Điều này đã góp phần khiến cho dự án không thể vận hành như dự kiến và thua lỗ tới hơn 1.400 tỷ rồi phải tạm dừng.
Lỗ 1.472 tỷ, sai phạm trăm tỷ
Dự án Xơ sợi Đình Vũ Hải Phòng (PVTex) của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vừa bị Thanh tra Chính phủ “điểm mặt” hàng loạt sai phạm, thất thoát nhiều tỷ đồng trong quá trình đầu tư dự án.
Ngay từ khâu đầu tư xây dựng, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện, trong quá trình ký kết hợp đồng mua thiết bị, chủ đầu tư và nhà thầu đã không tuân thủ đúng quy định, thay đổi nguồn gốc, xuất xứ một số thiết bị.
Trong quá trình ký kết và hợp đồng thiết bị, chủ đầu tư và nhà thầu đã không tuân thủ đúng quy định của hợp đồng, thay đổi nguồn gốc xuất xứ một số thiết bị nhưng không thương thảo trước khi thay đổi. Bao gồm dây chuyền thiết bị kéo sợi dún từ Đức sang Trung quốc giá trị 11,3 triệu USD, tương đương hơn 200 tỷ,...
Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu chủ đầu tư báo cáo và tính toán việc thay đổi này.
Hơn nữa, trong quá trình triển khai thực hiện dự án, PVTex đã không tổ chức thẩm định, tính toán kỹ, tăng tổng mức đầu tư không đúng với chi phí, tính sai chi phí... trị giá khoảng 38,7 triệu USD, dẫn đến dự án bị đội vốn lên thành 363 triệu USD.
Cụ thể, việc đưa chi phí xây dựng không có cơ sở đã làm tăng tổng mức đầu tư gần 21,5 triệu USD. Tính chi phí lãi vay sai làm tăng tổng mức đầu tư thêm hơn 6,3 triệu USD. Một số chi phí khác không đúng quy định làm tăng mức đầu tư thêm gần 8 triệu USD.
Chưa hết, khi đã chọn được tổng thầu EPC cho dự án, thì việc hợp đồng thầu EPC ký bằng ngoại tệ, nhưng thanh toán bằng nội tệ đã làm PVTex thiệt hơn 46 tỷ đồng.
Ngoài ra, quá trình thực hiện, thi công dự án, chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị tư vấn giám sát đã nghiệm thu, thanh toán tăng sai, trùng lắp khối lượng so với hồ sơ số tiền hàng tỷ đồng.
Theo Thanh tra Chính phủ, kết quả sản xuất của dự án xơ sợi Đình Vũ từ chạy thử đến khi chính thức hoạt động đều liên tục lỗ. Cụ thể, năm 2012 lỗ hơn 21 tỷ đồng; năm 2013 lỗ 366 tỷ đồng và năm 2014 lỗ 1.085 tỷ đồng.
Tổng số lỗ trong 3 năm là 1.472 tỷ đồng.
Do lỗ nặng nên nhà máy chạy phập phù và nhiều lần phải 'đắp chiếu', đến cuối năm 2015 thì dừng hẳn.
Kiến nghị Bộ Công an xử lý hình sự
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) không phải là đơn vị duy nhất phải chịu trách nhiệm cho những sai phạm tại PVTex. Thanh tra Chính phủ kết luận, những thiếu sót, vi phạm trên Bộ Công Thương; HĐQT, Tổng giám đốc của PVN; Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) thời kỳ từ năm 2007 đến nay phải chịu trách nhiệm.
Bởi lẽ, PVTex ban đầu là sự hợp tác của Tập đoàn Dệt may Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Thế nhưng, cuộc “hôn nhân” đã nửa đường đứt gánh, Vinatex rời bỏ và để PVN gánh toàn bộ nhà máy mặc dù đây mới là đơn vị có nhiều kinh nghiệm về xơ sợi. Đây là việc làm thiếu trách nhiệm của Vinatex trong việc thực hiện chủ trương của nhà nước về phát triển ngành này.
Còn Bộ Công Thương thiếu trách nhiệm trong việc chỉ đạo triển khai, kiểm tra việc thực hiện mục tiêu, chiến lược, kế hoạch dài hạn đã được Thủ tướng phê duyệt đối với PVN, Vinatex.
Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành hữu quan xử lý về kinh tế 54 tỷ đồng và hơn 22.000 USD do nghiệm thu thanh toán sai, trùng lắp, đồng thời yêu cầu PVTex xử lý dứt điểm các tranh chấp do thay đổi nguồn gốc xuất xứ thiết bị, vật tư. Xử lý trách nhiệm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân tại Bộ Công thương, PVN và Vinatex vì đã thiếu trách nhiệm trong vai trò quản lý nhà nước, trong việc góp vốn, nhận góp vốn, chuyển nhượng không đúng quy định pháp luật.
Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ nhận định, quá trình thanh tra dự án đã phát hiện có dấu hiệu cố ý làm trái và thiếu trách nhiệm trong việc phê duyệt dự án, lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng với nhà thầu gây thất thoát, lãng phí vốn đầu tư.
Do đó, cơ quan này kiến nghị Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.
Bình luận