thế nào để vượt qua ranh giới giữa sự tự nhiên và tính cứng nhắc, răn dạy trong ngôn từ bài hát?

Chúng ta phải xâm nhập thực tế và tìm hiểu trẻ con muốn gì. Sáng tác cho thiếu nhi vừa dễ vừa khó. Dễ vì thiếu nhi luôn ở quanh ta, đề tài thì phong phú, đa dạng. Nhưng khó ở chỗ vừa là nghệ thuật, vừa phải sư phạm, phải nắm được tâm lý giáo dục. Mỗi lứa tuổi có tâm lý khác nhau, sinh lý khác nhau. Bà xã tôi trước đây là giáo sư nghiên cứu tâm lý trẻ em, nên những bài hát đầu tiên tôi viết cho thiếu nhi thì bà chính là người thẩm định xem bài nào hợp với mẫu giáo, bài nào cho tiểu học và bài nào viết cho lứa tuổi teen. Mẫu giáo chỉ hát được quãng 5 thôi, càng lên tuổi trên thì hát cao hơn.

Tôi nhớ, hồi con gái mới đi học mẫu giáo, về nhà cứ nhất quyết bảo bố sáng tác cho trường con một bài đi. Thấy tôi sợ con không hát được, nó nằng nặc “Bố không sáng tác thì con không đi học”. Thế là viết ngay bài “Trường của cháu đây là trường mầm non”. Cô giáo thích quá dạy cho cả lớp, các trường khác cũng xin dạy lại cho trường. Bất ngờ là, sau đó bài hát được “biến hóa” rất linh hoạt. Câu cuối của bài hát, các em hát thành “Trường của cháu đây là trường Hoa Mai” hoặc “Trường của cháu đây là trường Hoa Cúc phường 13”… Nghĩa là đôi khi không cần đúng nhạc nữa nhưng các cháu hát rất vui và rất thích.

 Âm nhạc đã trở thành một môn học chính khóa trong nhà trường nhưng dường như học sinh vẫn chưa mấy mặn mà và hứng thú với những buổi học hát. Liệu có phải do giáo viên chưa biết cách truyền giảng?

GS Trần Văn Khê từng nói rằng khi dạy trẻ con về nghệ thuật thì đối thoại hay hơn là độc thoại. Không phải là thầy nói trò nghe mà cả thầy và trò cùng nói cho nhau nghe, cùng bàn luận, trao đổi thì hiệu quả sẽ lớn hơn rất nhiều. Vì thế, trẻ em không thích học hát là lỗi đầu tiên ở nhà trường. Đừng đem tiết học ấy ra để phổ biến kiến thức mà hãy biến nó thành một buổi vui chơi thoải mái thì trẻ con sẽ thích thú thôi. Bên cạnh đó cũng cần bổ sung các bài hát mới để tránh nhàm chán. 

 Ông từng cho rằng để những sáng tác mới có sức sống riêng thì ngoài chất lượng, việc quan trọng hàng đầu là cần có chiến dịch quảng bá để các ca khúc đến với công chúng rộng rãi hơn?

Bây giờ người ta rất dễ nhớ những bài hát trong phim, đơn giản vì tối nào xem phim cũng nghe hát. Trước đây, tôi viết cho trẻ con thù lao không đáng là bao nhưng rất vui vì hồi đó có Uỷ ban Thiếu niên- Nhi đồng, mỗi năm lại tổ chức cho đi chơi với trẻ con một lần, phổ biến ca khúc và dạy trẻ con hát. Đoàn thanh niên tổ chức các họat động rồi mời nhạc sĩ đến giao lưu với các em. Hồi đó, có vẻ sự quan tâm của các giới phụ trách thiếu nhi cũng nhiều hơn. Còn bây giờ, cơ quan truyền thông, đại chúng cũng bị đồng tiền chi phối. Chỉ cần bỏ ra ít tiền là bài hát của ca sĩ mới vào nghề cũng có thể lên sóng và hát đi hát lại trên kênh âm nhạc. Đến nỗi có không thích thì khán giả cũng “buộc” phải nhớ.

 

 

“Đừng biến trẻ em thành những con rối kiếm tiền”

 Ở thị trường băng đĩa nhạc cho thiếu nhi hiện nay, khách hàng vẫn luôn tìm đến những sản phẩm của cả chục năm trước như album bé Xuân Mai, Xuân Nghi. Công chúng chỉ thích những ca khúc cũ hay đây chỉ là tâm lý thói quen?

Tôi nghĩ có hay thì người ta mới mua. Có điều rất nhiều ca khúc hay nữa nhưng chưa được dàn dựng nên chưa đến được tay công chúng. Cách đây 5 năm, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện có rủ tôi gửi bài hát vào TP HCM để mấy hãng băng đĩa như Bến Thành, Sài Gòn Audio… in đĩa. Vài năm trở lại đây thì người ta không làm mấy nữa. Một số nhạc sĩ của thiếu nhi như Hoàng Lân, Hoàng Long vẫn viết thường xuyên nhưng viết rồi để đấy vì không có đơn vị nào đứng ra đầu tư dàn dựng. Trước đây, những đĩa hát của Xuân Mai là do gia đình tự bỏ tiền ra thu. Các Đài phát thanh truyền hình hiện nay vẫn quen “ăn sẵn”, có bài nào thu âm, dàn dựng rồi thì mới phát.

 Bên cạnh thiếu những bài hát hay thì các ca sĩ nhí hiện nay cũng không có gương mặt nào nổi bật như thế hệ Xuân Mai, Xuân Nghi…?

Hôm trước tôi vừa xem trên Youtube và thực sự kinh ngạc trước tài năng nhí của cậu bé có nghệ danh là Bé Châu. Hát quá giỏi, biết nhấn ở đâu, biết phải giọng khàn ở chỗ nào, nhưng tiếc thay đó lại là những bài hát của người lớn với những lời lẽ sầu muộn, bi thương, đau đớn… Ngoài ra còn có các clip một số em nhỏ chỉ mới 10-12 tuổi nhưng hát những bài hát yêu đương một cách sành sỏi. Không trách các em, mà phải trách người lớn. Trẻ con trở thành nạn nhân, thành con rối để người lớn khai thác, kiếm tiền.

 Nhưng những đĩa hát này có vẻ bán rất chạy, phải chăng thẩm mỹ về âm nhạc thiếu nhi đang thay đổi?

Tôi nghĩ đĩa bán chạy chỉ vì lý do đơn giản là người ta muốn nghe cho vui và thỏa sự tò mò.

 Một thực tế là hiện nay, học sinh từ cấp 2 đã thích nhạc hiphop hoặc rock, rap hơn là Bụi phấn hay Chiếc đèn ông sao… Ông có thấy buồn?

Tôi không hề phản đối nhạc jazz, nhạc rock hay hiphop. Chính hiphop đã thể hiện được sự năng động của con người, còn nhạc rock thì mang tiết tấu cuộc sống. Nghe hiphop hay rock không có gì sai nhưng phải là rock Việt Nam, hiphop Việt Nam. Chẳng hạn, lên Tây Nguyên, mọi người sẽ thấy có những bài người ta hát còn “rock” hơn cả những tác phẩm bây giờ. Những bài hát theo lối nhạc rap từ trong chính dân ca của mình khi người ta đọc lời theo nhịp và tiết tấu mà không cần âm nhạc. Đó cũng là tính dân tộc. Vì thế, các nhạc sĩ có thể dùng kỹ thuật của âm nhạc phương Tây để thổi vào hồn dân tộc trong các tác phẩm của mình thì hay hơn. Nói như một nhà văn: “Đi đến tận cùng của dân tộc, ta sẽ gặp nhân loại”.

 
  Hiện nay, các em đang trong giai đoạn trưởng thành, không còn hát những bài thiếu nhi, mà thay vào đó là nhạc trẻ, nhạc nước ngoài. Nhưng thị trường nhạc trẻ đang phát triển rất lộn xộn, chúng ta phải làm gì để cách nghe, cách hát của các em không lệch lạc một chiều?

Đời sống xã hội thay đổi, các phương tiện thông tin rất phong phú so với trước đây, lứa “tuổi hồng” thường nghe nhạc trên các website, chỉ cần một cái nhấp chuột là các em có thể thưởng thức đủ các thể loại âm nhạc: rap, dance, pop, nhạc trẻ thị trường…, thậm chí cả nhạc chế. Nhưng nhạc dành cho đúng lứa tuổi gần như không bao giờ được các em lưu tâm.Vì thế, nếu không có sự định hướng, giới trẻ sẽ tiếp nhận một cách xô bồ, không biết hay dở thế nào, tạo ra một hiện tượng nghe tạp, láo nháo.

Chúng ta đang đứng trước sự xâm lăng về văn hóa và mất chủ quyền về ngôn ngữ.

Giờ lên mạng thấy nhiều bài hát một nửa là tiếng Việt, một nửa tiếng Anh. Tôi rất buồn vì có lần một đoàn nghệ thuật Hàn Quốc sang đây đã phát biểu rằng thanh niên Việt  Nam giống hệt thanh niên Hàn Quốc từ cách ăn mặc đến hát hò… Làm sao để giáo dục và định hướng thẩm mỹ âm nhạc cho giới trẻ là một vấn đề nan giải. Muốn làm được điều này cần phải có sự vào cuộc chung từ nhiều góc độ và những biện pháp cụ thể ở tầm vĩ mô, từ cấp cao nhất là Nhà nước, các cơ quan quản lý, giáo dục đến nhà trường, gia đình; đặc biệt tổ chức nhiều cuộc vận động sáng tác ca khúc cho thiếu nhi.

 Một trong những sân chơi cho âm nhạc thiếu nhi lớn nhất hiện nay chính là Đồ Rê Mí. Nhưng nhiều người nhận xét, mặc dù được dàn dựng công phu nhưng những bài hát Đồ Rê Mí vẫn chưa được khán giả nhí tiếp cận một cách sâu sắc. Ông nghĩ sao?

Chương trình Đồ Rê Mí rất tốt, nhưng đừng bắt trẻ con ra làm trò cho người lớn. Có lần, tôi đã góp ý với ê-kip chương trình là “đừng có bắt trẻ con 4-5 tuổi mặc áo tứ thân và hát Thị Mầu lên chùa”. Bọn trẻ có biết Thị Mầu là ai đâu? Một khi diễn trò cho người lớn thì các em cũng sẽ không còn hứng thú mà chỉ là vâng lời người lớn.

 Hiện nay, ông vẫn là một trong những nhạc sĩ tâm huyết nhất với nhạc thiếu nhi. Vậy, kế hoạch của ông dành cho các em nhỏ trong thời gian tới là gì?

Trong dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội, tôi đã đề xuất in một cái đĩa những bài hát hay về Hà Nội của trẻ con, rồi phát rộng rãi cho các quận huyện, để đến dịp lễ hội gì lại mở lên Đài phát thanh cho trẻ con nghe và hát theo. Nhưng cuối cùng thì ở trên bảo không có kinh phí. Tôi thật sự thấy buồn. Hy vọng các ban ngành sẽ có sự quan tâm hơn nữa đến đời sống tinh thần của các em.

Vừa qua, tôi mới trao đổi với Trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật và thống nhất là nếu sắp tới Hội Nhạc sĩ Việt Nam không lập Ban Thiếu nhi thì Hội Âm nhạc Hà Nội sẽ thành lập. Phải vận động những đợt sáng tác mới cho trẻ em, những bài hát mới phù hợp với cuộc sống mới ngày hôm nay. Đời sống âm nhạc đã khác đi, vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì tốc độ, nhịp điệu, tiết tấu bài hát cũng phải khác. Trẻ em giờ cũng cần những cái sôi động hơn. Tôi cũng đã in xong tuyển tập 200 bài hát cho thiếu nhi. Giờ tuổi cũng lớn rồi, nên xin ủy nhiệm lại cho các nhạc sĩ trẻ.

Gần đây người ta cứ kháo nhau là “Tại sao nhạc sĩ Phạm Tuyên không được trao giải thưởng Hồ Chí Minh?”. Hội Nhạc sĩ đã trả lời rằng “Không xin thì không cho, không làm đơn thì không có…”. Nói thật là tôi không cần viết đơn để xin giải thưởng. Tôi chỉ cần mình có chỗ đứng trong lòng công chúng, thậm chí người ta hát bài của tôi và không cần biết tên tác giả, tôi cũng vui lắm rồi.

 Vâng, xin cảm ơn nhạc sĩ!

Thanh Hương - Ảnh: Trọng Tín

Bình luận
vtcnews.vn