Video: Thái Bảo trình diễn ca khúc "Thời hoa đỏ"
Thanh Tùng sinh ngày 7/11/1935 tại Nam Định. Ông tên thật là Doãn Tùng. Vì thương người em mắc bệnh tâm thần tên Thanh nên ông lấy tên em đặt trước tên mình làm bút danh.
Theo nhiều người đánh giá, trong suốt những năm sáng tác thơ, Thanh Tùng chưa tạo ra được "các sự kiện lớn" để truyền thông nhắc tới ông như "người của công chúng". Tới tận năm 2001, khi đã bước sang tuổi 66, ông mới xuất bản được tập thơ đầu tiên cho riêng mình mang tên Thời hoa đỏ.
Một số bài thơ của Thanh Tùng được phổ nhạc và trở nên quen thuộc với công chúng như Thời hoa đỏ (nhạc Nguyễn Đình Bảng), Hà Nội ngày trở về, Mùa thu giấu em (nhạc Phú Quang).
Nhạc sĩ Phú Quang từng chia sẻ về nhà thơ Thanh Tùng. Ông nói: "Thanh Tùng có những câu thơ thật thi sĩ, đọc một lần, ám ảnh khôn nguôi. Ngoài cái tứ, thơ Thanh Tùng cũng giàu nhạc điệu".
Trước khi trở thành nhà thơ, Thanh Tùng từng làm nhiều nghề lao động vất vả như công nhân đóng tàu, nghề áp tải rồi sau đó là bán sách trên vỉa hè.
Trong cuộc sống riêng, những cuộc hôn nhân của Thanh Tùng dường như đều do thơ và bạn bè xui khiến. Người vợ dầu tiên của ông là nhan sắc có tiếng ở đất Cảng. Họ đến với nhau vì đều có chung niềm đam mê với thơ.
Tuy vậy, sau một thời gian chung sống, bà đã bỏ ông để tìm đến một cuộc sống khác. Dù vậy, Thanh Tùng vẫn rất mực yêu thương người vợ đầu. Ngày bà qua đời ở Quang Ninh vì bệnh tim, ông đã tức tốc xuống tiễn đưa.
Thời hoa đỏ chính là bài thơ mà Thanh Tùng viết cho cuộc hôn nhân bất hạnh của mình. Bài thơ có những câu đầy day dứt như: “Trong câu thơ của em anh không có mặt…/ Anh đâu buồn mà chỉ tiếc/ Em không đi hết những ngày đắm say”.
Vào năm 1995, theo sự mai mối của vợ chồng nhà thơ Hoàng Hưng, Thanh Tùng vào Nam, lập gia đình với một cựu thanh niên xung phong. Sống trong nhà vợ, ông đã có những câu thơ thật xúc động: “Anh đang sống trong ngôi nhà, em đã mua bằng cả thời cô đơn thiếu nữ”.
>>> Đọc thêm: Nhà thơ Thanh Tùng - tác giả 'Thời hoa đỏ' qua đời
Bình luận