• Zalo

Nhà trường “phù phép” cho HS yếu được chuyển trường

Giáo dụcThứ Tư, 04/04/2012 08:55:00 +07:00Google News

(VTC News)- Có hay không việc nhà trường “phù phép” cho học sinh yếu, nghỉ học quá số buổi quy định được chuyển từ trường này sang trường khác...?

(VTC News)- Có hay không việc nhà trường “phù phép” cho học sinh yếu, nghỉ học quá số buổi quy định được chuyển từ trường này sang trường khác, nhận học sinh từ trường ngoài công lập vào công lập… đang xảy ra tại trường THPT Lê Quý Đôn (Thái Bình)?



Hàng loạt sai phạm tại trường THPT Lê Quý Đôn?

Theo đơn thư phản ánh của phụ huynh K, năm học trước (năm học 2010-2011) em T.T.A học sinh lớp 11I trường THPT Lê Quý Đôn (TP.Thái Bình) dù nghỉ quá số buổi quy định, học lực yếu nên theo quy định không được lên lớp nhưng gia đình và nhà trường đã “phù phép” để T.A có thể chuyển trường và tiếp tục học lớp 12.

Theo tài liệu các phụ huynh cung cấp, em T.T.A đã nghỉ học 75 buổi/năm và có học lực yếu toàn năm học 2010-2011 và chỉ có tổng điểm là 4,5. Tuy nhiên, em học sinh này sau đó đã được chuyển sang học tại trường THPT Chu Văn An (huyện Kiến Xương, Thái Bình).

Dư luận cho rằng phải chăng có sự “đi đêm” giữa lãnh đạo 2 nhà trường để thực hiện việc chuyển học sinh từ trường này sang trường kia khi học sinh không đủ điều kiện để chuyển.
Hàng loạt các sai phạm được các phụ huynh tố cáo lãnh đạo trường THPT Lê Quý Đôn (Thái Bình) 

Theo quy chế “Đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông” do Bộ GD-ĐT ban hành có quy định rất rõ ràng: “Học sinh có đủ các điều kiện dưới đây thì được lên lớp: a) Hạnh kiểm và học lực từ trung bình trở lên; b) Nghỉ không quá 45 buổi học trong một năm học (nghỉ có phép hoặc không phép, nghỉ liên tục hoặc nghỉ nhiều lần cộng lại)”.

Ngoài trường hợp của T.A, các bậc phụ huynh còn bức xúc về 2 trường hợp học sinh được lãnh đạo nhà trường cũng cho chuyển từ hệ ngoài công lập vào công lập.

Đó là trường hợp 2 em T.V.A và P.M.T. Cả hai học sinh này đều được chuyển vào lớp 11B2 khi đang học kỳ 2 năm học 2009-2010. Trước khi chuyển về trường THPT Lê Quý Đôn (TP.Thái Bình) thì T.V.A đã học ở một trường tư thục ở Thái Bình và P.M.T học ở một tư thục ở Hà Nội. Cả hai học sinh này đều có hộ khẩu thường trú ở thành phố Thái Bình.

Tuy nhiên “Quy định chuyển trường và tiếp nhận học sinh học tại các Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông” của Bộ GD-ĐT ban hành có nêu rõ: “Việc chuyển trường từ trường THPT ngoài công lập sang trường THPT công lập chỉ được xem xét, giải quyết trong trường hợp học sinh đang học tại trường THPT ngoài công lập phải chuyển nơi cư trú theo cha mẹ hoặc người giám hộ đến vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà ở đó không có trường THPT ngoài công lập thì Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nơi đến xem xét, quyết định từng trường hợp cụ thể đối với việc chuyển vào học trường THPT công lập.

Ngoài ra, trường hợp thứ hai được chuyển từ trường THPT ngoài công lập sang trường THPT công lập khi học sinh đang học tại trường THPT ngoài công lập thuộc loại trường có thi tuyển đầu vào phải chuyển nơi cư trú theo cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ, mà ở đó không có trường THPT ngoài công lập có chất lượng tương đương thì Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nơi đến xem xét, quyết định từng trường hợp cụ thể đối với việc chuyển vào học trường THPT công lập.

Nhà trường nhận sai

Để tìm hiểu rõ các nội dung sự việc, chiều 3/4, PV VTC News đã có buổi làm việc trực tiếp với ông Nguyễn Bá Nam, hiệu trưởng trường THPT Lê Quý Đôn (TP.Thái Bình).

Về trường hợp của em T.T.A, ông Nguyễn Bá Nam (hiệu trưởng trường THPT Lê Quý Đôn) phân trần do sự việc đã diễn ra quá lâu nên cũng không nhớ rõ số buổi em T.T.A đã nghỉ là bao nhiêu.

Tuy nhiên, có sự “linh động” là do em T.A là cháu của một giáo viên trong trường nguyên là lãnh đạo của nhà trường. Nói về trách nhiệm của mình trong sự việc này, ông Nam cũng thừa nhận do bản thân đã kiểm soát không gắt gao và nhận đó là “sơ suất của mình”.
Ông Nguyễn Bá Nam, hiệu trưởng trường THPT Lê Quý Đôn (Thái Bình) trao đổi với PV VTC News về sự việc (Ảnh:Phạm Thịnh) 

Đối với những thắc mắc của về việc em T.V.A chuyển từ trường dân lập sang trường công lập THPT Lê Quý Đôn, ông Nam nhớ rất rõ trường hợp này và có cách giải thích rất “kỳ lạ”.

Ông Nam nhớ lại, V.A là con em một gia đình lao động tự do, có hoàn cảnh hết sức thương tâm. Gia đình của V.A có anh trai bị chết đuối cuối năm đó khi đang học tại trường THPT Nguyễn Trãi (huyện Vũ Thư, Thái Bình). Gia đình em V.A có đến năn nỉ xin nhà trường giải quyết để em có điều kiện học tập tốt hơn. Trước hoàn cảnh hết sức thương tâm của gia đình, lãnh đạo trường THPT Lê Quý Đôn đã quyết định nhận V.A vào trường.

Đối với trường hợp của em P.M.T cũng nằm trong danh sách chuyển từ trường ngoài công lập vào trường THPT Lê Quý Đôn khiến các bậc phụ huynh hết sức bức xúc.

Lý giải về việc nhận vào trường  em P.M.T, ông Nam cũng đưa ra lý do khôi hài không kém khi cho biết do phụ huynh của em P.M.T có nhiều đóng góp, giúp đỡ cho sự phát triển của nhà trường. Đặc biệt, phụ huynh này đã tham gia tích cực giúp đỡ nhà trường trong việc tổ chức kỷ niệm 50 ngày truyền thống của trường THPT Lê Quý Đôn và là một cựu học sinh của trường.

Ông Nam cũng không quên nhấn mạnh khi giải quyết cho các trường hợp này vào trường, bản thân ông có bàn bạc với ban giám hiệu nhà trường trước khi đưa ra quyết định.

Vị hiệu trưởng trường THPT Lê Quý Đôn cũng cho rằng, dù biết quy định chung là khác hệ không được chuyển ra chuyển vào nhưng nghĩ đến hoàn cảnh của các em có nhiều trường hợp đặc biệt nên giải quyết.

Điều đặc biệt, theo tài liệu các phụ huynh cung cấp, 2 học sinh T.V.A và P.M.T này chuyển đến từ học kỳ 2 lớp 11 năm học 2009-2010 nhưng trong học bạ lại được “phù phép” để hai học sinh này học từ năm lớp 10.

Việc các học sinh này dù được chuyển vào trường từ học kỳ 2 nhưng  học bạ đã được sửa và ghi điểm từ học kỳ 1, ông Nam thanh minh ở đây không ai chỉ đạo việc chỉnh sửa học bạ. Cuối năm nhà trường bận rộn làm hồ sơ cho học sinh nên khi giáo viên chủ nhiệm vào điểm và mang lên thì Hiệu trưởng chỉ ký chứ không kiểm tra giám sát được.

Về vấn đề này, lãnh đạo trường THPT Lê Quý Đôn cũng thừa nhận đó là sự chưa chặt chẽ, sâu sát, là trách nhiệm của cá nhân hiệu trưởng quản lý nhà trường.

Cuối mỗi năm đều có đợt thanh tra về hồ sơ nhưng chỉ xem hồ sơ cho học sinh lớp 12 có đủ hay chưa chứ không có thời gian để kiểm tra lại điểm của từng học sinh.

Trước câu hỏi của phóng viên về hình thức kỷ luật đối với các giáo viên đã “bịa điểm” vào học bạ cho 2 học sinh trên, ông Nam cũng cho biết thêm trước tết, vụ việc này thanh tra Sở GD-ĐT Thái Bình đã làm và PA83 Công an Thái Bình cũng đã vào cuộc xem xét. Trong kết luận của thanh tra Sở GD-ĐT Thái Bình cũng chỉ đề nghị nhà trường chấn chỉnh rút kinh nghiệm còn hình thức xử lý cụ thể như thế nào thì chưa có.
.
Bên cạnh những sai phạm trong công tác quản lý học sinh, giáo viên đã được chính hiệu trưởng nhà trường thừa nhận, VTC News tiếp tục thông tin đến bạn đọc những vấn đề liên quan đến nội dung tố cáo hiệu trưởng nhà trường dù không dạy nhưng vẫn được hưởng phụ cấp đứng lớp, lạm thu…

Phạm Thịnh




Bình luận
vtcnews.vn