• Zalo

Nhạc sĩ Hoàng Vân qua đời ở tuổi 88

Văn hóa - Giải tríChủ Nhật, 04/02/2018 15:01:00 +07:00Google News

Tác giả của "Hò kéo pháo", “Người chiến sĩ ấy”... qua đời tại nhà riêng ở Hà Nội vào khoảng 4h sáng nay (4/2).

Trên trang cá nhân, nhạc trưởng Lê Phi Phi - con trai nhạc sĩ Hoàng Vân - chia sẻ bố anh mất trong lúc ngủ. Trước đó, ông bị bệnh viêm phổi và một số bệnh tuổi già. Lê Phi Phi sẽ trở về đến Hà Nội vào ngày 6/2 để chịu tang cha.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam - cho biết, sáng nay, ông hoàn toàn bất ngờ khi nghe gia đình nhạc sĩ thông báo tin buồn với Hội. Hiện, gia đình chưa thông báo ngày tổ chức tang lễ.

hoang-van-1517721399081151372769

Nhạc sĩ Hoàng Vân.

Hoàng Vân là nhạc sĩ với nhiều đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam. Ông sinh năm 1930 tại Hà Nội, tên thật là Lê Văn Ngọ.

Năm 16 tuổi, ông gia nhập Đội thiếu niên cứu quốc Mai Hắc Đế, là liên lạc viên tự vệ khu Đông Kinh Nghĩa Thục (Liên khu I), Hà Nội, rồi làm phụ trách Thiếu sinh quân Trung đoàn 165, Sư đoàn 312.

Sau đó, ông tham gia Đội Tuyên truyền võ trang Lao Hà, làm báo chí và công tác địch vận của trung đoàn, sư đoàn, và sau đó phụ trách văn nghệ ở Sư đoàn 312.

Sau 1954, hòa bình lập lại, ông được gửi đi tu nghiệp tại Nhạc viện Bắc Kinh, Trung Quốc. Khi về nước, ông chỉ huy dàn nhạc đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam kiêm chỉ đạo nghệ thuật, đồng thời tham gia giảng dạy môn sáng tác và phối khí tại Nhạc viện Hà Nội cho đến năm 1989.

Từ năm 1963 đến năm 1989, ông là ủy viên Ban Chấp hành Hội nhạc sĩ Việt Nam, là trưởng ban sáng tác thanh nhạc và công tác tại Hội cho đến năm 1996. Năm 1975, ông đi thực tập một thời gian tại Nhạc viện Sofia, Bulgaria.

Hoàng Vân bắt đầu sáng tác từ năm 1951 với những ca khúc được phổ biến rộng rãi tại vùng Tây Bắc, Việt Bắc như "Chiến thắng Hòa Bình", "Tin chiến thắng", "Chiến thắng Tây Bắc",...

Năm 1954, ông sáng tác ca khúc nổi tiếng "Hò kéo pháo". Từ đây sự nghiệp sáng tác của ông bắt đầu nở rộ với hàng loạt ca khúc, hợp xướng, hòa tấu. Ngoài ra ông còn viết nhạc cho phim, kịch nói, chèo, cải lương.

Ngoài công việc sáng tác, ông còn tham gia công tác giảng dạy ở Nhạc viện Hà Nội. Học trò ông nhiều người đã thành danh như: An Thuyên, Trương Ngọc Ninh, Văn Thành Nho, Phú Quang,...

Ông đã xuất bản các sách nhạc: Hai chị em (Nhà xuất bản Âm nhạc, 1973), 6 ca khúc Hoàng Vân (Nhà xuất bản Âm nhạc, 1980), Ca khúc Hoàng Vân (Nhà xuất bản Âm nhạc, 1986), Tuyển chọn ca khúc Hoàng Vân (Nhà xuất bản Âm nhạc và Hội nhạc sĩ Việt Nam) kèm theo băng cassette audio.

Xuất bản tại nước ngoài: Tổng phổ giao hưởng Thành đồng Tổ quốc (in tại Cộng hòa Dân chủ Đức và Bulgaria), Hành khúc con voi (Voi kéo gỗ) (Nhà xuất bản Âm nhạc Moskva, Liên Xô).

Với những đóng góp cho nền âm nhạc nước nhà, nhạc sĩ Hoàng Vân được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật vào năm 2000. Sau đó 12 năm ông được nhận danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú.

Vợ nhạc sĩ Hoàng Vân là một bác sĩ. Hai ông bà có hai người con, đó là nhạc trưởng Lê Phi Phi và chị Lê Y Linh, tiến sĩ âm nhạc tại Pháp.

Những ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Hoàng Vân như: Hò kéo pháo, Tôi là người thợ lò, Hà Nội - Huế - Sài Gòn, Quảng Bình quê ta ơi, Người chiến sĩ ấy, Bài ca xây dựng, Tình yêu của đất và nước, Hát về cây lúa hôm nay, Bài ca tình bạn...

Ngoài ra, ông còn viết các ca khúc thiếu nhi như: Ca ngợi Tổ quốc, Mùa hoa phượng nở, Em yêu trường em…

Video: Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và gia tài âm nhạc

TRung Ngạn
Bình luận
vtcnews.vn