• Zalo

Nhà văn Phạm Thị Bích Thuỷ khắc hoạ bi kịch của một gia đình 'tứ nữ'

Văn hóa - Giải tríChủ Nhật, 27/10/2024 15:26:46 +07:00Google News
(VTC News) -

Nhà văn Phạm Thị Bích Thuỷ đã khắc hoạ bi kịch về tình thân gia đình, sự tha hóa nhân cách trong xã hội hiện đại qua tiểu thuyết ''Gia đình có bốn chị em gái'.

Tiểu thuyết Gia đình có bốn chị em gái của nhà văn Phạm Thị Bích Thủy dường như đã “giải thiêng” quy luật “tứ nữ bất bần” mà dân gian đúc kết từ xưa, thay vào đó, tác phẩm khắc họa bi kịch của một gia đình trong xã hội hiện đại.

Đó là nhận định chung của nhiều nhà văn, nhà phê bình trong tọa đàm xoay quanh cuốn tiểu thuyết này diễn ra ngày 24/10.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.

Tác giả kể câu chuyện của gia đình ông bà Bình-Bằng có bốn cô con gái đều được dạy bảo và học hành như nhau, vậy mà mỗi người trong “vũ trụ tứ nữ” đó lại có số phận hoàn toàn khác nhau.

Đó là cô Thương thèm khát vật chất đến tuyệt vọng; cô Ái thực dụng tới mức độ thô tục; cô An trung thực tới mức bị nghĩ là dở hơi hoặc giả dối; cô Yên cứ mặc kệ mọi thứ rồi đâu sẽ vào đấy, miễn là cứ theo thời cuộc.

Mỗi người trong bọn họ đều cố tìm cách thu vén nhiều nhất cho tổ ấm riêng của mình, điều này đã dẫn tới sự chênh lệch điều kiện sống giữa các gia đình. Chính hố ngăn cách khác biệt về đời sống vật chất và sự thụ hưởng các quyền lợi xã hội đã nuôi lòng đố kị, sau đó là sự thù hận nghiệt ngã giữa Thương và Ái.

Theo tác giả chia sẻ, thông điệp mà bà muốn gửi gắm là sự bất bình đẳng cơ hội vì văn hóa thân tộc, một người làm quan cả họ được nhờ của người Việt.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - đánh giá cao cuốn tiểu thuyết Gia đình có bốn chị em gái của Phạm Thị Bích Thủy ở sự khái quát toàn bộ đời sống đương đại với nhiều ích kỷ, đê tiện, kém cỏi, ngạo mạn, vô lối. 

Tiểu thuyết 'Gia đình có bốn chị em gái' khắc hoạ bi kịch một nhà ''tứ nữ''.

Tiểu thuyết 'Gia đình có bốn chị em gái' khắc hoạ bi kịch một nhà ''tứ nữ''.

Theo nhà văn Ma Văn Kháng nhận xét, đây là một tiểu thuyết hay, hấp dẫn, có sức nặng của tâm tư, cảm xúc và trí tuệ được viết bằng một nhiệt hứng vừa sôi nổi vừa sâu lắng.

Còn nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam thì cho rằng Gia đình có bốn chị em gái là cuốn tiểu thuyết mà tác giả đã vượt lên sự quan tâm số phận cá nhân, để đặt mình vào sự quan tâm đến số phận cộng đồng và xã hội dân sự trong sự phát triển liên tục của nó.

Theo PGS.TS Phạm Xuân Thạch, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, tác giả chọn cách kể tuyến tính, không sử dụng bất cứ lối viết tân kỳ nào nhưng vẫn rất hấp dẫn bạn đọc bởi chạm tới cuộc sống hôm nay mà mọi người đang đối mặt. Cuốn tiểu thuyết giúp chúng ta nhìn ra bản chất cuộc sống chúng ta đang sống thiếu cái gì, thiếu đức tin, thiếu văn hóa, thiếu nền tảng.

Nhà văn Phạm Thị Bích Thuỷ.

Nhà văn Phạm Thị Bích Thuỷ.

Bi kịch gia đình trong cuốn sách rất đáng đọc bởi nó cho thấy rất nhiều thứ ta tưởng cao cả, nhiều lý tưởng tưởng là tốt đẹp, ví như tình thương, trách nhiệm gia đình, sự đùm bọc, đã bị tha hóa như thế nào, trở thành thứ thuốc độc cho con người ra sao trong cuộc sống hiện nay.

PGS.TS Phạm Xuân Thạch tiết lộ cuốn tiểu thuyết này là một trong bốn cuốn văn chương ông đề cử trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm nay.

Nhà văn Phạm Thị Bích Thủy sinh năm 1964, là Thạc sỹ quản trị kinh doanh, cử nhân văn chương và tiếng Nga. Từ năm 1986 đến 2000, bà là giảng viên Văn học Nga tại Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Từ năm 2000 đến nay, bà làm việc cho các tổ chức quốc tế và tập đoàn đa quốc gia.

Các tác phẩm đã xuất bản: Tập truyện ngắn “Chạy trốn” (2013), tiểu thuyết “Đồi cát bay” (2014), tiểu thuyết “Tiếng sáo lạc” (2015), tiểu thuyết “Đáy giếng” (2015), tập truyện ngắn “Zero” (2017).

Lê Chi
Bình luận
vtcnews.vn