• Zalo

‘Nhà giàu’ Metro: Nợ cao gấp… 40 lần vốn

Kinh tếThứ Năm, 16/10/2014 11:38:00 +07:00Google News

(VTC News) – Mang danh nhà giàu khi được rót hàng trăm tỷ đồng mỗi năm nhưng Metro Việt Nam lại có khoản nợ cao gấp 40 lần vốn chủ sở hữu.

(VTC News) – Mang danh nhà giàu khi được rót hàng trăm tỷ đồng mỗi năm nhưng Metro Việt Nam lại có khoản nợ cao gấp 40 lần vốn chủ sở hữu.

Nợ cao gấp 40 lần vốn chủ sở hữu

Công ty TNHH Metro Cash & Carry Việt Nam (Metro Việt Nam) được xem là một trong những nhà phân phối thâm nhập thị trường Việt Nam sớm nhất. Đầu tiên, Metro Việt Nam hoạt động với số vốn đầu tư ban đầu là 78 triệu USD để mở siêu thị đầu tiên tại Tp.HCM.

Sau 12 năm hoạt động và không ngừng mở rộng hệ thống, hiện Metro Việt Nam có 19 trung tâm tại 14 tỉnh thành. Để quy mô phát triển nhanh, mạnh, Tập đoàn Metro không ngừng rót vốn vào Metro Việt Nam.

Vốn đầu tư của Metro Việt Nam không được cập nhật thường xuyên nhưng theo BJC, đơn vị vừa mua lại Metro Việt Nam, ngày 30/09/2013, Metro Việt Nam có vốn điều lệ 1.912 tỷ đồng. Doanh thu 3 năm gần nhất của Metro Việt Nam luôn đạt xấp xỉ 14.000 tỷ đồng.

metro Việt nam
Nợ tại Metro Việt Nam cao gấp 40 lần vốn chủ sở hữu (Ảnh: Báo Đất Việt) 

Những con số này đã “vẽ” lên hình ảnh một nhà giàu mang tên Metro Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, Metro Việt Nam lại là con “nợ” khủng. Những khoản vay từ một số ngân hàng của Metro Việt Nam lên tới 4.650 tỷ đồng, cao gấp… 40 lần vốn chủ sở hữu và cao gấp 2,4 lần vốn điều lệ.

Cụ thể, Metro Việt Nam ước tính tại thời điểm 31/12/2013, tổng số nợ của công ty này là 4.650 tỷ đồng, bao gồm 4.855 tỷ đồng nợ tài chính và khoản giảm trừ khoảng 205 tỷ đồng.

Việc các doanh nghiệp lớn sở hữu khoản nợ “khủng” không còn là điều đáng ngạc nhiên.

Tuy nhiên, điều đáng nói ở chỗ tổng nợ của Metro Việt Nam gấp hơn 40 lần vốn chủ sở hữu. Cụ thể, năm 2013, vốn chủ sở hữu của Metro Việt Nam chỉ đạt 116,42 tỷ đồng, nhỏ hơn rất nhiều khoản nợ 4.650 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu năm 2013 của Metro Việt Nam khá khiêm tốn vì năm 2012, công ty này thua lỗ 356,90 tỷ đồng. Khoản lỗ nặng nề này đã “ăn mòn” vốn chủ sở hữu. Dù vậy, con số 116,42 tỷ đồng vẫn rất lớn nếu so với năm 2011. Năm 2011, Metro Việt Nam bết bát tới mức vốn chủ sở hữu âm tới 23,08 tỷ đồng.

Nợ tại Metro Việt Nam có nhiều vấn đề cần lưu tâm. Một trong những vấn đề đó là việc Metro Việt Nam phải nộp tiền bảo lãnh vay cho Tập đoàn Metro. Hiện tại, phần lớn các khoản vay ngắn hạn đều được Tập đoàn Metro bảo lãnh với phí bảo lãnh 0,25% tới 0,35% mỗi năm. 

Hiện tại, Metro Việt Nam đang có mong muốn cắt giảm nợ nần. Metro Việt Nam cho biết công ty này có kế hoạch sẽ trả 2.400 tỷ đồng trong năm 2014 và 2015. Trong năm 2015, Metro kỳ vọng sẽ thanh toán 100% nợ cho SMBC – ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corp. Metro Việt Nam đang nợ SMBC 30 triệu USD (trên 620 tỷ đồng).

Có đáng báo động?

“Với khoản nợ cao gấp 40 lần vốn chủ sở hữu, rõ ràng, tình hình tài chính tại Metro Việt Nam không ‘đẹp’ như dư luận vẫn tưởng về công ty này”- Một kiểm toán viên của một công ty nước ngoài nhận xét.

Theo vị kiểm toán này đánh giá, với các chỉ số như vậy, tình hình tài chính của Metro Việt Nam không phải không có rủi ro. Với khoản nợ khổng lồ, khi đến hạn thì không biết lấy đâu ra trả nợ. Vì vậy, áp lực thanh toán tương đối lớn.

Trong đó, áp lực nợ ngắn hạn cao hơn nợ dài hạn. Các khoản nợ ngắn hạn thường có kỳ hạn vài tháng. Tổng nợ ngắn hạn của Metro Việt Nam tại HSBC, Citbank và DEU lên tới 670,5 tỷ đồng. Con số này quá lớn so với tiền mặt chỉ hơn 81 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2013.

Tuy nhiên, theo chuyên viên kiểm toán công ty nước ngoài trên, vẫn cần xem xét nhiều yếu tố khác để đánh giá khoản nợ “khủng” của Metro Việt Nam. Đầu tiên đó là luồng tiền. Dù thua lỗ nhưng nếu luồng tiền dương thì Metro vẫn dễ dàng thu xếp trả nợ trong ngắn hạn.

Bên cạnh đó, Metro là tập đoàn bán lẻ, có lượng khách đông, hàng tiêu thụ nhanh nên luồng tiền chuyển động nhanh. Sau khi bán hàng, Metro có thể thu ngay tiền của khách. Ngoài ra, các nhà phân phối còn có lợi thế nợ nhà cung cấp trong khoảng 30 ngày.

Ví dụ, trong những năm gần đây, doanh thu  của Metro đạt bình quân 14.000 tỷ đồng/năm. Tính trung bình, Metro Việt Nam thu về khoảng 38,35 tỷ đồng mỗi ngày. Luồng tiền này có thể dễ dàng giải tỏa áp lực nợ ngắn hạn.

“Với luồng tiền mạnh như vậy, Metro lại đi vay rất nhiều nên tôi thấy rất ngạc nhiên. Dù vậy, với khoản nợ ngắn hạn lớn, Metro vẫn có những rủi ro nhất định” – chuyên viên kiểm toán nhận xét.

Không chỉ khiến dư luận “ngạc nhiên” vì sở hữu khoản nợ khổng lồ, Metro Việt Nam còn “được” báo chí “ưu ái” nhắc đến nhiều khi thua lỗ triền miên. Mặc dù nghi án chuyển giá, trốn thuế của Metro Việt Nam chưa được khẳng định nhưng với các chỉ tiêu đáng “ngạc nhiên” như nợ “khủng”, chi phí nộp cho công ty mẹ quá lớn,… khiến dư luận không khỏi băn khoăn.

Chính vì vậy, mới đây, ngành thuế vừa có quyết định thanh tra đối với một số doanh nghiệp FDI liên tục báo lỗ, trong đó có Metro Việt Nam.

Bảo Linh

Bình luận
vtcnews.vn