Ca sĩ chỉ hát vì tiền và danh
- Nhìn lại 2 thập kỷ qua, anh đánh giá thế nào về sự thay đổi của âm nhạc Việt Nam?
Theo tôi, hai thập niên qua âm nhạc Việt Nam đã có những thay đổi đáng kể. Các tác giả và ca sĩ trẻ có nhiều điều kiện tiếp xúc, tiếp thu những cái mới của âm nhạc thế giới, từ phong cách âm nhạc đến công nghệ làm nhạc. Sân chơi âm nhạc được mở rộng, tha hồ bay nhảy. Khoảng cách giữa Việt Nam và thế giới ngày càng được kéo gần. Nền âm nhạc trong nước vì thế cũng đa dạng, phong phú và hiện đại, giàu tính kỹ thuật hơn.
Tuy nhiên, hạn chế là âm nhạc trong nước đang mất đi tính hồn nhiên lẫn cảm xúc thật và chiều sâu. Âm nhạc bị chi phối quá nhiều bởi tính thị trường và các bề nổi danh vọng nhất thời. Nó ồn ào mà hời hợt. Số lượng phát triển mạnh nhưng chất lượng lại nông, không còn chút bản sắc nào. Tính nghệ thuật bị hạ thấp.
- Cũng bởi do thị trường nhạc Việt đang chấp nhận nhiều thứ “nông choèn choẹt” ấy, thưa anh?
Nhạc giải trí và thị trường có đặc điểm là không có cá tính, ý thức sáng tạo cao nên chúng trộn lẫn vào nhau là đương nhiên. Cách làm của chúng ta quá thiên lệch về mặt giải trí, chạy theo lợi nhuận bất chấp mọi hệ luỵ, không chú trọng nâng cao dân trí nên những loại nhạc như vậy có điều kiện để phát triển tràn lan như cỏ dại.
- Và khán giả cũng ngây thơ, thiếu hiểu biết về âm nhạc thực thụ?
Tôi nghĩ đa số khán giả ít hiểu biết về âm nhạc và các giá trị sáng tạo. Họ đánh giá bằng cảm tính. Thần tượng ai thì bênh người đó, không thì ngược lại. Nhiều bài đáng lên án là đạo thì lại bênh, trong khi có bài chỉ ảnh hưởng nhưng lại quy kết là đạo.
Tình trạng đánh giá rất hỗn loạn và vô minh, dẫn đến “vàng thau lẫn lộn”. Mọi thang giá trị bị cào bằng hoặc đảo lộn. Ca sĩ chỉ hát vì tiền. Cứ có người nghe, người thích là hát, không cần quan tâm bài mình hát có giá trị hay không.
Không thể nói là Sơn Tùng không đạo
- Gần đây, anh có biết Sơn Tùng lại mắc bệnh “cầm nhầm” với “We don’t talk anymore” khi ra mắt “Chúng ta không thuộc về nhau”?
Không thể nói là Sơn Tùng không đạo. Tôi có thể phân tích thế này: Vòng hợp âm của We don’t talk anymore là một vòng hợp âm đặc biệt chứ không phải là một vòng hợp âm bình thường, phổ biến cho một thể loại nhạc cụ thể. Nó thuộc tone trưởng nhưng đi từ bậc 2 trưởng (thường là thứ) sang bậc 3 rồi 4 rồi 5 liền nhau để trở về chủ nhưng lại chuyển sang thứ song hành. Đây là một sáng tạo hiếm gặp.
Khúc thức của 2 bài trùng hợp nhau đến ngạc nhiên. Tempo thì tương đồng nhau ở khoảng 100 - 105 nhịp trong một phút (bài của Sơn Tùng nhanh hơn vài đơn vị). Ngoài một mạch 7 nốt nhạc giống nhau trong đoạn điệp khúc thì ở những chỗ khác chúng vẫn na ná nhau trong cách vận hành các tuyến giai điệu.
- Với “Trách ai bây giờ” (Đông Nhi) giống ca khúc “Auditory hallucination” , “Don’t you go” (Vũ Cát Tường) bị nghi đạo “Unfriend you” và “Lẻ loi” (Châu Đăng Khoa) mắc nghi án với “Up & Down”. Anh nhìn nhận thế nào?
Bài của Đông Nhi rất ít giống nhưng có thể thấy tác giả đã mượn ý và ảnh hưởng nặng màu sắc giai điệu của nhạc Hàn. Nhưng nếu nói đạo thì quá đáng. Hai bài còn lại Don’t you go (Vũ Cát Tường) và Lẻ loi (Châu Đăng Khoa) giống 50/50 với bản so sánh. Các đoạn nhạc liền mạch có số nốt giống ít hơn Sơn Tùng, nhưng các tuyến giai điệu của chúng vẫn tiến hành và phát triển theo một cách thức như nhau. Câu intro trong bài của Châu Đăng Khoa quá giống và sử dụng một sắc thái tương tự qua màu sắc nhạc cụ là cùng một tiếng kèn.
Không thể nói là Sơn Tùng không đạo.
Nhạc sỹ Trần Minh Phi
Cặp bài của Vũ Cát Tường cũng giống như “anh em sinh đôi” qua đoạn nhạc mở đầu và cùng một cách đánh theo kỹ thuật staccato qua âm thanh syn giả tiếng đàn giây. Cấu trúc âm nhạc của 2 cặp này cũng như nhau. Vòng hợp âm cũng tương đồng nhưng đây là hai vòng hợp âm không có gì độc đáo nên có thể bỏ qua. Nhưng khó có thể không tin là họ không cố tình viết trên cùng một bản beat.
- Nhìn nhận lại cả quá trình âm nhạc do người trẻ sáng tác (có vay mượn), anh có thể cho biết quan điểm của mình về đạo nhạc?
Một ca khúc bị cho là đạo khi: Giai điệu có từ hơn 5 nốt nhạc trở lên liền mạch trong một câu nhạc phiên khúc hay điệp khúc; Các tuyến giai điệu phát triển theo một mô hình như nhau; Giống vòng hoà âm đặc biệt; Tiết tấu và nhịp độ tương đồng và cùng một khúc thức âm nhạc.
Nhạc sĩ Trần Minh Phi sinh năm 1963 tại Huế. Anh tốt nghiệp Trường ĐH Tổng hợp TP HCM (nay là ĐH Khoa học - Xã hội & Nhân văn TP HCM) và Trường Điện ảnh Việt Nam (nay sáp nhập thành Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh). Năm 1988, anh bắt đầu viết nhạc và trở thành tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng như: Hôn môi xa, Dối lòng, Góc phố dịu dàng, Gửi đôi mắt nai, Dưới bóng Hoàng Lan…
Ngoài viết nhạc, Trần Minh Phi còn là cây bút phê bình âm nhạc sắc sảo, dám phê bình chính mình và cả những người hát nhạc của anh.
Chắc chắn không ít bài sẽ giống nhau trên 5 nốt liền mạch trong lịch sử âm nhạc. Nhưng chúng không có tuyến giai điệu phát triển như nhau. Tiết tấu không hoặc ít tương đồng và vòng hoà âm đặc biệt là không có. Ví dụ 2 bài The sound of silence và Sealed with a kiss. Hai bài này có 7 nốt nhạc giống nhau trong đoạn nhạc chủ đề. Theme của bài đầu có 14 nốt, bài sau là 11. Chúng giống nhau 50-70%, chuẩn mà người ta sẽ soi là có vấn đề. Nhưng sau đó, tuyến giai điệu tiếp theo là độc lập cho đến hết bài.
Thị hiếu nghe nhạc của công chúng đã hỏng
- Là người lên tiếng và có đóng góp nhiều cho nền âm nhạc Việt Nam, theo anh, chúng ta nên phải làm gì để hạn chế tình trạng nhạc rởm mọc lan như cỏ dại?
Tôi e việc này rất khó, có thể nói là bất khả thi khi thị hiếu nghe nhạc của công chúng đã hỏng. Quan điểm của đa số người nghe là nhạc hay, hợp thì nghe, không quan tâm nó giống nhau hay đạo của ai, bất cần thị hiếu tốt hay xấu.
Đạo đức và tự trọng của nhiều tác giả và ca sĩ thì mai một mất rồi. Họ tự xem mình phải làm công việc tự nhiên của thị trường là ai có nhu cầu gì cung cấp thứ đó, bất kể chất lượng ra sao. Việc nâng cao dân trí, văn hoá nghe nhạc cùng với xây dựng lại ý thức đạo đức và nghệ thuật của giới làm nghề nhạc rất nan giải. Phải mất thời gian dài với sự cải tổ mạnh, sâu của cả một nền giáo dục.
- Vậy, nhạc Việt sẽ “tắc tử” nay mai, thưa anh?
Muốn biết tương lai hãy nhìn vào hiện tại. Hiện tại xô bồ, nông cạn trong sáng tác và thưởng thức thì tương lai của nó có nghĩa là không có tương lai.
Cảm ơn anh!
Video: Vlogger người Mỹ mổ xẻ ca khúc dính nghi án đạo nhạc của Sơn Tùng M-TP
Bình luận