Theo SCMP, các điều tra viên kỷ luật tại thành phố Hoài Nam (tỉnh An Huy, phía đông Trung Quốc) hôm 2/8 đã thông báo bắt giữ Trương Đa, nhân viên nhà tang lễ quận Phan Tập vì "bị nghi ngờ vi phạm nghiêm trọng kỷ luật và pháp luật".
Cơ quan điều tra không nêu chi tiết về những hành vi phạm tội bị cáo buộc của Trương nhưng cụm từ trên là cách nói tránh để ám chỉ hành vi tham nhũng.
Hầu hết các nhà tang lễ ở Trung Quốc đều được quản lý trực tiếp dưới sự giám sát của các cơ quan nhà nước, và là những đơn vị độc quyền bị cho là "định giá không minh bạch và dịch vụ kém chất lượng". Đây được xem là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng.
Vụ bắt giữ Trương diễn ra ba tháng sau khi cơ quan kỷ luật tại thành phố Vô Vi lân cận mở cuộc điều tra tham nhũng đối với Tưởng Tuấn Thịnh, Giám đốc phòng Quản lý tang lễ thành phố, cùng cấp phó của Tưởng là Nhậm Vĩnh Sinh.
Các nhân viên tại trung tâm tang lễ thành phố Bản Khê (tỉnh Liêu Ninh, đông bắc Trung Quốc), cũng bị kỷ luật vào tháng 5 sau khi khách hàng cáo buộc những người này yêu cầu "tiền bo" bất hợp pháp.
Cũng trong tháng 5 tại tỉnh Cát Lâm (đông bắc Trung Quốc), Lục Vạn Quân, cựu Bí thư đảng và Giám đốc nhà tang lễ huyện Huy Nam, đã bị tước tư cách đảng viên và chức vụ vì thu tiền các gia đình cho các dịch vụ không nằm trong danh sách được cung cấp.
Trong khi đó, hàng chục đơn vị quản lý tang lễ - từ quận Vạn Châu thuộc thành phố Trùng Khánh ở phía tây nam, đến thành phố Khải Đông thuộc tỉnh Giang Tô ở phía đông - đã triệu tập các cuộc họp để cố gắng khắc phục "những bất thường trong ngành tang lễ".
Vào tháng 1, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương - cơ quan kỷ luật chính trị và chống tham nhũng hàng đầu nước này - đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng, đặc biệt là tham nhũng ảnh hưởng trực tiếp đến người dân.
Theo báo cáo của ngân hàng đầu tư Trung Quốc Citic, khoảng 258 tỷ nhân dân tệ (hơn 907 nghìn tỷ đồng) đã được chi cho tang lễ và các dịch vụ liên quan vào năm 2020.
Một cuộc điều tra năm 2015 của hãng thông tấn Tân Hoa Xã phát hiện nhiều nhà tang lễ "kiếm thêm" bằng cách bán bình đựng tro cốt và quần áo tang lễ cho người đã khuất với giá đắt đỏ, và các quan/viên chức phụ trách hoạt động được hưởng một phần doanh số bán hàng.
Cũng trong năm 2015, cựu giám đốc và cựu phó giám đốc một nhà tang lễ ở thành phố Quảng Châu bị phát hiện "hợp tác" với một nhà cung cấp quan tài trong bảy năm, bỏ túi mỗi người hơn 250.000 nhân dân tệ (hơn 879 triệu đồng) tiền hối lộ.
Một số nhà tang lễ còn cho phép gia đình người đã khuất chôn cất thi thể, một tập tục truyền thống hiện đã bị Trung Quốc cấm ở phần lớn các tỉnh thành do quỹ đất hạn chế.
Thậm chí, một số nhà tang lễ còn bị phát hiện đã cấp giấy chứng nhận hỏa táng giả. Như trường hợp một số nhân viên tại nhà tang lễ huyện Nghi Nam, tỉnh Sơn Đông, đã sử dụng rơm, chăn và nhựa làm xác chết giả để hỏa táng, giúp hơn 60 gia đình có được giấy chứng nhận hỏa táng giả và nhận hối lộ hơn 200.000 nhân dân tệ (hơn 700 triệu đồng).
Bình luận