• Zalo

Nhà vệ sinh tiền tỷ: Nhiều câu hỏi 'không thể' trả lời

Thời sựThứ Sáu, 14/06/2013 10:39:00 +07:00Google News

Trong buổi trả lời phỏng vấn về việc xây dựng nhà vệ sinh tiền tỷ, đại diện Sở GD-ĐT Quảng Ngãi không trả lời được nhiều câu hỏi của phóng viên.

Chiều 13/6, Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi tổ chức họp báo về những vấn đề liên quan đến việc xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh tại các trường học trên địa bàn tỉnh do sở làm chủ đầu tư.

Ông Đỗ Văn Phu - phó giám đốc Sở GD-ĐT - báo cáo toàn tỉnh có nhu cầu xây dựng 723 công trình nước sạch, vệ sinh thuộc các cấp học trong giai đoạn 2012-2015. Từ năm 2010 đến nay đã phê duyệt 24 công trình, trong đó có 21 công trình đã và đang triển khai, ba công trình đang chờ cấp vốn đầu tư nên chưa triển khai.

Trong 24 công trình này đã có bốn công trình phê duyệt quyết toán, 13 công trình đang làm thủ tục quyết toán, bốn công trình đang triển khai dở dang, còn ba công trình đã phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật nhưng chưa bố trí vốn nên chưa triển khai thi công.

 Những câu hỏi không được trả lời
* Tuổi Trẻ: Ông nói làm theo thiết kế mẫu của Bộ GD-ĐT nhưng tại sao mỗi công trình lại đi thuê thiết kế riêng để chi phí tư vấn, chi phí khác chiếm đến 10-15% tổng giá trị công trình? Tại sao không một đơn vị làm tất cả cho các dự án?

- Đại diện Sở GD-ĐT: (không trả lời).

* Người Lao Động: Ở Quảng Nam, cũng chương trình này nhưng họ xây năm nhà vệ sinh chỉ hết gần 700 triệu đồng, diện tích lại lớn hơn, sao Quảng Ngãi giá cao như vậy?

- Đại diện Sở GD-ĐT: (không trả lời).
Theo ông Phu, công trình nước sạch, nhà vệ sinh của Trường THCS Long Hiệp (Minh Long) có diện tích 29m2, tổng mức đầu tư hơn 593 triệu đồng. Trong đó vốn đóng góp của nhà trường là 148,2 triệu đồng (25%), còn lại là ngân sách cấp từ Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

Ban quản lý các dự án đầu tư và xây dựng Sở GD-ĐT thực hiện các công việc của dự án với giá trị hơn 444,7 triệu đồng, trong đó xây dựng nhà vệ sinh trị giá hơn 236,4 triệu đồng và cấp nước sinh hoạt trị giá hơn 95,4 triệu đồng. Riêng giếng khoan do trường tự thực hiện giá hơn 148,2 triệu đồng nhưng chưa thực hiện.


Ông Phu nhìn nhận có một số tồn tại, bất cập trong việc triển khai chương trình. Sở sẽ thành lập đoàn kiểm tra để chỉ đạo các nhà thầu khắc phục những lỗi trong quá trình sử dụng đã phát hiện. Đánh giá lại tất cả các khâu trong quá trình triển khai, xây dựng công trình, tìm ra những khiếm khuyết, điều chỉnh. Chủ đầu tư cũng rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành trong thời gian tới.
* Tuổi Trẻ: Thưa ông, 1m2 nhà vệ sinh cấp 4, vật liệu phổ thông có giá khoảng 8 triệu đồng có hợp lý? Một bồn inox 500 lít cùng 194m ống nước, công cán mà hết 95,4 triệu đồng có cao hay không. Chúng tôi được báo giá hạng mục này chỉ bằng khoảng 1/4?
- Việc thiết kế nhà vệ sinh được áp dụng theo mẫu thiết kế do Bộ GD-ĐT ban hành. Việc lập thiết kế, áp giá theo toàn bộ quy trình xây dựng, từ lập dự toán thiết kế, thuê đơn vị tư vấn giám sát độc lập, rồi áp giá từng hạng mục theo giá Sở Xây dựng công bố hằng tháng. Sau khi các cơ quan thẩm định xong, đến tổng mức đầu tư thì Sở Kế hoạch- đầu tư thẩm định lại giá này và ra quyết định phê duyệt dự án. Giá của hạng mục hệ thống cấp nước như trên cũng làm như thế.
nhà vệ sinh
Nhà vệ sinh Trường tiểu học Năng An ở Quảng Ngãi có giá "khủng" 721 triệu đồng. (Ảnh NLĐ)

* Tuổi Trẻ: Ở Trường tiểu học Đức Thắng chỉ có một nhà vệ sinh nhưng giá dự toán cũng lên đến 560 triệu đồng?


- Nhà vệ sinh trường này vốn ngân sách cấp trên 420 triệu đồng, còn lại là phần đối ứng nhà trường. Nhà vệ sinh này chỉ xây dựng hết 226 triệu đồng, rồi cấp thoát nước hết hơn 70 triệu đồng...

 
Hiện nay chúng tôi chưa thể khẳng định có tiêu cực hay không vì sở chưa tổ chức kiểm tra, thanh tra, giám sát. Khi nào có kết luận của cơ quan có thẩm quyền, chúng tôi mới trả lời được vấn đề này.
Ông Đỗ Văn Phu
 
* Tuổi Trẻ: Sở làm chủ đầu tư và sở lập đoàn kiểm tra liệu có khách quan?


- Việc lập đoàn kiểm tra là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Khi chỉ đạo, điều hành công việc thì có kiểm tra đối với cấp dưới mình. Còn việc thanh tra để cho chặt chẽ thì có nhiều cơ quan thanh tra chuyên môn có quyền và được phép thanh tra như Thanh tra tỉnh, Thanh tra Sở Xây dựng.

Việc thanh tra, kiểm tra của sở là làm theo chức năng của mình để điều chỉnh mối quan hệ từ cấp trên đối với cấp dưới. Nếu trong quá trình kiểm tra có sai phạm, sở sẽ tiến hành xử lý cán bộ, xử lý đảng viên, phải làm hết, xử lý ở mức nào chúng tôi sẽ công khai.

* Tuổi Trẻ: Những công trình sắp tới sở có giải pháp gì để giảm giá thành?

- Biện pháp giảm giá là phải rà soát lại hết, cái gì không phù hợp, không cần thiết phải cắt hết để dành tiền xây thêm nhiều nhà vệ sinh khác nữa.

* Người Lao Động: Trong vụ việc này có vấn đề tiêu cực hay không?

- Hiện nay chúng tôi chưa thể khẳng định có tiêu cực hay không vì sở chưa tổ chức kiểm tra, thanh tra, giám sát. Khi nào có kết luận của cơ quan có thẩm quyền, chúng tôi mới trả lời được vấn đề này.
 Giá thì có xử lý nước phèn nhưng xây lại không
Trong cuộc làm việc sáng 13/6, ông Lê Tấn Hùng - phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Quảng Ngãi - cho rằng khi phê duyệt dự toán những công trình nhà vệ sinh giá trên 600 triệu đồng, sở cũng rất băn khoăn và hỏi Sở GD-ĐT thì họ cho biết cao do công trình cấp nước phải có hệ thống xử lý phèn vì ở những vùng này nước bị phèn.

Tại buổi họp báo, ông Ngô Hữu Đằng - giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng Sở GD-ĐT - cho rằng các công trình cấp nước ở Trường Năng An, Trường Nghĩa Hiệp, Trường Bình Chánh chỉ xây lắng lọc, không có hệ thống xử lý phèn.
Ông Hùng nói thêm những dự án cấp nước và nhà vệ sinh xây dựng ở các trường là loại thiết kế bước 1 nên chủ đầu tư tự thuê tư vấn lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, tự tổ chức thẩm định. Còn nếu không có năng lực thì thuê đơn vị tư vấn khác thẩm tra. Trên cơ sở đó, chủ đầu tư làm báo cáo kết quả thẩm định, trình Sở Kế hoạch - đầu tư phê duyệt.

Sở Kế hoạch - đầu tư chỉ có nhiệm vụ thẩm định bốn nội dung: thứ nhất sự cần thiết của dự án, thứ hai là thẩm định nguồn nước, thứ ba là thẩm định quy mô nhà vệ sinh, thứ tư thẩm định mức đầu tư. Sở Kế hoạch - đầu tư chỉ thẩm định phương pháp tính (suất đầu tư và khối lượng công việc) có đúng hay không, chứ giá cả, thiết kế dự toán, bản vẽ thi công... đều do Sở GD-ĐT thẩm định.

Về giá trị công trình, theo tính toán thì trung bình 8-10 triệu đồng/m2, ông Hùng cho rằng phải có cơ quan đánh giá tại thời điểm đó (khối lượng và giá cả) có phù hợp hay không, vả lại Sở Kế hoạch - đầu tư chỉ thẩm tra phương pháp xây dựng chứ không thẩm định giá cả.



Theo Tuổi trẻ

Bình luận
vtcnews.vn