Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên chia sẻ ông hụt hẫng khi hay tin nhà thơ, họa sĩ nổi tiếng qua đời. Đạo diễn Đặng Nhật Minh - người bạn vong niên của cố nhà thơ - nói: "Tôi buồn bã nhưng chấp nhận bởi đó là quy luật sinh, lão, bệnh, tử của cuộc sống".
Đạo diễn Đặng Nhật Minh từng kể thời cùng công tác với Phan Vũ ở Hãng Phim truyện Việt Nam (Hà Nội), mỗi khi tan làm, cả hai đi bộ trên đường Phan Đình Phùng rồi về Hàng Bún - nơi ở của nhà thơ.
Mỗi lần như vậy, Phan Vũ thường đọc thơ cho bạn nghe. Đặng Nhật Minh biết những gì Phan Vũ đưa vào Em ơi, Hà Nội phố, chẳng hạn, "tiếng dương cầm trong căn nhà đổ" là tiếng nhạc của cô gái tên Trịnh Thị Nhàn - người ông thầm yêu. Sau này, khu nhà của cô Nhàn tan hoang, đổ nát, bị bom đạn phá hủy.
Ở tuổi ngoài 90, Phan Vũ vẫn miệt mài làm việc. Tháng 4 năm ngoái, nhà thơ ra mắt tuyển tập Ta còn em, gồm hai phần. Phần đầu là trọn vẹn bài Em ơi, Hà Nội phố với 24 khổ, 443 câu thơ, trong có 21 câu được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc.
Phan Vũ chia sẻ: "Cụm từ 'ta còn em' trong từng đoạn là những hoài niệm yêu thương của tôi về Hà Nội mà đôi lần khi cần nương tựa, an ủi, tôi lại tìm về". Đó cũng là lý do Ta còn em được chọn làm tên của tuyển tập.
Cuối đời, dù sinh sống miền Nam, nhà thơ vẫn nặng lòng với Hà Nội. Tháng 7/2018, ông mở triển lãm tranh Em ơi, Hà Nội phố tại TP HCM, trưng bày 25 tác phẩm sơn dầu. tình yêu về một Hà Nội bảng lảng hoài niệm là nguồn cảm hứng xuyên suốt các họa phẩm của Phan Vũ.
Phan Vũ, tên thật là Trần Hồng Hải, sinh năm 1926 tại Hải Phòng. Ông là nhà thơ, nhà viết kịch, đạo diễn sân khấu, điện ảnh. Năm 1954 ông làm việc tại Hà Nội.
Sau ngày đất nước thống nhất, Phan Vũ định cư ở TP HCM. Ông là đạo diễn của Bí mật thành phố cấm, Như một huyền thoại... Kịch bản sân khấu Lửa cháy lên rồi của ông từng đoạt giải nhì của Hội văn nghệ Việt Nam năm 1955.
Bình luận