Đường điện cao thế theo đó sẽ được lắp đặt xung quanh trang trại lợn khoảng 2.000 con ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên. Các nhà khoa học kỳ vọng việc lắp đặt sẽ tạo ra một điện trường có thể làm sạch không khí, hạn chế hoặc diệt trừ sự lây lan virus tả lợn châu Phi.
Theo Liu Binjiang, nhà khoa học đưa ra đề xuất này, ông và các cộng sự sẽ tạo ra một điện trường 50 kilovolt. Ông Liu tin rằng mức điện áp cao như vậy có thể giúp phá vỡ các hóa chất tạo ra mùi khó chịu như amoniac, tiêu diệt vi trùng, tạo ra các hạt tích điện âm trong không khí liên kết và với các hóa chất gây ô nhiễm để biến chúng thành vô hại.
Mặc dù duy trì mức điện áp cao nhưng điện trường được tạo ra không gây hại cho động vật hoặc con người.
"Điện là một trong những cách cải thiện điều kiện sống cho vật nuôi. Chúng tôi vẫn còn một danh sách dài những việc cần làm", ông Liu cho hay.
Theo ông Lưu, thử nghiệm đường điện cao thế của ông đã cho kết quả rất khả quan ở trang trại tỉnh Hồ Bắc, một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch tả lợn châu Phi ở Trung Quốc. Cụ thể, không một con lợn nào trong trang trại này chết vì virus.
Trung Quốc phát hiện trường hợp lợn nhiễm dịch đầu tiên vào tháng 8/2018 tại Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh. Kể từ đó, gần như tất cả các tỉnh của quốc gia tỷ dân đều bị dịch bệnh này tấn công.
Cơn bão dịch làm chết gần một nửa đàn lợn của Trung Quốc, đẩy giá thịt lợn tăng vọt, gây ra một cuộc khủng hoảng thịt lợn chưa từng có. Chuyên gia thú y Li Defa của Trung Quốc ước tính virus tả lợn châu Phi gây thiệt hại 143 tỷ USD với nền kinh tế Trung Quốc. Cuộc khủng hoảng thịt lợn cũng làm suy yếu sức mạnh của Trung Quốc trong các cuộc đàm phán thương mại với các nước khác, bao gồm Mỹ.
Nhà phân tích Brett Stuart, chủ tịch Công ty tư vấn Global AgriTrends thậm chí còn dự đoán Bắc Kinh có thể mất tới 10 năm để khôi phục đàn lợn sau đợt dịch khủng khiếp này.
Bình luận