• Zalo

Nhà nghiên cứu Học viện MIT: Bức tranh đổi mới giáo dục đại học Việt Nam rất sáng

Giáo dụcThứ Hai, 14/08/2017 11:26:00 +07:00Google News

TS Vũ Thành Long, giảng viên kiêm nhà khoa học nghiên cứu Học viện Công nghệ Massachusetts (Hoa Kỳ) phân tích những gam màu sáng, những bước đi đúng đắn phù hợp với chuẩn mực quốc tế trong đổi mới giáo dục đại học.

Đổi mới thi cử

Kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2017 đang dần khép lại. Nhìn lại quá trình 3 năm thực hiện đổi mới, có thể đánh giá rằng đổi mới thi cử đang diễn ra thành công và có nhiều ưu điểm vượt trội so với các năm trước đây.

Thứ nhất, việc bỏ kỳ thi ĐH, CĐ đã tiết kiệm cho người dân và giảm áp lực cho xã hội. Thử làm một phép tính đơn giản, giả sử trung bình mỗi thí sinh tốn 2 triệu đồng cho kỳ thi ĐH, CĐ (bao gồm chi phí đi lại, ăn ở cho thí sinh và phụ huynh), thì với 643.000 thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ năm 2017 chúng ta đã tiết kiệm được khoảng 1.300 tỷ đồng một năm.

phong thi nghiem

 

Ngoài ra, việc giảm áp lực cho thí sinh, tránh lãng phí thời gian của phụ huynh, và tránh tình trạng tắc đường, đặc biệt là tránh được con số thương vong rất thương tâm cho thí sinh và thân nhân do tai nạn giao thông trong mỗi kỳ thi đại học là những hiệu quả khó đo đếm được.

ts vu thanh long 5

 

Vũ Thành Long là nhà khoa học nghiên cứu (research scientist) kiêm giảng viên (lecturer) Học viện Công nghệ Massachussets nổi danh Hoa Kỳ.

Anh đang theo đuổi các công trình liên quan đến năng lượng mới. Cuối năm 2016, Vũ Thành Long đã mời các nhà khoa học hàng đầu thế giới về năng lượng mới về Việt Nam dự hội thảo khoa học do anh đứng ra tổ chức. Xem thêm về TS Vũ Thành Long tại đây.

Thứ hai, cách thi THPT mới đang thúc đẩy một nền giáo dục toàn diện. Phương thức thi mới với 5 bài thi gồm 3 bài thi độc lập (toán, văn, ngoại ngữ) và 2 bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học) và khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân) đã đặt ra yêu cầu bắt buộc các thí sinh phải học đều tất cả các môn.

Thứ ba, cách thi mới giúp tạo ra 1 kỳ thi THPT trung thực và khách quan hơn trước. Với phương thức thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, mỗi thí sinh trong cùng một phòng thi có một đề thi riêng nên các thí sinh rất độc lập với nhau.

Việc này khiến số thí sinh vi phạm quy chế giảm đi nhiều lần so với những năm trước. Kỳ thi THPT năm 2017 chỉ có 72 trường hợp bị đình chỉ thi so với 328 trường hợp năm 2016.

Thứ tư, cách xét tuyển mới tăng cơ hội trúng truyển ĐH, CĐ cho các thí sinh. Cách xét tuyển này cho phép thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển khi đã có điểm thi THPT.

Hơn thế nữa, sau khi các trường công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển, các thí sinh vẫn được quyền điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển trong vòng 7 ngày theo phương thức trực tuyến và 9 ngày bằng phiếu điều chỉnh nguyện vọng.

Cách xét tuyển linh hoạt đó cho phép thí sinh chọn trường phù hợp nhất với điểm thi và nâng cao cơ hội trúng tuyển của mình.

Thứ năm, cách xét tuyển mới tạo sự chủ động cho các trường ĐH, CĐ trong việc cạnh tranh và lựa chọn những thí sinh phù hợp nhất cho mình.

Ngoài ra, do thí sinh chỉ được trúng 1 nguyện vọng nên tỉ lệ ảo sẽ không quá lớn, giúp các trường dự báo và điểu chỉnh kế hoạch tốt hơn.

Cuối cùng, đổi mới thi cử cũng đã giúp bộc lộ những hạn chế sẵn có của nền giáo dục. Chẳng hạn, tình trạng 9 điểm cho 3 môn vẫn đỗ tại một số trường CĐ sư phạm đã chỉ ra rằng, từ một nghề cao quý trong quá khứ, nghề giáo viên đã và đang mất giá mạnh như thế nào.

Những gam màu sáng

Đổi mới thi cử là điểm nhấn và là nét vẽ đầu tiên trong bức tranh đổi mới giáo dục đại học. Giáo dục đại học Việt Nam đang đi theo con đường tự chủ đại học và tuân theo các chuẩn mực quốc tế. Để có thể đánh giá chất lượng đại học, chúng ta sẽ cần thêm dữ liệu thống kê trong một thời gian dài.

Mặc dù vậy, một số điểm sáng và tín hiệu đáng mừng đã rõ ràng. Việc ngày càng có nhiều trường ĐH, CĐ đi theo con đường tự chủ (theo lộ trình đến năm 2020 tất cả các trường đều tự chủ) đang tạo ra một thị trường mở với sự cạnh tranh bình đẳng giữa các trường.

Các trường có chất lượng kém, không thể cạnh tranh đang bị thị trường đào thải. Để cạnh tranh sinh viên, các trường ĐH, CĐ đều phải nâng cao chất lượng giáo dục, đồng thời minh bạch hóa chất lượng đầu ra và dữ liệu việc làm của sinh viên.

Những thông tin này sẽ giúp thí sinh lựa chọn trường phù hợp, có khả năng có việc làm cao, và từ đó, giúp người dân tối ưu hiệu quả đầu tư cho giáo dục của mình.

Mặt khác, trong quá trình đổi mới theo chuẩn mực quốc tế và để cạnh tranh thu hút đầu tư nghiên cứu, các trường ĐH, CĐ của Việt Nam đang phải đẩy mạnh nghiên cứu và xuất bản nghiên cứu theo tiêu chuẩn quốc tế.

Cùng với đó, Bộ GD-ĐT đang đưa vào những thước đo theo chuẩn quốc tế cho giáo dục sau đại học, chẳng hạn như yêu cầu nghiên cứu sinh tiến sỹ phải có ít nhất một bài báo thuộc danh mục ISI/Scopus hoặc hai báo cáo quốc tế thì mới đủ điều kiện tốt nghiệp.

Như một hệ quả tất yếu, số lượng công trình nghiên cứu từ các trường ĐH, CĐ đang tăng một cách ngoạn mục trong vài năm gần đây, góp phần tạo ra một bộ mặt mới cho khoa học Việt Nam trên trường quốc tế.

Một điểm đáng mừng nữa trong quá trình chuẩn hóa này là ngày càng có nhiều trường ĐH của Việt Nam phấn đấu lọt vào top các trường chất lượng của thế giới. Ví dụ, theo bảng xếp hạng các đại học trên thế giới do tạp chí Webometrics [1] vừa công bố, từ tháng 1/2017 đến tháng 7/2017, Đại học Bách khoa Hà Nội đã nhảy từ vị trí thứ 1.764 trên thế giới lên vị trí 1.099, trong khi ĐH Quốc gia Hà Nội cũng tăng từ vị trí thứ 1.580 lên vị trí 1.505.

Dấu ấn người tiên phong  

Với vai trò một người làm khoa học quan tâm theo dõi sát sao những biến chuyển của giáo dục Việt Nam, tôi đánh giá cao dấu ấn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong bức tranh đổi mới giáo dục đại học hiện nay.

Là lãnh đạo có tầm nhìn, ông đã đưa ra triết lí đổi mới giáo dục đại học Việt Nam. Theo triết lý đó, giáo dục đại học Việt Nam phải đi theo chuẩn mực chung của quốc tế, trong đó các trường đại học được quyền tự chủ và phải cạnh tranh với nhau để phát triển.

Đây cũng chính là triết lý giáo dục đại học tại đã đặt nền móng cho phát triển kinh tế tại tất cả các nước tiên tiến trên thế giới. Có thể nói rằng triết lý đó chính là kim chỉ nam, tạo ra những thay đổi mạnh mẽ, tích cực cho giáo dục và thi cử của Việt Nam hiện nay và trong tương lai.

Ông Vũ Đức Đam và Bộ trưởng bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ có cùng quan điểm mở đường cho đổi mới giáo dục đại học, trước hết bằng tuyên bố “Tuyển sinh ĐH phải dựa trên tinh thần tự chủ đại học. Bộ GD&ĐT chỉ đưa ra những quy định tối cần thiết, đảm bảo công bằng cho học sinh, và tôn trọng quyền tự chủ của các trường”.

Ông cũng đặt quyền lợi của thí sinh lên trên hết: “Chúng ta phải quyết tâm làm đúng với tinh thần vì các cháu với triết lý, với mục tiêu phát triển toàn diện cả về trí tuệ, đạo đức, thể chất”.

Tôi nghĩ rằng ông Vũ Đức Đam đã mở ra con đường đúng cho đổi mới giáo dục đại học Việt Nam, mà những thành quả của nó sẽ có tác động tích cực lâu dài đối với khoa học giáo dục và kinh tế của đất nước.

Phải hành động theo cách của doanh nghiệp

Bức tranh về đổi mới giáo dục đại học là rất sáng sủa. Các thiếu sót tất nhiên vẫn còn và các giải pháp khắc phục đang được đưa ra. Tôi nghĩ rằng, trong thị trường giáo dục cạnh tranh bình đẳng đang hình thành, mỗi trường ĐH, CĐ chính là một doanh nghiệp, sinh viên là khách hàng, và đầu tư nhà nước là một công cụ để điều chỉnh thị trường.

Vì vậy, các trường ĐH, CĐ cần chủ động thay đổi để đạt hiệu quả cao nhất trong việc thu hút sinh viên và thu hút đầu tư của nhà nước. Chẳng hạn, các trường có thể thay đổi cách quản lý với tư duy phục vụ sinh viên, chiêu mộ các nhà nghiên cứu giỏi để từ đó thu hút đầu tư nghiên cứu của nhà nước.

Các trường cũng cần nâng cao quyền tự chủ của mình trong cách tuyển chọn để có được những sinh viên phù hợp, và sử dụng linh hoạt những cách tự quảng bá hiệu quả để thu hút sinh viên.

Một ví dụ điển hình là trong kỳ tuyển chọn ĐH, CĐ 2017, bằng sự nhạy bén và những cách thức rất riêng của mình, ĐH Bách khoa Hà Nội đã thu hút được 4 học sinh vừa đạt huy chương vàng Olympic quốc tế nhập học. Điều này không chỉ nâng cao vị thế của trường mà còn tạo ra hiệu ứng rất tích cực trong việc thu hút ngày càng nhiều những học sinh giỏi khác.

Còn đối với các thí sinh và phụ huynh, là khách hàng tương lai của các trường ĐH, CĐ, các bạn có quyền lựa chọn sản phẩm tốt nhất cho mình và hãy sáng suốt với lựa chọn của mình!

Tôi rất lạc quan về bức tranh đổi mới giáo dục đại học Việt Nam, và tôi tin rằng đổi mới sẽ dẫn đến những thay đổi tích cực toàn diện đối với nền giáo dục và khoa học của đất nước trong thế kỷ này, như cách mà Đổi Mới đã thay đổi hoàn toàn nền kinh tế xã hội trong thế kỷ trước.

[1] Webometrics, http://www.webometrics.info/en, là một bảng xếp hạng đại học có uy tín do không chịu ảnh hưởng của yếu tố thương mại, chính trị. Bảng xếp hạng này đánh giá 20.000 trường đại học trên thế giới dựa trên dữ liệu online và kết quả nghiên cứu của trường.

TS Vũ Thành Long (MIT)
Bình luận
vtcnews.vn