Nhà khoa học phải 'hai không': Không sợ và không thành cái bóng của người khác

Tin tức - Sự kiệnThứ Năm, 22/04/2021 14:08:00 +07:00
(VTC News) -

Nghiên cứu đôc lập vô cùng quan trọng trong giới khoa học, muốn được như thế nhà khoa học trẻ phải không biết sợ và không trở thành cái bóng của người khác.

Sáng 22/4, chia sẻ tại buổi tọa đàm chủ đề từ nhà khoa học trẻ đến nhà khoa học có thể làm việc độc lập cần chuẩn bị những gì ở Đại học Quốc gia Hà Nội, theo TS Phan Quang Anh, chuyên ngành nghiên cứu truyền thông và phương tiện truyền thông tại Đại học Quốc gia Singapore nhấn mạnh, người làm khoa học phải có hai cái không. Đó là không sợ và không trở thành cái bóng của người khác.

“Nghiên cứu sinh, nhà khoa học không được hồ nghi chuyên ngành đào tạo và khả năng của mình, đó là không sợ. Bên cạnh đó các bạn cũng không nên trở thành cái bóng của người khác tức là cần đến nhiều người hướng dẫn. Điều gì mình có thể tự mình làm được thì nên làm”, TS Phạm Quang Anh chia sẻ.

Nhà khoa học phải 'hai không': Không sợ và không thành cái bóng của người khác - 1

PGS Nguyễn Trần Thuật, trung tâm Nano và Năng lượng, Đại học Quốc gia Hà Nội.

PGS Nguyễn Trần Thuật, trung tâm Nano và Năng lượng, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, chủ đề nghiên cứu độc lập trong khoa học mang nhiều ý nghĩa và gắn liền với thực tiễn.

Hiện các nghiên cứu sinh có thể tự lên ý tưởng và nghiên cứu, nhưng trong quá trình làm việc họ sẽ gặp nhiều khó khăn do không thể độc lập, tự chủ trong nghiên cứu. Do vậy PGS Nguyễn Trần Thuật kỳ vọng buổi hội thảo sẽ mang đến những kiến thức và kinh nghiệm cần thiết cho các nghiên cứu sinh, nhà khoa học trẻ.

TS Phạm Hùng Hiệp, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành tại Đại học Phú Xuân, đặt câu hỏi, thế nào là nhà khoa học trẻ? Từ trẻ ở đây chỉ tuổi đời hay tuổi nghề. Với những nhà khoa học có tuổi nghề nghiên cứu chưa nhiều nên đặt mục tiêu làm việc theo nhóm và hướng nghiên cứu, ý tưởng rõ ràng.

“Để nhà khoa học trẻ có thể nghiên cứu độc lập họ cần chắc chắn về chuyên môn và kinh nghiệm, từ đó mới theo đuổi hướng nghiên cứu của mình”, TS Phạm Hùng Hiệp nói.

Nhà khoa học phải 'hai không': Không sợ và không thành cái bóng của người khác - 2

TS Phạm Hùng Hiệp chia sẻ kinh nghiệm trong hội thảo.

TS Trần Quang Tuyến, giảng viên khoa Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, nghiên cứu sinh muốn nghiên cứu những cái mới thì cần tìm tòi chủ đề chưa có và tiếp tục phát triển chủ đề đó.

Quá trình này đòi hỏi sức sáng tạo, học hỏi không ngừng nghỉ. Nhà khoa học phải đứng trên khía cạnh đời sống để trả lời và giải quyết những cái mà xã hội đang thiếu.

 

Ngô Xuyến
Bình luận
vtcnews.vn