• Zalo

Nhà xuất bản Giáo dục trả lương cho Sở GD&ĐT TP.HCM biên soạn sách

Giáo dụcThứ Năm, 05/12/2019 11:37:00 +07:00Google News

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trả thù lao 6 triệu đồng/tháng cho lãnh đạo và chuyên viên Sở GD&ĐT TP.HCM trong việc biên soạn sách từ năm 2015 đến nay.

Năm 2015, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có quyết định chi thù lao cho Ban chỉ đạo biên soạn bộ SGK miền Nam thuộc Sở GD&ĐT TP.HCM.

Trong đó, NXB chi tiền thù lao cho 11 người, gồm: ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở (Trưởng ban), Phó giám đốc (Phó trưởng ban) và các ủy viên là Chánh văn phòng, hai Phó chánh văn phòng, Trưởng phòng giáo dục phổ thông, Trưởng phòng giáo dục tiểu học, các Phó trưởng phòng của hai phòng chuyên môn này được nhận thù lao.

s1

Quyết định số 778/QĐ-NXBGDVN của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Đáng chú ý, tất cả các cán bộ được nhận mức thù lao này đều là nhân lực của Sở GD&ĐT TP.HCM. Mức chi thường xuyên hàng tháng mỗi người được nhận cụ thể: Trưởng ban 6 triệu đồng, Phó trưởng ban 5 triệu đồng, ủy viên thường trực 4 triệu đồng và ủy viên 3,5 triệu đồng. Mức chi này được tính từ ngày 1/5/2015. Nguồn chi từ quỹ đầu tư xuất bản của NXB Giáo dục Việt Nam.

Đến năm 2018, NXB Giáo dục Việt Nam lại có quyết định nội dung tương tự quyết định từng ban hành trước đây vào năm 2015. Trưởng ban, phó ban và số ủy viên là thành viên của ban chỉ đạo vẫn gồm 11 người cũ thuộc Sở GD-ĐT TP.HCM.  Mức hỗ trợ vẫn giữ nguyên như vậy, nhưng đơn vị đảm nhiệm chi lần này là NXB Giáo dục Việt Nam tại TP.HCM.

Trùng hợp hơn là 1 trong số 5 bộ sách đạt tiêu chuẩn được Bộ GD&ĐT công bố mới đây, thì có một bộ sách do Sở GD&ĐT TP.HCM biên soạn đạt đủ yêu cầu thông qua. Bộ sách này có tên “Chân trời sáng tạo”.

Điều này có thể lý giải nguyên nhân Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn từng công khai đăng đàn phát biểu tại hội thảo về đổi mới chương trình và SGK phổ thông mới (do NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức) cuối tháng 10 vừa qua, để ca ngợi về một bộ SGK lớp 1.

Ông Sơn khẳng định: "Bộ sách này là sản phẩm không chỉ mang yếu tố khoa học, là tinh hoa nền giáo dục miền Nam. Bộ sách cũng mang những phong vị của người dân Nam bộ: hào sảng, cởi mở, gần gũi, chân tình và hiện đại”

Những phát biểu này thời điểm đó của ông Sơn khiến dư luận không thể lý giải nổi, bởi với vai trò Giám đốc Sở GD-ĐT, ông Sơn có trách nhiệm chính về việc lựa chọn SGK cho các nhà trường của TP.HCM.

s3

Quyết định số 04/QĐ-NXBGDVN của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình Giáo dục phổ thông mới từng chia sẻ, để chiếm lĩnh thị phần sách giáo khoa, những nhà xuất bản có tiềm lực lớn sẵn sàng hạ giá sách lớp 1, chấp nhận chịu lỗ để loại các đơn vị khác ra khỏi cuộc cạnh tranh.

Thậm chí có nhà xuất bản chi lương cho Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các chuyên viên suốt từ năm 2015 đến nay, 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Chi tiền như thế thì làm sao Sở đó có thể chọn sách giáo khoa một cách khách quan?.

Vị giáo sư này băn khoăn: “Nếu điều đó xảy ra thì chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa của Đảng và Nhà nước không thực hiện được”.

Cùng với đó, sư việc trên khiến dư luận bàn tán, lo ngại về việc Sở GD&ĐT TP.HCM sẽ “vừa đánh trống, vừa thổi còi” trong việc lựa chọn sách giáo khoa từ ngày 1/7/2020 theo Luật Giáo dục sửa đổi.  Điều đó dẫn đến chuyện thiếu tính cạnh tranh công bằng cho các nhà xuất bản khác trong việc giới thiệu và đề xuất lựa chọn sách dạy học sau này.

Minh Khôi
Bình luận
vtcnews.vn