Vào cuối tuần qua, cuộc họp mặt của một hội đồng hương Việt Nam đã diễn ra tại một nhà hàng với 300 chỗ ngồi, mà nhà hàng này không có giấy phép hoạt động. Những bài tường thuật với hình ảnh đăng trên hai tờ báo mạng Việt Nam cho thấy nhà hàng này chứa đầy khách. Đây là nhà hàng chuyên tổ chức sự kiện có tên là Kinh Đô nằm trong nhà lồng chợ (Halle 18) của khu chợ Đồng Xuân, mà như VTC-News đã tường thuật, nhà lồng chợ đã bắt đầu hoạt động từ 6 tháng nay nhưng không có giấy phép.
Bà Birgit Monteiro (thuộc đảng SPD), nghị viên quận Lichtenberg phụ trách xây dựng đã ra một lệnh mới phạt tiền một lần nữa. Nếu nhà hàng này và việc tổ chức sự kiện vẫn tiếp tục hoạt động, bà Monteiro nói với tờ Neues Deutschland (Nước Đức mới), thì "chúng tôi sẽ áp đặt mức tiền phạt tiếp tục cao hơn nữa. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy với mức tiền phạt ngày càng tăng cho đến khi lệnh cấm được đáp ứng“. Bà cho là "người chủ sau khi cân nhắc sẽ đi đến kết luận rằng với những số tiền phạt này thì không còn hiệu quả kinh tế nữa“, và sau đó tự mình sẽ ngừng hoạt động trái phép. Hiện không có dự kiến sẽ sử dụng cảnh sát và cơ quan trật tự, bà Monteiro cho biết.
Nhưng biện pháp phạt tiền dường như không mang đến kết quả, ngoại trừ ngân quỹ của quận thu được thêm tiền. Bởi vì nhiều khách hàng của chợ Đồng Xuân đã nói với tờ Neues Deutschland rằng người chủ đã tính toán kỹ. Ngay cả khi bị phạt 100.000 euro, theo các khách hàng, doanh thu từ hoạt động bất hợp pháp này vẫn còn cao hơn số tiền phạt, và bởi vậy nó đáng được tiếp tục kinh doanh. Người chủ đã không trả lời câu hỏi của tờ Neues Deutschland.
Lý do cấm nhà hàng, quán ăn và cấm tổ chức sự kiện là do luật quy hoạch. Trung tâm Đồng Xuân nằm trong khu công nghiệp. Quận Lichtenberg tin rằng việc sử dụng để hoạt động văn hóa và kinh doanh ẩm thực sẽ đẩy giá thuê hãng xưởng xung quanh đường Herzbergstraße tăng cao. Khi đó, những chủ hãng xưởng sẽ không còn có khả năng tồn tại ở đây với ngành công nghiệp sản xuất.
Vậy là quận Lichtenberg muốn giữ vùng xung quanh đường Herzbergstraße như một khu công nghiệp và sản xuất để có thể duy trì những công ăn việc làm sẵn có và tạo ra những chỗ làm mới.
Khác với tờ Neues Deutschland, ông chủ chợ Đồng Xuân đã nói chuyện với báo chí truyền thông của tập đoàn Dumont. Ở đó, ông kể về những kế hoạch tiếp tục phát triển khu chợ châu Á này để trở thành một địa điểm văn hóa và cư ngụ của người Việt Nam. Bà Birgit Monteiro nói ngắn gọn: "Những kế hoạch này là không thực tế".
Nhà Đồng Xuân chết trong trứng nước
Tờ nhật báo Đức Berliner Kurier của tập đoàn Dumont nêu trên đã được chủ chợ Đồng Xuân, ông Nguyễn Văn Hiền (61 tuổi), cho biết rõ hơn về kế hoạch “mở rộng đế chế của mình và tạo ra một Khu phố châu Á (Asia Town)“, - gọi là Khu phố Việt Nam thì đúng hơn- gồm có một nhà máy sản xuất mì, một khách sạn, một nhà chọc trời (cao 10 tầng hoặc thậm chí 20 tầng) trong đó gồm những căn hộ cho thuê, và một nhà văn hóa với hội trường chứa tới 1.000 người để tổ chức triển lãm, hội chợ và các sự kiện (buổi lễ, tiệc tùng, trình diễn ca múa v.v.). Nhà văn hóa này được đặt tên là Nhà Đồng Xuân, được xây 2 tầng với phí tổn xây dựng dự trù lên tới 10 triệu Euro, có thể nhiều hơn nữa và dự trù đến năm 2020 sẽ hoàn thành.
Nhưng sau khi đăng bài báo tường thuật về kế hoạch trên vào ngày 18/01/2019, thì tờ Berliner Kurier lại vội đăng một bài báo đính chính vào ngày 22/01/2019, vì bà Birgit Monteiro (Nghị viên Hội đồng quận Lichtenberg, phụ trách về xây dựng) cảnh báo Nhà văn hóa sẽ khó được cấp phép sử dụng. "Chính quyền thành phố Berlin có chính sách giữ khu vực này như một khu công nghiệp đặc biệt", bà Monteiro cho biết. Theo quan điểm của bà, các sự kiện văn hóa không có gì chung với ngành công nghiệp.
Chính quyền quận Lichtenberg kiên quyết cứng rắn
Cũng liên quan đến việc tổ chức các sự kiện, bài báo của tờ Berliner Kurier đề cập đến Halle 18 mới xây vào năm 2018. "Nhà lồng chợ này (Halle 18) được cho phép hoạt động bán buôn (bán sỉ), không phải cho các buổi lễ tiệc tùng và sự kiện mà chúng tôi đã xác định được ở đó khi kiểm tra nhà hàng", bà Monteiro nói. “Không thể có chuyện chúng tôi cứ bắt phạt, còn chủ chợ cứ nộp tiền và lại tiếp tục mở tiệc tùng". Ông Hiền giải thích ngược lại: "Tôi có giấy phép cần thiết cho Halle này. Tôi biết rằng không có giấy phép thì không thể làm gì được, nếu không thì tôi không thể thực hiện ngay kế hoạch xây dựng của mình".
Về những căn hộ mà ông Hiền chủ chợ Đồng Xuân lên kế hoạch cho Khu phố châu Á (Asia Town) của mình, bài báo của tờ Berliner Kurier cho biết, một tòa nhà chọc trời sẽ được xây dựng ở gần đường Bernhard-Bästlein-Straße bên cạnh một siêu thị. Liệu quận có cấp giấy phép trên đất của nhà máy công nghiệp bỏ hoang hay không vẫn còn là câu hỏi. "Người ta phải quyết định xem người ta muốn hoạt động công nghiệp hay xây dựng căn hộ trên khu vực này", bà Monteiro nói.
Còn về kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất mì thì ông Hiền không cần phải lo lắng gì. Hoạt động công nghiệp sản xuất thì hoàn toàn phù hợp với quy hoạch của quận.
Bài báo của tờ Berliner Kurier kết thúc với vấn đề chợ Đồng Xuân mở cửa vào Chủ nhật hàng tuần. "Bởi vì chợ châu Á này chủ yếu phục vụ các nhà bán buôn (nhà bán sỉ), nên nó được phép mở cửa vào Chủ nhật hàng tuần. Nhưng vào những ngày này cũng có những khách hàng mua lẻ được phục vụ, như phóng viên tờ Berliner Kurier nhận thấy vào chủ nhật tuần trước. Mặc dù có sự kiểm soát nhưng chính quyền quận dường như bất lực để chống lại sự việc này. Ông Hiền chủ chợ Đồng Xuân muốn tìm một giải pháp với quận trong vấn đề này“.
Bình luận