Cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ sinh năm 1914 tại Hà Nội. Thân sinh là cụ Hoàng Đạo Phương, vừa là nhà nho vừa là một thương gia giàu có với thương hiệu tơ lụa Phúc Lợi nức tiếng ở phố Hàng Đào.
Thương hiệu tơ lụa Phúc Lợi vào những năm đầu của thế kỷ 20 rất nổi tiếng, không chỉ ở Việt Nam mà còn mở rộng buôn bán sang cả Lào, Campuchia, Thái Lan. Thậm chí, những lái buôn từ châu Âu như Anh, Pháp, Thụy Điển,... cũng biết thới tơ lụa Phúc Lợi.
Năm 18 tuổi, cụ Hoàng Thị Minh Hồ kết hôn với ông Trịnh Văn Bô và được thừa kế thương hiệu tơ lụa Phúc Lợi, ở 48 phố Hàng Đào (Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Sau Cách mạng tháng Tám, cụ ông Trịnh Văn Bô và cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ quyết định ủng hộ 1 vạn đồng Đông Dương, tương đương 25 cây vàng, cho Mặt trận Việt Minh, khởi đầu sự nghiệp đóng góp tài chính của gia đình ông bà với Mặt trận Việt Minh.
Chưa dừng lại ở đó, gia đình ông bà Minh Hồ tiếp tục ủng hộ Quỹ Độc lập 20 vạn đồng, tương đương 500 cây vàng và còn vận động được hơn 1 triệu đồng Đông Dương cho Quỹ.
Trong Tuần lễ Vàng, gia đình ông bà đã đóng góp 117 cây vàng và vận động ủng hộ thêm trên 1.000 cây vàng nữa.
Bấy giờ, toàn bộ ngân khố của Chính phủ Cách mạng Lâm thời chỉ có 1.200.000 đồng Đông Dương, đa phần không thể lưu thông. Các tài liệu chính thức ghi nhận, chỉ riêng gia đình ông bà đã ủng hộ thêm cho chính phủ 5.147 lượng (cây) vàng, tương đương với 2.000.000 đồng Đông Dương (theo thời giá lúc đó).
Khi Chính phủ lâm thời về Hà Nội, ngôi nhà 48 Hàng Ngang của ông bà được dùng làm nơi làm việc của các lãnh đạo Việt Minh. Nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đã tiếp các sĩ quan OSS như Archimedes Patti và Allison Thomas, cũng như viết hoàn chỉnh bản Tuyên ngôn Độc lập.
Trang phục của các lãnh đạo Việt Minh trong ngày lễ Độc lập, hầu hết do gia đình ông Trịnh Văn Bô bà cung cấp. Riêng chiếc áo cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, vải may áo do hiệu buôn Phúc Lợi cung cấp.
Trao đổi với PV báo điện tử VTC News, ông Trịnh Kiểm (con trái thứ của cụ ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ) xác nhận, cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ qua đời hồi 23h20 đêm 5/11 tại nhà riêng 34 Hoàng Diệu, Hà Nội, hưởng thọ 104 tuổi.
Ông Kiểm cho biết, kể từ khi hiến tặng hết tài sản cho chính quyền, cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ luôn răn dạy các con là phải luôn tin tưởng vào Đảng, vào Bác Hồ và tướng Giáp.
"Khi gia đình chúng tôi hiến tặng căn nhà ở 48 phố Hàng Đào, sau đó chuyển về căn nhà 34 phố Hoàng Diệu thì gần như khánh kiệt, thương hiệu tơ lụa Phúc Lợi cũng không còn, cũng trải qua nhiều khó khăn vất vả. Tuy nhiên, bố mẹ tôi luôn dạy con cháu, dù có nghèo nhưng vẫn phải vững lòng tin với Đảng, với Bác và tướng Giáp", ông Kiểm nói.
Ngoài ra, ông Kiểm còn trích dẫn lời nói rất nổi tiếng của cụ ông Trịnh Văn Bô: "Buôn bán 10 đồng thì giữ lại 7, còn lại giúp đỡ người nghèo và làm việc phúc đức. Khi cần nuôi nền độc lập thì cống hiến tất cả".
Sinh thời, 2 vợ chồng cụ được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất. Năm 2006, ông được truy tặng danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu cùng với 3 doanh nhân nổi tiếng khác là Lương Văn Can, Bạch Thái Bưởi và Nguyễn Sơn Hà. Ngôi nhà 48 Hàng Ngang cũng được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia của Việt Nam.
Năm 2014, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh cụ Trịnh Văn Bô, mừng đại thọ 100 tuổi cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ, Bộ Tài chính biên soạn cuốn sách: “Doanh nhân Trịnh Văn Bô và những cống hiến cho nền tài chính cách mạng Việt Nam”, nhằm vinh danh những công lao, đóng góp của gia đình với Đảng, Chính phủ và ngành tài chính.
Ngoài ra, Bộ cũng đề xuất UBND thành phố Hà Nội lấy tên cụ Trịnh Văn Bô đặt cho một con đường tại Thủ đô để nhiều thế hệ sau vẫn còn nhớ tới nhà tư sản yêu nước này.
Video: Người cựu chiến binh bán tất cả tài sản để xây dựng tượng đài Hồ Chí Minh
Bình luận