Vũ Thành Long, chàng trai Việt ngoài 30 tuổi đang là nhà khoa học nghiên cứu (research scientist) kiêm giảng viên (lecturer) Học viện Công nghệ Massachussets đang ấp ủ dự án về năng lượng mới cho quê hương.
- Là người luôn bận rộn với công việc, dịp Tết Nguyên Đán đối với anh có ý nghĩa như thế nào?
Tết Nguyên Đán bao giờ cũng là dịp để gia đình quây quần đầm ấm bên nhau, tưởng nhớ tổ tiên, thăm hỏi bạn bè người thân…
Với những người xa xứ như tôi, Tết còn là thời gian để nhớ nhiều nhất về nguồn cội, để hiểu rằng mình là người Việt Nam, quê hương của mình là ở Việt Nam.
- Đón Tết cổ truyền ở Mỹ có gì khác biệt so với việc quay quần bên gia đình ở Việt Nam?
Tết năm nay đã là cái Tết thứ 3 của gia đình tôi đón Tết trên đất Mỹ. Có một chút thiệt thòi là mọi người bên này thường vẫn phải đi làm vào dịp Tết, năm nay thì may mắn hơn là Tết vào đúng cuối tuần.
Tôi cũng thấy rất may mắn được sống ở vùng Boston nơi có khá đông người Việt, nên dịp Tết hàng năm vẫn tổ chức gói bánh chưng cùng nhau, rồi tham gia buổi gặp mặt của hội sinh viên Việt Nam và hội gia đình Việt Nam ở vùng Boston. Gia đình tôi cũng đi chùa cầu may trong năm mới nữa.
- Đón Tết cổ truyền nơi đất khách, gia đình anh có cầu kỳ trong việc chuẩn bị một cái Tết đầm ấm không?
Tôi có người vợ rất đảm đang và chu đáo. Mặc dù không cầu kỳ lắm, nhưng Tết nào vợ mình cũng chuẩn bị những món truyền thống đặc trưng của ngày Tết như: gói bánh chưng, làm chả giò, mọc, nấu măng miến…
Ngay lúc này thì mùi bánh chưng trên bếp, mùi thơm của hương lá mới… đang nồng nàn khắp căn nhà nhỏ.
- Kỷ niệm của anh trong quá khứ về ngày Tết như thế nào?
Ngày bé, tôi rất thích Tết. Vì Tết nào cũng được bố mua cho quần áo mới, được mẹ nấu cho những món ngon, được bố mẹ cho đi chúc Tết và nhận tiền mừng tuổi.
Nhớ nhất là ngồi xem bố gói bánh chưng, rồi một mình ngồi canh nồi bánh chưng cả buổi tối, và đặc biệt sung sướng khi được ăn những cái bánh chưng nho nhỏ còn nóng hổi mà bố gói riêng cho 2 chị em.
- Gần đây có ý kiến của GS Võ Tòng Xuân cho rằng nên đón Tết ta theo Dương lịch để giảm việc nhậu nhẹt và chơi dài trong những ngày Tết đồng thời không bỏ lỡ cơ hội giao thương với nước ngoài. Là một người đang học tập và sinh sống tại nước ngoài, anh suy nghĩ về vấn đề này như thế nào?
Mình tôn trọng ý kiến của GS Võ Tòng Xuân. Tuy nhiên, mình nghĩ là dù đón Tết ta theo Dương lịch hay Âm lịch thì cũng cần đặc biệt giữ gìn các phong tục truyền thống như gói bánh chưng, đón giao thừa, chúc Tết và thăm hỏi họ hàng…
Đó là những nét văn hóa riêng làm nên hồn Việt và cũng là sức hút của Việt Nam đối với thế giới mà mình nên gìn giữ.
Ngoài ra, quan điểm của mình là làm hết sức, chơi hết mình. Bởi vậy nên thay vì dành nhiều thời gian nghĩ cách thay đổi lịch Tết hoặc giới hạn ngày nghỉ Tết thì nên nghĩ cách làm sao để hàng ngày mọi người làm việc hiệu quả hơn, có nhiều động lực làm việc hơn.
- Năm 2016 có được coi là năm thành công của riêng anh? Những dự định nào trong năm qua khiến anh còn tiếc nuối.
Năm 2016 là một năm có nhiều may mắn đối với mình, mình gặp được những người bạn, người anh mà mình coi như những người thầy đã hết lòng giúp đỡ mình và mình cũng học hỏi được nhiều thứ. Mình không tiếc nuối điều gì cả.
- Việc đứng ra tổ chức thành công “Hội nghị quốc tế về công nghệ năng lượng bền vững” (The 4th IEEE International Conference on Sustainable Energy Technologies - ICSET 2016) tại Hà Nội có ý nghĩa gì đối với anh?
ICSET2016 là hội nghị quốc tế đầu tiên mình tham gia tổ chức ở Việt Nam nên mình đã dành rất nhiều tâm huyết. Bọn mình được nhiều người giúp đỡ và mình đã may mắn đưa được về những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng.
Điều ý nghĩa nhất với mình là Hội nghị đã góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra quốc tế, và đã tạo ra những cầu nối nhỏ thúc đẩy hợp tác giữa các trường đại học và nhà nghiên cứu của Việt Nam với các nhà khoa học có tên tuổi trên thế giới.
Trong năm 2017 này mình sẽ vẫn tiếp tục công việc xây dựng những cây cầu nhỏ như vậy.
Xin cảm ơn anh!
Video: Hồ Quỳnh Hương trang hoàng nhà đón Tết
Bình luận