• Zalo

Nhà nước từ bỏ độc quyền xăng dầu và điện: Mừng ít lo nhiều

Kinh tế Chủ Nhật, 11/10/2015 10:46:00 +07:00Google News

Nhà nước từ bỏ độc quyền xăng dầu và điện: Mừng ít lo nhiều

Tin về việc Bộ Công Thương vừa đưa ra lấy ý kiến về việc Nhà nước sẽ bỏ độc quyền kinh doanh một số hàng hóa, trong đó có điện, xăng dầu... đã đem lại một niềm hứng khởi đối với nhiều nhà nghiên cứu thị trường, nhưng mọi việc không chỉ có màu hồng.

Chúng ta đã có thị trường sữa cạnh tranh, thị trường vận tải cạnh tranh, thị trường này nọ cạnh tranh… nhưng giá vẫn lên với tốc độ nước ngập mùa mưa, mỗi khi thấy người tiêu dùng kêu quá, Bộ Công Thương và các cơ quan quản lý Nhà nước phải đi thuyết phục các doanh nghiệp mới hạ giá cho đôi ba phần trăm gọi là như mai phục để có cớ nào đó lại tăng giá thêm một hai chục phần trăm.
 
Hóa ra cái gì cũng có hai mặt của nó. Đáng lưu ý báo cáo “Cảm nhận về Nhà nước và thị trường của người Việt Nam (VCCI) năm 2014 (CAMS 2014)” do Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam phối hợp cùng World Bank thực hiện được công bố tuần trước cho biết, có tới 66% người khảo sát cho rằng không hưởng lợi khi Nhà nước can thiệp vào mặt hàng xăng dầu, khảo sát tương tự với mặt hàng điện là 58%.

Báo cáo này cũng cho thấy, dù chưa được hưởng lợi nhiều từ việc Nhà nước can thiệp giá đối với các mặt hàng thiết yếu, phần lớn người trả lời vẫn cho rằng là hoàn toàn cần thiết để Nhà nước can thiệp. 2 trong số 3 mặt hàng được nhiều người cho rằng cần thiết có sự can thiệp giá của Nhà nước là điện 87% và xăng dầu là 85%. Thế ra, bỏ độc quyền cũng chưa phải được người tiêu dùng vui mà còn phải có biện pháp quản lý thúc đẩy cạnh tranh để người tiêu dùng được hưởng lợi nữa.

Vẫn phải giảm bớt độc quyền

Theo dự thảo Nghị định về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện Nhà nước độc quyền trong hoạt động thương mại, Nhà nước sẽ còn độc quyền trong lĩnh vực thương mại đối với 16 loại hàng hóa, dịch vụ, gồm có độc quyền xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu và sản xuất vàng miếng, nhập khẩu thuốc lá, kinh doanh xổ số kiến thiết, đo đạc bản đồ phục vụ quốc phòng…; dịch vụ hoa tiêu hàng hải, dịch vụ công đảm bảo an toàn hàng hải, bảo đảm hoạt động bay, xuất bản, in, đúc tiền, quản lý khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt, trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng...

Điểm đáng lưu ý, kinh doanh xăng dầu được loại bỏ hoàn toàn ra khỏi danh mục hàng hóa, dịch vụ Nhà nước nắm giữ độc quyền. Trong khi đó, với mặt hàng điện, Nhà nước chỉ nắm độc quyền ở khâu vận hành thủy điện đa mục tiêu và điện hạt nhân và khâu truyền tải, điều độ cũng như vận hành hệ thống điện quốc gia các nhà máy lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh.

Về mặt lý thuyết, đó là chủ trương đúng hoàn toàn, một niềm mong ước của tất cả những chuyên gia kinh tế và mọi người quan tâm đến kinh tế để hướng tới một nền kinh tế thị trường đầy đủ, đúng với chủ trương dài hạn của Đảng và Nhà nước. Nhưng, con đường từ lý thuyết đến thực tiễn quá dài và quan trọng, với những thiết chế hiện tại, một thị trường cạnh tranh để người tiêu dùng hưởng lợi không chỉ xa tít mà còn mù mờ, cả về hành lang pháp lý lẫn tổ chức thực tiễn.

Để người tiêu dùng được hưởng lợi  

Hiện nay, hình thức độc quyền Nhà nước đối với những hàng hóa cụ thể vẫn chủ yếu qua các doanh nghiệp Nhà nước và biện pháp quản lý giá. Chúng ta cũng có chủ trương là điều tiết giá của các hàng hóa do Nhà nước độc quyền theo giá thị trường. Tuy nhiên, đó là thị trường một nửa, thị trường đầu vào, còn thị trường đầu ra thì không có. Giá độc quyền bao nhiêu, người mua phải nhắm mắt trả tiền, không có bất cứ lựa chọn khác. Như vậy, điều tiết theo thị trường vẫn không phải tạo ra thị trường.
Có thể ví dụ, xóa bỏ độc quyền điện, xăng thì người tiêu dùng sẽ hưởng lợi vì họ có sự lựa chọn chỗ nào rẻ hơn, chất lượng hơn thì mua. Khi đó, các đơn vị cung cấp sẽ phải cạnh tranh với nhau để giành thị phần từ người tiêu dùng. Nhà nước đã giảm mạnh độc quyền các hàng hóa từ vài chục năm nay, nhưng thị trường vẫn không thay đổi nhiều. Bởi nếu xóa bỏ độc quyền xong mà tất cả các nơi đều bán giá như nhau thì người tiêu dùng không được hưởng lợi bởi không có thị trường cạnh tranh. Chúng ta đã chứng kiến quá nhiều những đợt tăng giá của các mặt hàng thiết yếu, chỉ sáng sớm ngủ dậy, tất cả các cửa hàng, chợ búa đều công bố giá mới bằng nhau, tắp lự, từ cửa hàng, chợ cóc cho đến chợ quê làng bản…


Nguyên nhân của sự giảm bớt độc quyền mà vẫn không có thị trường cạnh tranh là đâu? Thứ nhất là hành lang pháp lý để thúc đẩy, giám sát cạnh tranh của chúng ta chưa đầy đủ, chưa đủ sức ngăn chặn các hành vi khống chế thị trường để doanh nghiệp hưởng lợi trên lưng người tiêu dùng. Các biện pháp vi phạm đã có luật nhưng không có hướng dẫn chi tiết có thể giám sát và trừng phạt hợp lý các doanh nghiệp vi phạm, mức phạt quá thấp dẫn đến các doanh nghiệp sẵn sàng vi phạm khi lợi nhuận thu được lớn gấp vài trăm đến vài nghìn lần mức phạt. Thứ hai, về quản lý cạnh tranh trên thị trường, chúng ta đã có Cục Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công Thương.

Cục này không có hệ thống tổ chức riêng tại các địa phương cũng như các ngành kinh tế cho nên chỉ quản lý chung chung. Để có thể xây dựng một thị trường cạnh tranh, rõ ràng các tổ chức giám sát, thúc đẩy cạnh tranh phải được hoàn thiện.

Chúng ta cũng có Hội Bảo vệ người tiêu dùng, nhưng Hội này lại không đủ để đấu tranh chống lại hiệp hội của người giàu - của doanh nghiệp. Thực tế đã chứng minh giá taxi vẫn không hạ, giá sữa không hạ, giá nhiều mặt hàng không hạ... Và dù hài lòng hay không, người tiêu dùng không có cơ hội thành lập ra hội thứ hai có cùng chức năng bảo vệ nông dân, bảo vệ người tiêu dùng, bởi triết lý chỉ được tồn tại một hội duy nhất có hoạt động chính trong mỗi lĩnh vực ở Điều 5 Nghị định 45/2010/NĐ-CP và khoản 1, Điều 7 dự thảo luật về hội nói trên.

Như vậy, trong phạm vi hành lang pháp lý đặc thù này, hội của người giàu dường như đã biết khai thác tốt hơn để tạo thế độc quyền trong cung cấp hàng hóa, dịch vụ dưới vỏ bọc thị trường, tự nguyện, tự quản. Trong khi hội của người nghèo thì chưa đủ động lực, lợi ích thôi thúc để phá vỡ thế độc quyền mà hội người giàu thi thoảng giăng ra.

Rất tiếc, phản ứng của người tiêu dùng với việc phá bỏ độc quyền Nhà nước, giống như bỏ sự trợ giúp của Nhà nước chống lại sự độc quyền mới của các doanh nghiệp thông qua các hội nghề nghiệp, thông qua các thủ đoạn thị trường… là một kiến nghị xác đáng của người tiêu dùng tới các cơ quan lập pháp và Bộ Công Thương. Câu hỏi bao giờ có một thị trường cạnh tranh thật sự vẫ chưa có câu trả lời.

Nguồn: An ninh Thủ đô
Bình luận
vtcnews.vn