• Zalo

Nhà thơ Dương Kỳ Anh, người trao vương miện thắt lòng nhớ thương HH Thu Thủy

Hoa hậuThứ Bảy, 05/06/2021 17:16:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Biết tin hoa hậu Thu Thủy đột ngột qua đời, tôi cứ ngồi lặng đi, không tin nổi và cũng không muốn tin, thật đau lòng.

Khi bộ phim “Người khác” do hoa hậu Nguyễn Thu Thủy biên kịch và dẫn chuyện được báo chí đánh giá cao, lọt vào tốp 3 bộ phim hay nhất liên hoan phim quốc tế VNIFF, tôi bỗng nhớ lại những gì mà tôi biết về Thu Thủy, những lần Nguyễn Thu Thủy tâm sự với tôi và cả những kỷ niệm suốt bao năm về người hoa hậu mà tôi cho là thông minh, dám sống, dám dấn thân, dám trải nghiệm, dám chịu đựng để vượt qua những lúc tưởng như không thể vượt qua, để vươn lên trở thành chính mình, để mình được là mình, và để viết văn, làm báo…

Nguyễn Thu Thủy đăng quang Hoa hậu trong cuộc thi Hoa hậu toàn quốc lần thứ 4 (1994) do báo Tiền Phong tổ chức.

Nhà thơ Dương Kỳ Anh, người trao vương miện thắt lòng nhớ thương HH Thu Thủy - 1

Nguyễn Thu Thủy đăng quang Hoa hậu Việt Nam năm 1994.

Sau đêm chung kết, có một người phụ nữ tự giới thiệu là mẹ của Thu Thủy đến bắt tay tôi và nói lời cảm ơn. Tôi hơi ngờ ngợ vì hình như mình đã gặp ở đâu rồi. Hỏi ra mới biết đó là Chu Bích Thu.

Chu Bích Thu học khoa Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, trước tôi một năm. Thời còn là sinh viên, hai năm cuối học ở Mễ Trì, khoa Văn thường tổ chức các buổi liên hoan văn nghệ. Chu Bích Thu và Thái Thịnh (em ca sỹ Vũ Dậu) vẫn thường múa đôi với nhau.

Tôi đâu có ngờ cô gái có thân hình nhỏ nhắn, tóc tết bím làm đôi dài gần tới gót chân ngày ấy lại là mẹ của Hoa hậu. Có lẽ Thu Thủy giống bố nhiều hơn. Bố Thủy, GS. Nguyễn Văn Lợi to cao và có nước da ngăm đen (ông mất cách đây chưa lâu). Lúc Thủy đăng quang, ông đang là giáo sư, tiến sĩ làm việc ở Viện Ngôn ngữ học, nhưng trước đây cũng từng là sinh viên khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Còn Chu Bích Thu, cũng là tiến sĩ ngôn ngữ học, chuyên về từ điển.

Cũng như Bích Phương, Diệu Hoa, Hà Kiều Anh, Thu Thủy… họ là con nhà nòi, bố mẹ đều là những nhà khoa học, đều là trí thức, cán bộ nghiên cứu nhiều năm. Khi Thu Thủy dự thi Hoa hậu, cũng là lúc cô thi đậu vào ba trường đại học, nhưng Thủy chọn trường Đại học Ngoại giao. Trả lời câu hỏi của ban giám khảo về mong ước của mình, Thu Thủy nói rằng cô muốn trở thành một nữ đại sứ.

Thế nhưng, cuộc đời đâu  phải là phương trình lập sẵn.

Nhà thơ Dương Kỳ Anh, người trao vương miện thắt lòng nhớ thương HH Thu Thủy - 2

Sau khi đăng quang, Hoa hậu Thu Thủy đỗ Học viện Ngoại giao nhưng chỉ theo học một thời gian.

Tôi bỗng nhớ lần đọc trên báo “Tuổi trẻ chủ nhật” bài viết dưới thiệu bộ phim “Người Khác”, một bộ phim tài liệu do hoa hậu Thu Thủy biên kịch và dẫn chuyện được gửi đi dự liên hoan phim quốc tế và lọt vào top 3 phim hay nhất của LH phim VNIFF.  Bài báo có đoạn viết: “Thủy bỏ ngoại giao, đi học marketting rồi về nước lấy chồng, sinh con, kinh doanh, nối tiếp chữ nghĩa từ người bố là một nhà nghiên cứu ngôn ngữ học, Thủy viết văn…” .

Còn nhớ, lần tôi đến công ty của Thủy để phỏng vấn doanh nhân hoa hậu Thu Thủy trên con đường lập nghiệp. Công ty của Thủy lúc đó có mặt ở khắp Bắc, Trung, Nam với trên 100 nhân viên. Đang ăn nên làm ra ấy vậy mà Thủy lại chuyển hướng.

Thủy tâm sự: “Việc quyết định thu nhỏ kinh doanh và làm thêm nhiều việc khác mà em đang dấn thân như hiện nay rất nhiều người coi đó là dại dột, điên rồ”.

Nhưng, như vậy mới là Thu Thủy. Một Thu Thủy mạnh mẽ, dám nghĩ, dám làm, dám trải nghiệm…

Nhà thơ Dương Kỳ Anh, người trao vương miện thắt lòng nhớ thương HH Thu Thủy - 3

Hoa hậu Việt Nam năm 1994 là một người phụ nữ năng động, dám nghĩ, dám làm.

Rồi Thu Thủy viết cái gì đó trên mạng, dư luận lại rào lên, khen, chê, nhiều tờ báo còn điện phỏng vấn tôi rằng, hoa hậu mà như vậy à ? vân vân và vân vân…

Tâm sự với tôi, Thủy hồi tưởng lại khi cô có ý định dự thi Hoa hậu, bà con họ hàng có ý không muốn cô dự thi. Nhưng bố cô đã nói: “Con cháu mình có hư hỏng hay không là do bản lĩnh của nó. Gia đình mình phải rèn giũa cho con bản lĩnh cứng rắn để những thứ ngoại lại không tác động vào còn hơn là cấm đoán…”.

Sau này, mỗi lần vấp váp, mỗi lần đứng trước những lựa chọn, những lần tưởng như buông tay chấp nhận sa ngã em thường nhớ lại câu nói đó”.

Thủy thấm thía rằng, gia đình không chỉ là điểm tựa mà còn là bệ phóng, là nền tảng được tạo nên từ tình yêu thương sự thông cảm và nề nếp truyền thống.

“Ba mươi đêm nằm trong bệnh viện chăm sóc bố, ngủ trên chiếc ghế Xuân Hòa, chứng kiến ranh giới mỏng manh giữa cái sống và cái chết, em thay đổi rất nhiều…” (bố Thủy đã 10 lần phẫu thuật tim).

“Trước đây đối với em cuộc sống là những đỉnh cao liên miên chinh phục. Em trẻ, đẹp, có danh tiếng, có kiến thức, có tham vọng. Em nghĩ rằng không có điều gì mình muốn mà không làm được”, Thủy mail cho tôi bộc bạch nỗi lòng.

Hoa hậu Thu Thủy đã qua nhiều trải nghiệm được và mất, có và không…

Nhà thơ Dương Kỳ Anh, người trao vương miện thắt lòng nhớ thương HH Thu Thủy - 4

Hoa hậu Thu Thủy luôn để lại ấn tượng tốt đẹp với những người từng gặp cô.

Hoa hậu Nguyễn Thu Thủy sinh ngày 7/11/1976 tại Hà Nội, quê gốc ở phủ Xuân Trường (Nam Định). Ngày còn học phổ thông, Thủy được gửi đến học trường Marie Curie. Thủy có một em trai sinh năm 1985 .

Tôi đã có một chuyến đi nửa tháng qua 7 sân bay, 14 lần máy bay lên xuống, qua 3 nước với chiều dài là nửa vòng trái đất với hoa hậu Nguyễn Thu Thủy theo lời mời của Tập đoàn Seagram (Hoa Kỳ) và IBC.  

Khi chúng tôi xuống sân bay John F. Kennedy ở New York trời khá lạnh, tôi phải khoác áo lông, đội mũ lông trùm kín đầu, nhưng Thu Thủy vẫn mặc chiếc váy ngắn với chiếc áo khoác mỏng bên ngoài.

Cả đoàn đi, ai cũng phục Thu Thủy vì sức khỏe dẻo dai của cô. Lúc chúng tôi đến thăm trụ sở của hãng Pepsi ở New York, tuyết rơi dày. Bãi cỏ, vườn cây trước tòa nhà đồ sộ của hãng tuyết trắng lấp lánh. Thu Thủy mặc áo dài. Chiếc áo dài Việt Nam nổi bật giữa sự hiện đại của thành phố sầm uất số một thế giới – Thành phố New York. Nhiều nam nữ thanh niên người Mỹ, có cả người lớn tuổi xếp hàng ở tiền sảnh của ngôi nhà lớn chờ xin chữ ký của Hoa hậu Việt Nam.

Hàng trăm bức ảnh Hoa hậu Thu Thủy đội vương miện đã được chuẩn bị sẵn từ trước. Thu Thủy mặc áo dài màu hoàng yến, bị vây kín với dòng người đủ các màu da. Đúng là Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Thu Thủy ký phía dưới tấm ảnh của mình rồi trao tặng cho từng người. Mấy trăm bức ảnh Thủy mang theo đã tặng hết mà dòng người vẫn xếp hàng dài…Chúng tôi đành phải xin lỗi những người hâm mộ Hoa hậu Việt Nam.

Lúc chúng tôi ngồi đợi máy bay lên thẳng để đi một vòng trên thành phố New York ngắm nhìn Tượng thần Tự do và những tòa nhà cao chọc trời, Thu Thủy có vẻ bồn chồn lắm. Biết trong đoàn có Hoa hậu Việt Nam, người chỉ huy cho đổi máy bay, điều tới chiếc máy bay lên thẳng rộng hơn, mới hơn – “Ưu tiên Hoa hậu Việt Nam”, anh ta nói.  

Nhà thơ Dương Kỳ Anh, người trao vương miện thắt lòng nhớ thương HH Thu Thủy - 5

Hoa hậu Thu Thủy và tác giả - nhà thơ Dương Kỳ Anh tại kinh đô điện ảnh thế giới.

Ở Washington - Thủ đô nước Mỹ, chúng tôi đến thăm Đại sứ quán Việt Nam và chụp ảnh chung với đại sứ Lê Văn Bàng cùng các nhân viên sứ quán lúc đó.

Một cán bộ sứ quán ghé vào tai tôi nói nhỏ: “Đây là lần đầu tiên tôi được thấy Hoa hậu Việt Nam đấy, rất đẹp”.

Khi đến trước cổng Nhà Trắng, mọi trong đoàn cũng khá mệt, riêng Hoa hậu Thu Thủy vẫn cười nói như thường. Thủy chỉ cho tôi xem những pho tượng được bố trí phía trong hàng rào Nhà Trắng. “Những pho tượng đang hát”, Thủy nói.

Quả thực, từ các pho tượng - những nhà bác học, những chính khách nổi tiếng này đang phát ra những điệu nhạc êm ái, hình như là nhạc khúc đồng quê. Có lẽ trong các pho tượng kia có gắn các loa phóng thanh. Những chiếc loa điện thay những trái tim của nhà bác học chăng? Những bức tượng có vẻ xa lạ này cảm động chăng, hứng khởi chăng khi nhìn thấy Hoa hậu Việt Nam ngay bên ngoài hàng rào Nhà Trắng – thủ phủ của Tổng thống Hoa Kỳ?

Nhà thơ Dương Kỳ Anh, người trao vương miện thắt lòng nhớ thương HH Thu Thủy - 6

Sự ra đi của Hoa hậu Thu Thủy để lại nhiều tiếc thương.

Từ ngày đó, tôi đã nhận ra một Thu Thủy năng động, mạnh mẽ và ưa khám phá…

Với tính cách của mình, hoa hậu Thu Thủy hẳn còn nhiều trải nghiệm…

Và tôi nhận ra những thăng trầm của hoa hậu Nguyễn Thu Thủy trong phim “Người Khác”. Một bộ phim hay. Hoa hậu Nguyễn Thu Thủy đã hóa thân vào nghệ thuật, vào phim.

Hoa hậu Thu Thủy vừa ra đi, đi về cõi vĩnh hằng, đi gặp người bố thân yêu của mình cũng đã ra đi cách đây chưa lâu, để lại nhiều tiếc thương cho nhiều người…

Dương Kỳ Anh
Bình luận
vtcnews.vn