• Zalo

Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến tái xuất với thơ sau 20 năm

Sao ViệtThứ Hai, 24/06/2024 06:14:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Tập thơ ''Hỗn độn và khu vườn'' đánh dấu sự trở lại với thơ sau hơn 20 năm của nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến.

Tác giả Nguyễn Vĩnh Tiến đã rất thành công với vai trò là một kiến trúc sư. Anh cũng đã làm nên tên tuổi ở lĩnh vực âm nhạc với Bà tôi và nhiều ca khúc từng gây “sốt” trong giới yêu nhạc.

Nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến ra mắt tập thơ ''Hỗn độn và khu vườn".

Nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến ra mắt tập thơ ''Hỗn độn và khu vườn".

Tuy nhiên, ít người biết anh đến với thơ từ rất sớm. Anh đã xuất bản nhiều tập thơ, đạt nhiều giải thưởng về thơ và truyện ngắn. Thơ của anh in dấu trong lòng người đọc với một âm hưởng đặc biệt pha trộn giữa hiện đại và truyền thống.

Mới đây, Nguyễn Vĩnh Tiến đã ra mắt tập thơ Hỗn độn và khu vườn, đánh dấu sự trở lại với thơ sau hơn 20 năm kể từ tập thơ Những bình minh khác (năm 2002).

Tập thơ gồm 268 trang, được chia làm 5 chương: Hoa lạ; Hỗn độn và khu vườn; Trầm cảm đô thị; Chàng thơ; Hoa nở không tên.

Tập thơ mang đến một hình dung về những chặng đường đời, những chặng đường thơ của tác giả. Thuở ban đầu là nỗi háo hức mê say khám phá những khả năng của chữ, thời trưởng thành là hình ảnh con người suy tư buồn bã với câu hỏi “tôi là gì,” và ở phần cuối là mảnh tâm tư đã nhiều phần tìm được chốn bình yên.

Theo biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thủy, thơ của Nguyễn Vĩnh Tiến rất đặc biệt và đa dạng. Đó là một giọng thơ hiện đại, từng trải, vượt ra ngoài ranh giới của thể loại, vần điệu để khám phá khả năng của ngôn từ.

“Đọc thơ Nguyễn Vĩnh Tiến là bắt gặp nỗi khắc khoải không ngừng của một linh hồn nhỏ bé trước thế giới như thế. Tồn tại ư, hạnh phúc ư, không phải thế này. Tôi ư, không phải thế này. Nhưng là thế nào? Câu hỏi ấy vẫn ngự trị trên bức tranh dữ dội và hỗn độn về hành trình làm người của ‘hoàng tử bé trung du’", biên tập viên Diệu Thủy bình luận.

Nguyễn Vĩnh Tiến và nhà thơ Vi Thùy Linh.

Nguyễn Vĩnh Tiến và nhà thơ Vi Thùy Linh. 

Còn tác giả Nguyễn Hoàng Yến cho rằng: "Nguyễn Vĩnh Tiến dường như kiên định với phong cách tối giản trong suốt hành trình thơ đã đi qua. Không cầu kỳ mà đơn giản, giản dị, tối giản một cách tự nhiên nhưng rất tinh tế, thuần khiết...

Anh mang vào thơ quá nhiều trải nghiệm, kiến thức, cảm xúc, những tưởng tượng, quan sát hồn nhiên về thế giới xung quanh. Ngay cả những thứ nhỏ đến mức không ai để ý nhưng trong thơ Nguyễn Vĩnh Tiến bỗng trở nên sống động, thở phập phồng và đi đứng, nói cười, yêu ghét, nhớ nhung, hờn ghen hay biểu cảm, hò hẹn như con người

Bút pháp nghệ thuật của Nguyễn Vĩnh Tiến dường như chẳng có bút pháp nào ngoài dòng cảm xúc tự nhiên, chân thật được anh bày đặt ngẫu hứng mà đầy chất thơ và hấp dẫn". 

Trong khi đó, nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận định Nguyễn Vĩnh Tiến là người của những chuyến viễn du, nhưng lại không bao giờ quên mang theo chiếc vali nặng chứa đầy đủ cả bóng quê nhà, cả mùi xứ sở: "Đọc Nguyễn Vĩnh Tiến, nghe Nguyễn Vĩnh Tiến, ta dễ dàng trông thấy hồn thơ ngập tràn thành lũ, thành sông. Thấy chữ xếp thành đường làng. Thấy hồn thơ vững vàng đứng lẫn vào bóng núi, bóng trung du" .

Đọc Hỗn độn và khu vườn khiến người đọc dường như choáng ngợp trước hành trang sống dày hơn cả một kiếp người. Không có một lối mòn nào trong thơ ca của Nguyễn Vĩnh Tiến. 

Chia sẻ về hành trình thơ của mình, Nguyễn Vĩnh Tiến nói: "Thơ luôn làm tôi ngạc nhiên. Nó mở ra một không gian mà chính tôi - người kiến trúc chữ - cũng cảm thấy thú vị. Nó bất ngờ như khi vẽ tranh màu nước, màu nọ tự nhiên hoà lẫn vào màu kia tạo nên những vết loang diệu kỳ của cảm xúc. Ngay cả những vụng về, khiếm khuyết trong nét vẩy của cây cọ vẽ, lại thành một hiệu ứng lạ kỳ khiến ta nhận ra những "vết khuyết" của bức tranh chữ. Vết khuyết có sao đâu. Vết khuyết của cuộc đời có khi lại cần thơ lấp đầy...". 

Tác giả Nguyễn Vĩnh Tiến nguyên là Trưởng Khoa Kiến trúc-Đại học Chu Văn An, và hiện vẫn đang tham gia các hoạt động về kiến trúc và quy hoạch đô thị. Ở lĩnh vực âm nhạc, anh đã làm nên tên tuổi từ rất sớm với giải Quán quân Bài hát Việt 2005 với ca khúc "Bà tôi". Ở văn chương, anh đã xuất bản nhiều tập thơ, đạt nhiều giải thưởng về thơ và truyện ngắn. Anh sáng lập nhóm thơ "Hoa lạ" năm 1992.

Từng in tập thơ đầu tiên năm 2001 rồi thôi, nhưng “cơn thơ” chưa bao giờ dừng lại ở Nguyễn Vĩnh Tiến.

Nguyễn Hoàng Yến
Bình luận
vtcnews.vn