• Zalo

Nhà giàu mới nổi khiến loạt tỷ phú Việt bật bãi

Kinh tếThứ Tư, 24/09/2014 07:55:00 +07:00Google News

Chỉ chưa tới 3 tháng sau khi lên sàn, đại gia mới nổi Nguyễn Đức Tài đã lọt vào tốp 10 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán.

Chỉ chưa tới 3 tháng sau khi lên sàn, đại gia mới nổi Nguyễn Đức Tài đã lọt vào tốp 10 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán, vượt lên trên những tên tuổi lừng lẫy như Trương Gia Bình, Hồ Hùng Anh, Trần Kim Thành, Đặng Thành Tâm...

Đại gia giấu tiền riêng

Sau 2 phiên tăng trần liên tiếp, ngày 23/9 cổ phiếu MWG của CTCP Đầu tư Thế giới di động tiếp tục tăng thêm 2,3% lên 179.000 đồng/cp. Mức giá này cao gấp hơn 2,6 lần so với giá chào sàn hôm 14/7.

Sự bứt phá của cổ phiếu MWG vượt khá xa kỳ vọng của nhiều người. Trước đó, không ít nhà đầu tư cho rằng mức giá chào sàn dự kiến ban đầu 85.000 đồng/cp là cao và MWG đã điều chỉnh xuống chỉ còn 68.000 đồng/cp.

đại gia, Nguyễn Đức Tài, thế giới di động, Đặng Thành Tâm
Đại gia Nguyễn Đức Tài, thế giới di động, Đặng Thành Tâm 

Gần 630 triệu cổ phiếu MWG tổng mệnh giá 630 tỷ đồng giờ đây đã có vốn hóa lên gần 11.000 tỷ đồng. Kết quả, cả chục cổ đông của DN này trở thành triệu phú, trong đó có 4 cổ đông sáng lập là Nguyễn Đức Tài, Trần Lê Quân, Trần Huy Thanh Tùng, và Điêu Chính Hải Triều. Cả 4 cổ đông này đều có giá trị cổ phiếu tương đương từ khoảng 500 tỷ đồng trở lên và lọt tốp 40 người giàu nhất trên TTCK tập trung của Việt Nam.


Riêng chủ tịch kiêm CEO Nguyễn Đức Tài có trên 1.800 tỷ đồng, còn ông Trần Lê Quân có tài sản trên 1.500 tỷ đồng.

Với khối tài sản khổng lồ này, ông Nguyễn Đức Tài nắm chắc vị trí thứ 7, trong khi ông Trần Lê Quân ở vị trí thứ 10, đẩy ông Hà Văn Thắm (OGC), Dương Ngọc Minh (Thủy sản Hùng Vương) và Trương Gia Bình (FPT) lần lượt xuống vị trí 11, 12 và 13.

Tuy vậy, trên thực tế, cả 4 doanh nhân mới nổi nói trên đều không có mặt trong tốp 50 bởi họ đều đã đều chuyển một lượng lớn cổ phiếu sang cho công ty riêng đứng tên.

Ông Tài chỉ còn nắm hơn 1,3 triệu cổ phiếu (công ty riêng nắm 9,1 triệu); ông Tùng nắm hơn 800 nghìn cổ phiếu (người thân và DN riêng nắm 2,3 triệu cp); ông Quân nắm gần 800 nghìn cổ phiếu (DN riêng nắm hơn 6,8 triệu cp); ông Triều nắm hơn 630 nghìn cp (vợ và DN riêng nắm 2,6 triệu cp).

Theo số cổ phần đứng đúng tên, cả 4 doanh nhân có độ tuổi rất trẻ, từ 34-45 này chỉ nằm trong nhóm tốp từ 70-150 người giàu nhất trên sàn.

Kiếm dễ từ bán lẻ di động

Tốc độ tăng giá mỗi tháng thêm suýt soát 100% như trong gần 3 tháng qua của cổ phiếu MWG là một hiện tượng hiếm gặp trên TTCK. Nó cũng là một ví dụ về một trong những cách trở thành triệu phú USD nhanh nhất hiện nay.

Từ mức vốn 7,6 tỷ đồng năm 2009, MWG hiện có vốn hơn 627 tỷ đồng và doanh thu 8 tháng đầu năm đã đạt gần 9.600 tỷ đồng. Hôm 22/9 MWG cũng đã công bố phát hành thêm 43,9 triệu cp từ nguồn vốn thặng dư để tăng vốn lần thứ 7 lên 1.066 tỷ đồng.

Trong khi các ông chủ đang bay bổng hướng tới việc thống lĩnh trong lĩnh vực phân phối điện thoại thì không ít nhà đầu tư cảm thấy lo lắng về chính tốc độ tăng quá nhanh của DN này.

Chiến lược chiếm lĩnh thị phần, giành lấy vị trí dẫn đầu cuộc chơi thường đúng đắn. Tuy nhiên, điều lo ngại nằm ở chỗ, quá trình tăng trưởng của Thế giới di động cũng như mức tăng giá của MWG là rất nhanh. Trong khi, triển vọng về dài hạn chưa hẳn đã sáng sủa.

Theo đánh giá của FPTS, hiệu quả kinh doanh của MWG cao, nhờ nhu cầu tiêu thụ mặt hàng điện thoại di động tăng mạnh. Nhưng, cũng theo CTCK này, nhu cầu các thiết bị di động là có giới hạn và đã gần tiệm cận ngưỡng bão hòa. Theo đó, năm 2014 đã là năm tăng trưởng đỉnh điểm của MWG và doanh nghiệp đã bắt đầu bước sang giai đoạn tăng trưởng thấp từ năm 2015 trở đi.

Đại diện của MWG cũng đã chia sẻ, MWG lên sàn không phải để đáp ứng nhu cầu huy động vốn mà chủ yếu chỉ để giúp cổ đông lớn thoái vốn dễ dàng. Theo FPTS, các cổ đông lớn như Mekong Capital sau một thời gian dài đầu tư vào MWG cũng đã đến thời điểm cần hiện thực hóa lợi nhuận và kết thúc chu kỳ đầu tư. Và khi các ông lớn ngoại này ra đi, số phận MWG và Thế giới di động sẽ ra sao.

Chính tốc độ tăng trưởng như vũ bão về mạng lưới của DN này cũng như cổ phiếu MWG khiến nhiều người lo ngại rủi ro tăng trưởng nóng. Trong một môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, nếu nhu cầu tiêu thụ giảm, điều gì sẽ xảy ra?

Trong vài năm gần đây, cuộc cạnh tranh trên thị trường di động và điện máy nói chung cũng rất khốc liệt với sự rút lui hoặc thu gọn của rất nhiều đơn vị như WonderBuy, Best Carings, Việt Long, Pico... Các DN này cũng đã khá tin tưởng vào thị trường bán lẻ đầy tiềm năng của Việt Nam và ồ ạt mở các siêu thị với mong muốn xây dựng một đế chế bán lẻ điện máy tại Việt Nam nhưng rồi sụp đổ.

Một số nhà đầu tư cho biết, họ kỳ vọng vào các DN bán lẻ bởi thị trường này tại Việt Nam còn nhiều tiềm năng. Tuy vậy, MWG hiện chỉ hoạt động tập trung vào phân phối điện thoại. Việc mở rộng sang điện máy không hề dễ dàng bởi sự cạnh tranh khốc liệt.

Về tương lai, nếu sức cầu trên thị trường điện thoại suy giảm, MWG có thể bị ảnh hưởng. Đặc biệt, chi phí thuê hàng trăm siêu thị cùng chi phí nhân viên tăng mạnh là các thách thức trong tương lai đối với MWG. Với mức giá gần 180.000/cp như hiện tại, nếu thuận lợi, chỉ số P/E dự phóng của MWG năm 2014 cũng đã lên tới khoảng 20 lần, tức 20 năm nhà đầu tư mới hoàn vốn. Mức P/E này cao gấp gần 2 lần so với một số DN trong nước và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực này như PET, FPT, Best Buy. Đó chính là rủi ro cho ai đầu tư vào MWG.

Theo Vietnamnet
Bình luận
vtcnews.vn