Nhà thơ xuất sắc nhất nước Nga nửa cuối thế kỉ XX Yevgeny Yevtushenko vừa qua đời vào ngày 1/4.
Hay nói đúng hơn, phải gọi ông là nhà thơ Liên Xô, bởi đối với ông, ngay cả sau khi sụp đổ vào năm 1991, Liên Xô vẫn là không gian thống nhất và ruột thịt. Có lần ông từng viết: "Họ của tôi là Nước Nga, còn Yevtushenko là bí danh", nhưng ông coi Ukraine, Kazakhstan và Georgia là quê hương yêu dấu của mình.
Có lẽ, điều đó chưa phải là định nghĩa hoàn toàn chính xác về thế giới quan của Yevgeny Yevtushenko, bình luận viên của Sputnik, ông Petr Tsvetov viết. Yevgeny Yevtushenko là một phần của toàn thể nhân loại, của tất cả mọi người trên trái đất này, không phân biệt màu da, tôn giáo hoặc ngôn ngữ.
Ông từng đến hơn một trăm quốc gia, có mặt trong những nơi đau thương nhất của hành tinh chúng ta, trong thời điểm nóng bỏng nhất. Chẳng hạn, năm 1962 ông đến Cuba tại thời điểm khủng hoảng vịnh Caribe, khi quan hệ Xô - Mỹ đã trên bờ vực chiến tranh, ông cũng đã có mặt Việt Nam trong giai đoạn miền Bắc bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt.
Yevgeny Yevtushenko đến Việt Nam vào cuối năm 1971. Ông gặp nhiều người Việt Nam, trong đó có các nhà văn Việt Nam, các cố vấn quân sự và chuyên gia dân sự Liên Xô, ông đã viết một loạt những bài thơ mà sau này được in thành cuốn sách có tựa đề "Đường quốc lộ số 1".
Ông không chỉ đơn giản là nhận thức được một cách rõ ràng quy mô chính sách của Mỹ đối với Việt Nam, mà còn ghê tởm chính sách đó. Tại Việt Nam ông trải qua nỗi đau đớn quá sức chịu đựng. Điều gì sẽ xảy ra, nếu như bản thân ông, gia đình ông, vợ, con trai của ông phải hứng chịu những gì đang xảy ra ở đất nước này.
"Và đau đến nỗi dường như hiện giờ, tại đây chúng tôi bị ném bom", ông viết trong một bài thơ của mình. Ông đau đớn khi chứng kiến những đau khổ của nhân dân Việt Nam. Sự mất mát đau thương của những người dân Việt Nam, số phận góa bụa của những người phụ nữ, sự trưởng thành trước tuổi phi tự nhiên của trẻ em Việt Nam khiến ông phải chú ý.
"Và người dân gầy ốm, tong teo/ No nê tai vạ, tai vạ, tại vạ", nhà thơ buồn bã kêu than trong bài thơ của mình. Ông lên tiếng kêu gọi người Mỹ và nhân dân toàn thế giới: "Đủ rồi, bom đạn, bom đạn" (trích bài thơ "Cơn mưa dài" củaYevgeny Yevtushenko).
Yevtushenko rất chân thành khi viết những câu thơ đó. Ông đứng về phía bảo vệ chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, tố cáo sự tàn bạo của chính sách Mỹ ở Đông Nam Á là phản ứng tự nhiên của ông. Ông nhớ lại thời thơ ấu chiến tranh của mình.
Ông cảm nhận bằng cả con tim sự tàn ác và bất công. Một vài năm trước khi đến Việt Nam, năm 1966, trong một chuyến sang Mỹ, Yevtushenko đã từ chối gặp Tổng thống Mỹ Johnson, mặc dù đại sứ Liên Xô rất muốn nhà thơ làm điều đó.
Nhà thơ nhận thức được sự tàn bạo của quân đội Mỹ tại Việt Nam, nên ông không thể gặp gỡ và nói chuyện một cách hòa bình với vị tổng thống điều khiển bộ máy chiến tranh khốc liệt này. Trước đó, ông đã tranh luận với nhà văn Mỹ John Steinbeck, tác giả "Chùm nho nổi giận", người được coi là đại diện cho nền văn hóa tiên tiến.
Khi ở miền Nam Việt Nam, ông Steinbeck tự cho phép mình bay lên bằng chiếc máy bay trực thăng quân sự và bắn súng máy vào các ngôi làng Việt. Yevtushenko không thể tha thứ cho ông ta về việc này.
Yevtushenko qua đời tại Mỹ và cho dù hầu hết cuộc đời mình ông sống tại Nga, nhưng ông là công dân thế giới. "Tôi muốn được sinh ra ở tất cả các nước trên hành tinh", ông có lần từng như vậy.
Trên hành tinh đó có Việt Nam, nơi ông muốn "là bát cơm trong tay người đàn bà Việt Nam khóc đỏ mắt" (trích trong bài thơ "Tôi sẽ" của Yevgeny Yevtushenko), tức là ông muốn trở thành một cái gì đó bình thường, rất thân thương, không thể thay thế được trong cuộc sống khó khăn thiếu thốn của người dân Việt Nam.
Hy vọng rằng Yevgeny Yevtushenko sẽ sống mãi không chỉ trong lòng nhân dân Nga, thiếu ông không thể hình dung về thế giới Nga thế kỷ 20 và 21, mà còn sống trong lòng Việt Nam.
Nơi một số bài thơ của ông rất phổ biến qua các bản dịch tuyệt vời của Bằng Việt, Hồng Thanh Quang, nơi mà tập thơ "Con đường quốc lộ số 1" có thể thấy trong Bảo tàng văn học Nga, do Thuý Toàn sáng lập.
Bình luận