Tuyên bố được ông Nhậm đưa ra trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Bloomberg, đăng tải ngày 26/5.
Khi được hỏi có muốn trả đũa Apple hay không, ông Nhậm trả lời: "Trước hết, điều đó sẽ không xảy ra. Thứ hai, nếu điều đó xảy ra, tôi sẽ là người đầu tiên phản đối. Apple là công ty hàng đầu thế giới. Nếu không có Apple, sẽ không có internet di động. Nếu không có Apple giúp chúng ta nhìn thế giới, chúng ta sẽ không thấy vẻ đẹp của thế giới này. Apple là người thầy của tôi. Là một học sinh, tại sao tôi lại phản đối người thầy của mình?".
Hồi tháng 1 năm nay, Huawei đã trừng phạt các nhân viên của mình vì sử dụng điện thoại iPhone của Apple để gửi thông cáo chính thức của tập đoàn này lên mạng xã hội Twitter. Truyền thông Trung Quốc đưa tin những người liên quan bị giáng chức và giảm lương.
Theo đài Sputnik, cuộc đối đầu giữa Huawei và Apple diễn ra sau khi Giám đốc tài chính Huawei, bà Mạnh Vãn Châu, bị nhà chức trách Canada bắt giữ theo yêu cầu của Mỹ về cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của Washington đối với Iran cuối năm ngoái.
Mỹ và một số quốc gia cũng tố cáo Huawei nhận tài trợ của chính phủ Trung Quốc và làm gián điệp thông qua các thiết bị viễn thông mà tập đoàn này cung cấp.
Đầu tháng 5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump liệt Huawei và 70 chi nhánh vào danh sách đen. Các công ty Mỹ phải được Washington chấp thuận trước khi giao dịch với Huawei.
Kết quả, Tập đoàn Google thông báo ngừng các hoạt động kinh doanh với Huawei, bao gồm chuyển giao phần cứng, phần mềm và kỹ thuật ngoại trừ các dịch vụ công khai được cấp phép qua nguồn mở.
Các nhà sản xuất chip hàng đầu của Mỹ - bao gồm Intel, Qualcomm, Xilinx và Broadcom - cũng đóng băng hoạt động cung cấp phần mềm và linh kiện quan trọng cho Huawei.
Hồi năm ngoái, Mỹ, Úc, Nhật Bản và New Zealand từng cấm Huawei ký hợp đồng với các chính phủ nước này vì lo ngại vấn đề an ninh. Tuy nhiên, Huawei nhiều lần khẳng định họ không bị chính phủ, quân đội hoặc tình báo Trung Quốc kiểm soát.
Bình luận