• Zalo

Nhạc sĩ Y Vũ - người phong lưu đa tình, đa tài đã ra đi

Sao ViệtThứ Sáu, 29/09/2023 07:57:15 +07:00Google News

“Tôi đưa em sang sông/Chiều xưa mưa rơi âm thầm/Làm thấm ướt chiếc áo xanh/Và đẫm ướt mái tóc em… ”, người viết tình khúc ấy đã tạ thế lúc 4h sáng 28/9.

Cuối tháng 11/2022, Y Vũ ra Hà Nội. Ông hẹn gặp tôi. Sáng hôm ấy, tôi đội mưa đến khách sạn nhỏ nằm trong lòng phố cổ thăm ông. Ông mời tôi đi ăn sáng nhưng dặn trước: “Cháu cứ tự nhiên, chú không ăn được nhiều”. Rồi chúng tôi chọn một quán cà phê, ngồi ngắm mưa và cùng trò chuyện.

Tác giả (Đào Nguyên) gặp nhạc sĩ Y Vũ tháng 11/2022 tại Hà Nội.

Tác giả (Đào Nguyên) gặp nhạc sĩ Y Vũ tháng 11/2022 tại Hà Nội.

Nhìn về phía trước nghìn dặm chưa qua

Bẵng đi một thời gian, một hôm tôi vào Facebook bỗng giật mình khi đọc dòng trạng thái của Y Vũ. Ông tiết lộ đang mang trọng bệnh.

Tôi vội vàng gọi điện hỏi thăm. Đầu dây bên kia giọng Y Vũ vẫn khỏe khoắn và bình tĩnh, giải thích: “Ban đầu chú bị rối loạn tiêu hoá, sau nó lân qua đường ruột. Đi xét nghiệm sinh hóa với đi nội soi thì trong bàng quang có khối u 7 milimét. U ác tính. Bây giờ bác sĩ đang phải điều trị cho chú”.

Ông mắc căn bệnh cả thế gian đều sợ, ung thư, nhưng lại không hề bị “sốc”.

Y Vũ điềm đạm giải thích tiếp: “Cũng có thể gọi khối u này là ung thư. Nhưng có người cũng bị như chú, qua thời gian nó lại tiêu xuống. Cầu mong chú cũng được như thế. 7 milimét, chút xíu à”.

Ông không che giấu thời gian lâm bệnh cũng như tình trạng sức khoẻ hiện tại: “Chú bị hồi tháng 5, tháng 6. Hồi ở Hà Nội gặp cháu chú đã ốm rồi bây giờ trông còn ốm hơn, gầy teo”.

Gặp Y Vũ tại Hà Nội cuối năm 2022, quả thực tôi đã thấy ông gày gò, ốm yếu song không nghĩ ông đã âm thầm mang bệnh, bởi trí tuệ của ông còn minh mẫn, cách nói chuyện hoạt bát.

Y Vũ là một trong những nhạc sĩ không chịu cai thuốc lá. Đi uống cà phê, ông vẫn mang theo bao thuốc lá. Nhạc sĩ vừa nói chuyện, vừa hút thuốc. Bao nhiêu năm tháng xa Hà Nội song Y Vũ vẫn thủy chung với giọng Bắc.

Tác giả Tôi đưa em sang sông không sợ chết nhưng ông lo cho người bạn đời ở lại cô đơn và buồn đau. Vì thế, ông cầu trời cho ông được sống thêm vài năm để đồng hành cùng bà. Thế là mãn nguyện. Tôi từng tin, trời xanh thấu tỏ lời nguyện cầu của Y Vũ.

Thường xuyên theo dõi Facebook của ông, ngày 13/9, tôi thấy Y Vũ đăng ảnh mình kèm chú thích ngắn gọn: Sinh nhật. (Ông sinh ngày 13/9/1940). Thỉnh thoáng thấy Y Vũ đăng mấy câu thơ u ám: “Ngoảnh lại sau lưng thấy đời luân chuyển/Nhìn về phía trước còn nghìn dặm chưa qua”. Thế mà, trong ngày Hà Nội mưa tầm tã, ông đã ra đi…

Lần cuối cùng, trước khi phát hiện bạo bệnh, Y Vũ trở lại nguyên quán, Hà Nội cũng trong một ngày mưa. Ông đã ngồi đây nhớ lại Hà Nội của những năm tháng cũ

Lần cuối cùng, trước khi phát hiện bạo bệnh, Y Vũ trở lại nguyên quán, Hà Nội cũng trong một ngày mưa. Ông đã ngồi đây nhớ lại Hà Nội của những năm tháng cũ

Gom tủi hận vào thơ nhạc

Y Vũ không cố đánh bóng hình ảnh. Ông bảo, bản thân lang bạt nhiều nơi, so về tính cách không lành hiền như anh trai Y Vân, tác giả - 60 năm cuộc đời.

So về độ nổi tiếng thì Y Vân đình đám hơn Y Vũ. Nhưng Y Vũ khẳng định ông chưa bao giờ có ý định “dựa hơi” anh trai.

 Tôi từng hỏi ông: “Tại sao chú lấy nghệ danh Y Vũ, sao không cố thoát ra khỏi bóng của người anh nổi tiếng?”.

Ông không giận mà nói: “Chú có nghĩ gì đâu? Lấy nghệ danh một cách vô tư. Ông ấy lấy Vân, chú lấy Vũ, Vân Vũ - Mây Mưa chơi chơi, có nghĩ gì đến cái bóng với không cái bóng đâu?”.

Trong buổi cà phê, ông không ngại chấm điểm giọng hát của một số ngôi sao hát nhạc xưa. Thí dụ, ông đánh giá giọng hát của “nữ hoàng sầu muộn” Giao Linh: “Giọng bén, nức nở, những nốt lên cao giống như lưỡi dao phạt ngang, sắc quá”.

Ngay cả chuyện đời riêng từng gây bàn tán, đến những ngày tháng cuối cùng ông cũng không phủ nhận. Nhân lúc hỏi thăm Y Vũ về bệnh tình của ông, tôi muốn ông đính chính thông tin tràn lan trên mạng, tác giả Tôi đưa em sang sông từng có mấy chục người tình. Nhưng không ngờ ông thản nhiên đáp: “Không cần đính chính, thông tin đó là đúng, không sai”.

Tôi ngạc nhiên: “Như vậy, hồi còn trẻ, một năm có khi chú có vài người tình?”.

Ông bảo: “Đúng rồi, đúng rồi, tuổi trẻ mà”.

Tôi hỏi tiếp: “Nhìn lại quá khứ, ông có tiếc vì đã yêu quá nhiều?”.

Y Vũ trả lời: “Tiếc cũng như không mà thôi. Người ta bỏ đi, chú giữ không được. Người ta sống với chú mới thấy khuyết điểm của chú, nhàm chán chẳng hạn. Chú hay đi nhậu, cả ngày đi nhậu, lỗi của chú nhiều hơn”.

Nhưng cuối cùng, dù “từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ” (Trịnh Công Sơn), Y Vũ vẫn còn lại một người đàn bà yêu những ưu, nhược điểm của ông.

Một Y Vũ lạc quan, mặc kệ chuyện gì đến cứ đến, đã dừng bước phiêu linh ở tuổi 84. Chưa bao giờ tôi nghe Y Vũ thở than nhưng tôi đã đọc câu thơ ông viết ở buổi hoàng hôn cuộc đời: “Ta gom tủi hận vào thơ nhạc/Trái đắng trôi qua những cuộc tình”.

Tôi đưa em sang sông chính là nhạc phẩm dành cho người tình đầu tiên của ông: “Gót chân ngày xa xưa/Sợ lấm trong bùn khi mưa/Nàng đã thay một lối về/Quên cả người trong gió mưa”.

Tác giả Tôi đưa em sang sông và danh ca Chế Linh (bìa trái) tại quán cà phê của nhạc sĩ Thái Thịnh.

Tác giả Tôi đưa em sang sông và danh ca Chế Linh (bìa trái) tại quán cà phê của nhạc sĩ Thái Thịnh.

Phóng viên Tiền Phong liên lạc với nhạc sĩ Bảo Thu, cha đẻ nhạc phẩm Giọng ca dĩ vãng, Nếu xuân này vắng anh. Ông chia sẻ: “Ngoài Tôi đưa em sang sông, Y Vũ còn nhiều nhạc phẩm đáng chú ý khác, như Ngày cưới em, Kim… Ông còn là một nhạc công giỏi, chơi được rất nhiều nhạc cụ như piano, trống, guitar…”.

Chuyện Y Vũ đông người tình cũng được Bảo Thu xác nhận: “Ông ấy nhiều người tình lắm. Bởi ông phong lưu lắm, khiêu vũ cũng tốt lắm”.

Nhạc sĩ Mạnh Quỳnh, tác giả Gõ cửa - Một lần ghé thăm cho biết: “Y Vũ ra đi lúc 4h sáng 28/9. Tôi cũng mới gặp ông ấy, hôm mồng 4/9 vừa qua, nhân dịp Vũ Thành An về nước. Mồng 5/9, mấy nhạc sĩ già đã hẹn nhau”.

Theo nhạc sĩ Mạnh Quỳnh, Y Vũ là “bậc tiền bối”: “Y Vũ giỏi. Dòng nhạc của ông ấy nghe rất được”.

(Nguồn: tienphong.vn)
Bình luận
vtcnews.vn