Anh Phạm Nhật Hùng - người đang sở hữu các loại lan var quý như: 5ct Phú Thọ, Hiển Oanh, Bạch Tuyết, Bảo Duy, Vô Thường, Người đẹp không tên, Hồng Yên Thuỷ, Hồng xoè, Hồng Minh Châu, Hồng Á Hậu,... với trị giá vườn lan khoảng 50 tỷ ở Hà Nội, cho biết, thị trường lan đột biến đang rất "sốt".
Bản thân anh cũng chi nhiều tỷ đồng để mua những giò lan đột biến về chăm sóc công phu với hy vọng sẽ "đẻ" ra nhiều kie con nhằm bán thu hồi vốn và sinh lời. Giá lan đột biến cao, thị trường đang rất nóng nhưng khan hiếm là do người mới chơi vào nhiều. Ngoài ra, là do sự xuất hiện của nhiều giống hoa đẹp, độc đáo, ai cũng muốn sở hữu.
Tuy nhiên, anh Hùng chia sẻ, xuất hiện một số nhà vườn không đàng hoàng thường dùng chiêu trò bẩn để lừa đảo khách hàng, nhất là những người mới chơi lan.
Theo anh Hùng, đó là 4 mánh lới sau:
Tạo nhà vườn ảo để đánh bóng tên tuổi
Trước đó, trong cộng đồng chơi lan đột biến, nhiều người đã biết về một thương vụ lừa đảo khiến nhiều khách hàng bức xúc vì nhận trái đắng. Đây là một phụ nữ xinh đẹp đã thuê nhà, thuê xe, thuê địa điểm rất hoành tráng để tạo một nhà vườn lớn.
Thấy nhà vườn lớn, chủ vườn lại xinh đẹp, giàu có đúng chất đại gia nên rất nhiều người chơi lan lao vào mua. Đặc biệt, những người không có vườn mua lan xong còn gửi luôn tại đó.
Chỉ sau 1 đêm, cả khu vườn lan ảo hoành tráng kia bốc hơi, không để lại bất cứ liên hệ nào. Không ai biết nhà vườn chuyển đi đâu. Nhiều người mua của nhà vườn này trở thành nạn nhân, đành ngậm trái đắng.
Tỉa mầm gốc, hạ kie lan của khách khi gửi cây cho nhà vườn
Đây cũng là chiêu trò bẩn mà các nhà vườn không đàng hoàng hay áp dụng. Cụ thể, khách mua lan vì lý do nào đó như chưa có vườn, chưa biết cách chăm sóc nên sau khi chốt giao dịch mua bán quyết định gửi lan lại cho nhà vườn chăm một thời gian.
Tuy nhiên, khi chăm một thời gian dài, cây đã lớn hơn rất nhiều, ra nhiều kie đẹp và được giá hơn hẳn so với trước. Lúc này, nhiều chủ nhà vườn đã cắt bớt mộng đẹp của cây lan này để tách mầm, giảm bớt khối lượng mầm của cây lan khách gửi để bán ra kiếm lời mà người gửi không hề hay biết.
Báo khách cây nuôi bị chết rồi tỉa ra nuôi riêng
Một số nhà vườn báo cây bị thối ngọn, sên ăn gốc hoặc âm thầm rắc muối, thuốc diệt cỏ để cây đang nuôi cứ bị chết dần chết mòn. Nếu nuôi cây chết thì chủ vườn không phải đền tiền cho khách.
Tuy nhiên, sau đó họ âm thầm tỉa kie lan ra cứu vãn và nuôi riêng. Kie lớn lên họ bán đi kiếm lãi cao.
Bán cây không đúng mặt hoa được quảng cáo
Rất nhiều người chơi bỏ ra cả một gia tài để mua về chậu lan được quảng cáo là Phi điệp đột biến, với mặt hoa đã được giới chơi lan đánh giá cao. Song khi mang về trồng một thời gian thì cây xổ mặt hoa không đúng như chủ vườn đã cam kết.
Lúc này, theo đúng giao dịch người mua có thể quay lại nhà vườn để bắt đền. Song, nhiều người ngậm trái đắng vì dù bị lừa nhưng cũng khó có cơ sở để chứng minh khi đưa ra chính quyền giải quyết, hoặc người bán cũng tiêu hết tiền không còn khả năng trả.
Với những mánh lới này, các nhà vườn không làm ăn chân chính sẽ bị người chơi lan tẩy chay. Đây chỉ là những con sâu làm rầu nồi canh, song thực tế trong cộng đồng chơi lan hàng ngày vẫn có người mới chơi bị lừa bằng những hình thức phổ biến trên. Vì thế, người mới chơi lan nên cảnh giác cao độ.
Với kinh nghiệm của mình, anh Phạm Nhật Hùng khuyên: “Để tránh bị các nhà vườn chơi bẩn và lừa gạt, người mới chơi lan không nên mua lan online, phải tìm tới tận nơi xem nhà vườn và chủ vườn thế nào. Không nên tiếc tiền, ham rẻ khi mua lan vì rẻ hóa đắt, thay vào đó nên tìm đến các nhà vườn có uy tín”.
Bình luận