Ngày 24/9, sau khi kết quả bầu cử Quốc hội Đức được công bố, Đảng cực hữu mang tư tưởng phát xít AfD gây đột biến khi giành tới xấp xỉ 90 ghế, điều này gây ra không ít lo ngại với giới quan sát trên toàn cầu.
Nhằm làm rõ vấn đề này, VTC News phỏng vấn Đại sứ, TS. Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển quan hệ quốc tế, đại sứ cho rằng:
“AfD trỗi dậy là thất bại ở mức vừa phải của các lực lượng truyền thống và là hồi chuông cảnh tỉnh các đảng cầm quyền tại Đức, buộc họ phải có những điều chỉnh về cách thức quản lý và chính sách của mình, chú ý hơn đến nguyện vọng của các tầng lớp xã hội Đức”.
- Thưa ông, sự trỗi dậy của đảng mang tư tưởng cực hữu “Con đường mới cho nước Đức”, Alternative für Deutschland - AfD trong những năm gần đây và đặc biệt là cuộc bầu cử Quốc hội Đức vừa qua thể hiện điều gì?
Theo tôi, điều này phản ánh xu hướng bất mãn trong một bộ phận khá lớn của cử tri Đức trước tình hình của đất nước và cách điều hành của chính quyền Đức hiện nay.
Họ cho rằng các chủ trương tăng cường vai trò của Liên minh châu Âu hay chính sách tiếp nhận người nhập cư, người tị nạn của Đức không phù hợp với lợi ích của nước Đức.
Do đó, các đảng cực hữu như AfD ra đời và phản ánh xu hướng trong đời sống chính trị của các quốc gia, không riêng gì ở Tây Âu mà còn nhiều quốc gia khác trên thế giới. Ví dụ ở châu Á, tại Phillipines có ông Rodrigo Duterte, còn ở Mỹ có ông Donald Trump.
Xu hướng này thể hiện dưới các dạng khác nhau và phản ánh nhu cầu của người dân là phải có những sự đổi mới, những sự thay đổi theo xu hướng cứng rắn hơn tại các quốc gia này, chứ không phải những xu hướng thỏa hiệp trong những năm vừa qua.
- Sau khi kết quả bầu cử được công bố, nhiều người Đức xuống đường biểu tình, phản đối sự góp mặt của AfD trong Quốc hội Đức, theo ông liệu AfD có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn không trong bối cảnh bị phản đối như vậy?
Đây là cuộc đấu tranh giữa các xu hướng, các chiều hướng và các lực lượng chủ đạo trong đời sống chính trị của nước Đức với các nhóm mang tư tưởng cực hữu, tư tưởng phát xít.
Chiến thắng của AfD phản ánh xu hướng bất mãn trong một bộ phận khá lớn của cử tri Đức trước tình hình đất nước và cách điều hành của chính quyền hiện nay.
Đại sứ, TS. Nguyễn Ngọc Trường
Các nhóm mang cực hữu tư tưởng phát xít này là hiện tượng xuấtphát là từ sự bất mãn của một bộ phận người dân đối với tình hình xã hội hiện nay ở các nước này, do đó người dân muốn có những biện pháp cực đoan để đối phó với những tình trạng khẩn cấp đang diễn ra.
Còn hoạt động biểu tình nói lên thái độ, sự biểu dương lực lượng của các lực lượng đối lập với các nhóm mang tư tưởng cực hữu, tư tưởng phát xít nhưng điều này không thay đổi được kết quả bầu cử.
Trên thực tế, đảng AfD có phát triển mạnh mẽ hay không là do cuộc đấu tranh trên nghị trường và cuộc đấu tranh trên đường phố của xã hội quyết định.
Đồng thời khả năng thực hiện các chương trình nghị sự mà đảng AfD đề ra trong tiến trình vận động tranh cử sau khi đảng này đã có chân trong quốc hội Đức sẽ quyết định xem liệu AfD có phát triển mạnh mẽ hay không.
Việc thực hiện các chương trình nghị sự này sẽ giúp cho đảng AfD tranh thủ sự ủng hộ của người dân Đức. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại chưa thể nói trước bất cứ điều gì về tình hình nước Đức.
Nhưng chúng ta có thể thấy ở Mỹ, khi ông Donald Trump lên làm tổng thống những sai lầm của ông trong cách quản lý và điều hành đất nước đã làm giảm sút uy tín và làm gia tăng sự thất vọng của người dân Mỹ.
Do đó, nếu đảng AfD làm không khéo léo, họ cũng rơi vào tình trạng tương tự như ông Trump đang gặp phải hiện nay.
- Có ý kiến cho rằng, sự trỗi dậy của AfD có phần lý do từ chính sách nhập cư ồ ạt, gây ra nhiều vụ tấn công, khủng bố ở Đức và kết quả bầu cử sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh để Thủ tướng Đức Angela Merkel có những động thái thiên hữu hơn trong nhiệm kỳ tới, ông đánh giá thế nào về nhận định này?
Thực ra, chính sách tiếp nhận người nhập cư của bà Merkel không sai nhưng nó tạo ra nhiều bất cập.
Phải nói rằng, chính sách tiếp nhận người nhập cư có lợi cho nước Đức khi nó tạo ra nguồn lao động giá rẻ để mà ổn định phúc lợi và ổn định kinh tế của nước Đức. Nhưng điều đó cũng tạo ra cuộc khủng hoảng ở châu Âu dẫn đến sự kiện Brexit.
Sau bầu cử, bà Merkel tất nhiên cảm thấy bị thách thức và đã tuyên bố sự xuất hiện của đảng AfD là một thách thức.
Rõ ràng, bà Merkel phải có sự điều chỉnh nhất định, không thể phớt lờ quốc hội Đức trong việc đưa ra các quyết định, ví dụ như việc chấp nhận người tị nạn. Bởi lẽ nếu làm như vậy, AfD sẽ có cơ hội phê phán và buộc tội bà Merkel.
Liên minh giữa 2 lực lượng chính trị lớn trong thời gian vừa qua đã tạo điều kiện cho bà Merkel có thể tự do hành động như thể một mình “múa gậy vườn hoang”.
Nhưng hiện nay sự xuất hiện của đảng cực hữu AfD với hơn 10% số cử tri Đức ủng hộ đồng nghĩa với việc đây sẽ là một đối trọng nhất định đối với chính sách của chính quyền Đức.
- Theo ông, liệu có khả năng AfD liên minh với một trong số đảng còn lại để tăng tầm ảnh hưởng tại Đức hay không?
Theo tôi, trong số 5 đảng thắng cử lớn còn lại, không có đảng nào có khuynh hướng cực hữu cả. Có thể việc liên minh với đảng AfD sẽ như uống phải thuốc độc, lợi bất cập hại nên hiện tại chưa thể khẳng định điều gì về việc này.
Theo tôi, đảng AfD với cương lĩnh cực hữu lại là một đối trọng và có thể thu hút được sự ủng hộ của một bộ phận quần chúng cử tri, nhưng khả năng liên minh thì phải quan sát trong những đảng còn lại thì liệu có đảng nào chung “màu cờ sắc áo” với đảng AfD hay không.
Song tôi cho là không có.
- Với sự trỗi dậy của tư tưởng cực hữu và tư tưởng phát xít như trên sẽ ảnh hưởng thế nào đến nước Đức cũng như vai trò của Đức trong Liên minh châu Âu EU nói riêng và toàn bộ châu Âu nói chung hiện nay, thưa ông?
Theo tôi, nhìn chung, xu hướng chính tại châu Âu vẫn là ủng hộ sự ổn định và sự hài hòa trong xã hội.
Ví dụ như ở Pháp, ông Macron thắng cử một cách áp đảo trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2017 và trong cuộc bầu cử vừa qua ở thượng viện ông này cũng giành thêm vài ghế.
Điều này cho thấy, người Pháp tiếp tục ủng hộ khuynh hướng hợp tác trong Liên minh châu Âu nói riêng và cả châu Âu nói chung.
Video: Biểu tình phản đối đảng AfD tại thành phố Cologne, Đức
Còn ở nước Đức, theo tôi thì xu hướng chung vẫn như cũ. Nếu cộng tỉ lệ phiếu bầu của liên minh CDU/CSU và đảng SPD, con số sẽ là 55%, có thể thấy đa số cử tri vẫn ủng hộ theo khuynh hướng ôn hòa và có chút bảo thủ của bà Merkel.
Liên minh hai đảng của bà Merkel không phải là liên minh đảng tự do mà tương đối bảo thủ, nhưng đảng bảo thủ này duy trì được ổn định xã hội Đức nên lại tương đối chấp nhận được.
Tuy nhiên, cần nhớ rằng, nước Đức là quốc gia rất quan trọng ở châu Âu và 2 cuộc chiến tranh thế giới đều do những biến động trong xã hội Đức khi các đảng cực hữu ở nước này lên cầm quyền và gây chiến.
Đảng Quốc xã của Đức đã “trường kỳ mai phục” và đến năm 1932 bắt đầu lên cầm quyền, từ đó đảng này dùng các thủ đoạn để kiểm soát quyền lực ở Đức và cuối cùng hình thành nhà nước Đức quốc xã rồi phát động chiến tranh.
Phải nhấn mạnh rằng, người Đức vẫn chưa quên những bài học đó và người ta cảnh giác với chuyện này, dù như thế nào cũng vẫn phải cảnh giác, như người Đức có câu: “Ta cảnh giác thì ta tồn tại”.
- Vậy có chăng câu chuyện người dân Đức cảnh giác với AfD, thưa ông?
Tôi cho rằng, tình hình chưa đến mức độ như vậy nhưng việc đảng AfD giành vị trí thứ 3 trong quốc hội Đức cũng tạo ra một đối trọng.
Điều này cũng nói lên sự lành mạnh của nền chính trị và xã hội Đức khi người ta vẫn chấp nhận những lực lượng cực đoan như vậy.
Tất nhiên, trong giai đoạn vận động tranh cử vẫn có những sự đấu tranh ác liệt, nhưng kết quả cuối cùng đảng AfD vẫn giành vị trí thứ 3 trong quốc hội Đức.
Điều này mang ý nghĩa cảnh tỉnh các đảng cầm quyền tại Đức, nếu như các đảng này không có những điều chỉnh về cách thức quản lý và chính sách của mình, không chú ý đến nguyện vọng của các tầng lớp xã hội nước Đức thì hành động đó sẽ tạo điều kiện cho đảng cực hữu AfD giành được thanh thế.
Nước Đức đang là nòng cốt của châu Âu, Đức và Pháp là cái trục mà đặc biệt là nền kinh tế Đức là lớn nhất ở khu vực này, nên có thể nhận định, nước Đức là nước lãnh đạo của châu Âu.
Tất nhiên, chính phủ Đức phải có chính sách phù hợp, nếu không sẽ gây rối loạn cho bàn cờ chính trị của Đức và từ đó ảnh hưởng đến cả châu Âu.
Nhưng theo tôi, với thắng lợi của đảng bà Merkel và một số đảng khác chiếm đa số sẽ là cơ hội để nước Đức vượt lên thực hiện vai trò lãnh đạo đúng hướng ở Liên minh châu Âu EU.
Đó là thắng lợi lớn của các lực lượng truyền thống, song việc đảng AfD trỗi dậy là một thất bại ở mức vừa phải của các lực lượng truyền thống.
Tuy nhiên, nhìn chung, điều này cũng thể hiện khuynh hướng lành mạnh của nền chính trị và xã hội Đức cũng như các nước châu Âu và điều này sẽ giúp châu Âu phát triển.
Xin cảm ơn ông!
Bình luận