Ông Hải cho biết có khoảng 80 nhà đầu tư nước ngoài đã được VPBank và Bản Việt tiếp cận để giới thiệu về tiềm năng đầu tư vào VPBank, và gần như tất cả đều đặt mua. Số tiền mà các nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng chi ra để đầu tư vào VPBank được ông Hải nhận xét là “chưa từng có tiền lệ trong hệ thống ngân hàng Việt Nam", kể cả thời điểm cổ phiếu ngân hàng “hot” như nhiều năm trước đây.
Thông tin về 80 nhà đầu tư cũng được ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank, xác nhận tại buổi hội thảo. Đồng thời, ông Vinh cũng cho biết mức giá mà các nhà đầu tư ngoại chấp thuận mua là 39.000 đồng/cổ phiếu, một mức giá mà ông cho là “hợp lý”.
Theo ông Vinh, ban lãnh đạo của ngân hàng cũng cũng khá bất ngờ khi có những nhà đầu tư nước ngoài đàm phán và sẵn sàng trả mức giá cao hơn nữa để mua thêm. Nhu cầu đầu tư vào VPBank thực tế đã cao hơn 4 lần so với dự kiến ban đầu của ngân hàng, và buộc ban lãnh đạo ngân hàng phải thuyết phục các cổ đông hiện hữu bán bớt cổ phiếu cho các nhà đầu tư ngoại.
Thành lập từ năm 1993, nhưng VPBank mới chỉ thực sự vươn lên từ năm 2012 và trở thành một trong những ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất tại Việt Nam. Tính đến quý 2 năm 2017, VPBank có tổng tài sản hơn 248.000 tỷ đồng, và vốn chủ sở hữu khoảng 19.500 tỷ đồng. Xét về hai chỉ số này, VPBank vẫn chỉ đứng thứ 8 về tổng tài sản và thứ 6 về vốn chủ sở hữu. Nhưng đây lại là ngân hàng hoạt động hiệu quả nhất, có chỉ số sinh lời tốt nhất hệ thống hiện nay.
Tại thời điểm năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) của VPBank là quanh 27 – 28%, gấp trên dưới 4 lần so với của 3 ngân hàng lớn nhất là Vietcombank, BIDV và VietinBank và gấp cả chục lần so với các ngân hàng khác. Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) của VPBank cũng là mức cao nhất. Tổng hợp số liệu từ báo cáo năm 2016 cho thấy ROA của ngân hàng này khoảng 1,7%. Với kết quả kinh doanh đạt được sau quý II năm 2017, VPBank đã trở thành ngân hàng có lợi nhuận cao thứ tư tại thị trường Việt Nam, chỉ đứng sau BIDV, Vietcombank và Vietinbank, trong khi tổng tài sản và vốn chủ sở hữu thấp hơn nhiều lần.
Ông Digvijay Singh, trưởng phòng cao cấp của Bản Việt, nhận định rằng không đối thủ nào sánh được với VPBank trên các thị trường cận biên thế giới và khu vực về khả năng sinh lời, tăng trưởng và vốn. Thậm chí ông còn cho rằng VPBank nằm trong số các ngân hàng tăng trưởng mạnh nhất trên các thị trường cận biên của thế giới và khu vực Đông Nam Á.
Có lẽ chính điều đó đã tạo ra sức hấp dẫn của VPBank với các nhà đầu tư nước ngoài, khiến các nhà đầu tư sẵn sàng mua với mức giá khá cao là 39.000 đồng/cổ phiếu.
Ông Nguyễn Đức Vinh cho rằng mức giá đó hoàn toàn do thị trường quyết định, và các nhà đầu tư ngoại một khi đã chấp nhận mức đó đều có lý do của họ.
“Trước khi quyết định mua, nhà đầu tư chất vấn từng lãnh đạo phụ trách các khối, bộ phận riêng lẻ; tiếp xúc các lãnh đạo cấp cao của ngân hàng. Và sau nhiều cuộc giải đáp, thương thảo, VPBank cũng nhận thêm được những góp ý, chất vấn sau khi các nhà đầu tư sử dụng các kênh đánh giá chuyên nghiệp” - ông Vinh kể lại quá trình tiếp xúc với nhà đầu tư nước ngoài.
Trong thời gian tới, ông Vinh cho biết, VPBank sẽ thực hiện đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho một số nhà đầu tư. Điều này sẽ giúp VPBank có thể tăng thêm 6.000 tỷ đồng vốn điều lệ. Với số tiền đó, VPBank sẽ có đủ vốn để thực hiện các kế hoạch và chiến lược mới trong vòng 2 năm tới mà không cần nghĩ tới việc phải đi huy động thêm.
Vào ngày 17/8 tới đây, VPBank cũng sẽ chính thức niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán HoSE, với mức giá tham chiếu là 39.000 đồng/cổ phiếu. Ở mức giá đó, VPBank sẽ là ngân hàng cổ phần thương mại có vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán, đạt xấp xỉ 52.000 tỷ đồng.
Bình luận