Giám đốc BQL chỉnh trang đô thị Hà Nội trình lãnh đạo thành phố mức giá hơn 1 tỷ đồng/nhà vệ sinh, trong khi nhiều doanh nghiệp khẳng định chỉ cần 300 triệu là đủ làm nhà vệ sinh bằng thép.
Nhận lời thách đấu từ ông giám đốc Ban quản lý chỉnh trang đô thị Hà Nội, nhân viên của công ty chuyên sản xuất, cung cấp các thiết bị nhà vệ sinh công cộng Thăng Long cho biết: "Nhà vệ sinh công cộng 300 triệu không có gì ghê gớm. Hoàn toàn có thể làm được với giá này".
Hai công ty sẵn sàng đấu thầu
Anh Đào Hải, nhân viên quản lý kinh doanh của Công ty cổ phần phát triển công nghiệp Thăng Long cho biết, sẵn sàng nhận lời tham gia đấu thầu dự án 14 nhà vệ sinh của Hà Nội nếu điều kiện đấu thầu công khai, thuận lợi.
"Dự án rất bình thường không có gì ghê gớm cả, chúng tôi khẳng định hoàn toàn có thể đảm nhận được dự án này với mức giá thấp hơn nhiều. Tuy nhiên, để xây dựng và đưa ra được mức giá cụ thể, phải có thiết kế cụ thể, chi tiết".
Nhân viên kinh doanh của Công ty cổ phần phát triển công nghiệp và đô thị Việt Nam cũng cho biết, họ sẵn sàng tham gia đấu thầu dự án này với mức giá thấp hơn nhiều.
"Chúng tôi hoàn toàn có thể làm được. Nó cũng là một dự án bình thường chứ cũng không phải là cái gì quá cao siêu. Nhưng cũng cần phải có bản thiết kế chi tiết lúc đó mới có thể tính toán cụ thể được".
Nhiều nhà vệ sinh tiền tỷ đã bỏ hoang. |
Không nhận thách đấu
Các nhà cung cấp đều khẳng định phải có thiết kế chi tiết mới xây dựng được đơn giá, song cán bộ phòng Kế hoạch, đầu tư của Ban quản lý Chỉnh trang đô thị (đơn vị phụ trách xây dựng dự án 14 nhà vệ sinh) lại cho biết "chưa có thiết kế chi tiết nào cả".
Báo giá đơn vị này trình lên thành phố là chỉ dựa vào báo giá từ một số nhà cung cấp báo lên rồi xây dựng bảng khái toán để trình thành phố.
Theo đó, 14 nhà vệ sinh sẽ có vốn đầu tư khoảng 15 tỷ. Chi phí cụ thể gồm:
Chi phí xây dựng 1.170.000.000đồng
Chi phí thiết bị: 11.325.000.000đồng
Chi phí quản lý dự án: 236.382.682đồng
Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng: 485.527.000đồng
Chi phí khác: 874.174.478đồng
Chi phí dự phòng: 904.466.840đồng
Nhân viên này giải thích thêm, mức giá hơn 1 tỷ cho một nhà vệ sinh, là khái toán tạm tính, chưa bao gồm chi phí xây dựng.
Theo báo giá của Ban quản lý chỉnh trang đô thị trình lên thành phố: nhà vệ sinh 4 buồng bằng thép kích thước 2,2 x 7,5 x 3 mét, diện tích lắp đặt 22 m2, có bể nước, bể xử lý chất thải, chậu rửa, gương, vòi xịt, đèn chiếu sáng, tủ điều khiển.... với giá 1,050 tỷ đồng, chưa có thuế VAT. Loại nhà vệ sinh 2 buồng cũng được báo giá 675 triệu đồng.
Ông Nguyễn Mạnh Cường - Giám đốc Ban quản lý chỉnh trang đô thị nhấn mạnh chủ trương này là cấp thiết, là đáp ứng nhu cầu, là làm đẹp cho thành phố. Ông Cường còn rất mạnh miệng tuyên bố đây là mức giá thấp nhất, tiết kiệm nhất. Ông Cường đặt cược, nếu có giá trên 300 triệu/nhà vệ sinh bằng thép ông Cường sẵn sàng... tặng thêm 300 triệu nữa.
Tuy nhiên, trước thông tin anh Đào Hải sẵn sàng nhận lời thách đấu "nhà vệ sinh 2 buồng với mức giá 300-350 triệu", ngày 25/11 trả lời Đất Việt, ông Cường phản ứng gay gắt: "Tôi không thách đấu gì hết".
Chủ tịch Hà Nội yêu cầu tiết kiệm
Trước sự phản ứng của dư luận, ngày 22/11, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo buộc phải chỉ đạo rà soát hệ thống nhà vệ sinh công cộng đã xây dựng để khai thác, sử dụng hiệu quả nhất.
Đồng thời, yêu cầu Sở Xây dựng, các quận huyện phải lập kế hoạch tổng thể đầu tư xây dựng các công trình vệ sinh công cộng trên địa bàn Thành phố, nhất là tại địa bàn các quận nội đô, trình UBND Thành phố xem xét phê duyệt trong năm 2013.
Trên cơ sở đó từng bước đầu tư theo quy hoạch và khả năng ngân sách, ưu tiên khuyến khích xã hội hóa. Theo Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo, việc đầu tư xây dựng các công trình vệ sinh công cộng phải đảm bảo hiệu quả, đúng quy định, công khai, minh bạch và tiết kiệm, tránh lãng phí.
Bình luận