• Zalo

Nhà văn Văn Giá: Năm sau có thể đưa Văn vào tuyển sinh ngành y, dược

Giáo dụcThứ Tư, 15/10/2014 11:08:00 +07:00Google News

(VTC News) - Nhà văn Văn Giá đề xuất việc đưa môn Văn vào xét tuyển các thí sinh ngành y, dược cần phải có lộ trình nhưng phải sớm được thực hiện.

(VTC News) - Nhà văn Văn Giá đề xuất việc đưa môn Văn vào xét tuyển các thí sinh ngành y, dược cần phải có lộ trình nhưng phải sớm được thực hiện.

Xung quanh đề xuất đưa môn Văn vào trở thành môn thi để xét tuyển vào ngành y, dược đã có rất nhiều ý kiến trái chiều. VTC News đã phỏng vấn PGS-TS Ngô Văn Giá, trưởng khoa Viết văn, Báo chí (ĐH Văn hóa Hà Nội) để làm rõ hơn những ý kiến này.

- Ông nghĩ gì khi có lãnh đạo một số trường khối y, dược đề xuất thi môn Ngữ văn cho các thí sinh thi vào các trường ngành y, dược?


Tôi thấy chủ trương này rất hay. Thứ nhất, ý tưởng này rất đột phá, rất mạnh dạn. Thứ hai, chắc chắn những người đề xuất cũng có lý do riêng.

Còn riêng tôi, ý nghĩa thứ nhất là nhắc những người theo ngành y, dược là có một năng lực về tiếng mẹ đẻ trong việc soạn thảo văn bản, trong giao tiếp. Tất cả các ngành đều quan trọng, riêng ngành y, dược, lâu nay  có mặc định 'chữ bác sỹ như mèo cào', vậy nên phải cần phải xóa bỏ mặc định này.

Ý nghĩa thứ hai là cần phải trở thành người giỏi Tiếng Việt, người giỏi soạn thảo văn bản, giỏi giao tiếp. Ngành y là ngành tiếp xúc nhiều mà giỏi giao tiếp thì đó là điều quá tốt. Biểu đạt giỏi, đó như một cây cầu nối để những người làm dược sỹ, bác sỹ tiếp xúc với mọi người, nhất là người bệnh được thuận lợi và lịch sự, hiệu quả.

Ngành y, dược là ngành liên quan tới đạo lý, tới lòng tốt, tình thương giữa con người với con người, đó là phẩm chất nhân văn.

Nếu yêu văn chương thì tự trong lòng những hạt giống tốt được nảy nở, được vun trồng và trở thành những nguồn năng lượng tốt, điều đó hết sức quan trong đối với những người làm nghề  y, dược ngày nay.

Tôi xin 'hầu' trường Y để giảng dạy giờ văn học
PGS Văn Giá muốn giúp đỡ ngành y để giàng dạy một chuyên đề về văn học
- Thực tế, hiện nay một bộ phận bác sĩ xói mòn đạo đức thì khi đào tạo bác sĩ, dược sĩ tương lai bắt buộc phải biết văn, yêu văn liệu có hợp lý?

Không có gì bắt buộc cả. Nên thế thôi. Những người làm nghề bác sỹ, đa số họ cực kỳ yêu văn chương, rất hiểu văn chương, thậm chí họ còn trở thành những nhà văn lớn của nhân loại.

Giữa văn chương và ngành y có một điểm chung rất thiêng liêng: cứu người - vừa cứu tinh thần vừa cứu thể xác con người. Vì vậy mới có câu: 'nhà văn là bác sỹ của tâm hồn”.

Hai ngành này tưởng xa nhau nhưng lại rất gần nhau, cùng chung một gốc là vì con người và cứu con người.


- Nếu đưa văn vào trở thành môn thi cho các thí sinh ngành y, dược liệu có tạo nên những bác sĩ luôn khám bệnh, bốc thuốc "theo mẫu" vì cách dạy và học văn hiện nay vẫn "theo mẫu"?


 

Phải bàn bạc, có lộ trình nhưng nên áp dụng sớm, năm nay hoặc có thể năm sau.

Nhà văn Văn Giá
 
Không có lý do gì liên quan tới chuyện này. Thi, chọn điều kiện môn Ngữ văn thuộc các kỳ thi quốc gia chỉ là một trong nhiều điều kiện. Không nên hiểu chỉ vì chọn môn Ngữ văn mà lại máy móc theo kiểu dạy và học hiện nay.

 Lấy môn Ngữ văn làm điều kiện xét tuyển chỉ là một trong nhiều điều kiện. Phải học y đức, bồi dưỡng tâm hồn và yêu văn chương nữa thì như vậy mới hình thành nhân cách tốt và vẻ đẹp tâm hồn cao quý.

- Ông có nhiều người bạn làm bác sĩ nhưng biết và hiểu văn thơ không?


Em ruột tôi là bác sỹ, em dâu tôi cũng là bác sỹ và nhiều bạn bè đều làm bác sỹ. Tôi thấy, phần lớn họ đều yêu văn chương và chưa thấy một ai xem thường văn chương cả.

- Môn Văn sẽ có tác dụng gì cho ngành y, dược, thưa ông?

Đó là điều kiện tốt, điều kiện quan trọng và cần thiết chứ không phải là tất cả, để từ đó người ta nhắc những người theo ngành y, dược cần chú trọng tới ngôn ngữ, văn chương, tới tâm hồn và nhân cách, tới lòng yêu thương và trân trọng con người.
Tôi xin 'hầu' trường Y để giảng dạy giờ văn học
'Lương y như từ mẫu'.

- Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội Nguyễn Đức Hinh cho rằng, trước mắt chưa thể tiến hành tuyển sinh dùng môn Văn xét tuyển vào trường y, dược và cần chuẩn bị trước khi có thể thực hiện. Ông có đồng tình với quan điểm này?

 Tôi nghĩ đó là cách thận trọng vì nếu làm ngay có thể nhiều trường chưa có tâm thế chuẩn bị, vì vấn đề này cũng phải được những người trong ngành và đặc biệt là dư luận xã hội ủng hộ. Phải bàn bạc, có lộ trình nhưng nên áp dụng sớm, năm nay hoặc có thể năm sau.
 
-  Theo ông, việc đưa môn Văn vào việc tuyển sinh ngành y, dược có khiến y đức của bác sĩ, dược sĩ tốt hơn?


Đương nhiên, môn văn góp phần làm nên y đức. Những người yêu văn chắc chắn người ta phải sống tốt, yêu văn chương là yêu con người, trân trọng con người và có tình thương người.

- Là một chuyên gia về Văn học, ông có góp ý gì để môn Văn sớm trở thành một môn để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng khối y, dược?


Ngành y, dược nếu lấy môn Ngữ văn làm một trong những điều kiện để xét tuyển khi vào thì nên có hình thức kiểm tra thêm: nên có một bài tự luận, để thí sinh nói một cách chân thành về vẻ đẹp cao quý của ngành y, dược theo cách hiểu và cảm nhận của mỗi người.

Khi đó, các thí sinh sẽ 'đọc' ra được vẻ đẹp của ngành và  hiểu lý do tại sao họ lại chọn ngành này.

Nếu các trường y đưa văn học vào giảng dạy, khi đó tôi xin 'hầu' trường y để giảng dạy, giúp đỡ các ngành y một chuyên đề để góp phần hình thành tình yêu văn chương cũng như tình yêu thương đới với con người.

Sau này, không chỉ thi vào mà trong chính khóa nên có một chuyên đề về văn chương liên quan tới  mối quan hệ giũa văn chương với y đức nói riêng và ngành y nói chung.

Tôi lấy ví dụ: nhà văn Tsekhov- nhà văn Nga nổi tiếng những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, vốn là một bác sĩ. Ông chuyển tải những hiểu biết và tấm lòng của một bác sĩ vào văn chương một cách hết sức sâu sắc. Tôi hy vọng từ đây sẽ có một cuộc bắt tay thú vị mở ra nhưng cơ hội kết hợp giữa văn chương và ngành y, dược.

Lưu Ly

Bình luận
vtcnews.vn