Nhà thơ Trần Việt Phương tên thật là Trần Quang Huy. Ông sinh năm 1928, từng đậu tú tài thời Pháp thuộc. Năm 17 tuổi, ông tham gia hoạt động bí mật chống thực dân Pháp, bị bắt giam.
Lúc đó, ông lấy bí danh là Việt Phương và một người bạn tù lấy tên ông là Trần Quang Huy làm bí danh.
Nhà thơ Trần Việt Phương có vợ là bà Trần Tú Lan và hai người con trai là Trần Trung Thực (SN 1956) và Trần Quang Huy (SN 1960). Ông lấy tên khai sinh của mình đặt tên cho con. Ông kể rằng, trong hộ khẩu của ông có hai tên Trần Quang Huy nên dạo còn bao cấp mỗi lần đi mua gạo mua dầu… người ta vặn hỏi ông, ông nói vui rằng nhà tôi có Trần Quang Huy 3 lít dầu và Trần Quang Huy 1/5 lít dầu (người lớn được mua 3 lít, trẻ con 1/5 lít).
Nhà thơ Trần Việt Phương có 53 năm làm Thư ký cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng, một số năm trong khoảng thời gian đó ông đồng thời còn làm Thư ký cho Tổng Bí thư (TBT) Lê Duẩn (tổng thời gian làm Thư ký cho Tổng Bí thư Lê Duẩn là 10 năm).
Nhắc đến nhà thơ Việt Phương nhiều người không thể quên tập thơ “Cửa mở” - tập thơ từng một thời bị cho là “phá phách” chế độ.
Tập thơ “Cửa mở” của Việt Phương ra đời năm 1970 là một hiện tượng thơ, một sự kiện văn học và cũng là một hiện tượng đời sống, một sự kiện xã hội. Chọn dòng thơ suy tưởng để nói về những đề tài lớn như Tổ quốc, Nhân dân, Con người, Chiến tranh, Vũ trụ, Tình yêu…là sự lựa chọn có ý thức của Việt Phương.
Những bài thơ thành công của “Cửa mở” đã mở thêm một cánh cửa cho thơ Việt bấy giờ. Chỉ trong vòng 2 tuần sau phát hành đã bán hết 5.300 bản.
Rất lâu sau “Cửa mở” (1970) Việt Phương mới in Cửa đã mở (2008). Và sau đó, hầu như năm nào ông cũng cho ra lò những tập thơ mới: Bơ vơ đông đảo (2009), Cỏ dọc đường trần (2009), Nhặt nắng trong sương (2011), Sống (2012), Lan (2013) và Nắng (2013).
Video: Tổng Bí thư: Phải "nhốt" quyền lực để phòng tham nhũng, tiêu cực
Bình luận