Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, tăng vốn, góp vốn mua cổ phần tính đến ngày 20/3 đạt 10,31 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 4,1 tỷ USD, tăng 6,5%.
Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài ghi nhận trong 3 tháng qua, có 234 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, giảm 69,1% so với cùng kỳ; tổng vốn đăng ký đạt 7,2 tỷ USD, tăng 30,6% so với cùng kỳ 2020.
Nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành-lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 5 tỷ USD, chiếm 49,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư 3,9 tỷ USD, chiếm 38,9% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ với tổng vốn đăng ký đạt 600 triệu USD và trên 167 triệu USD. Còn lại là các lĩnh vực khác.
Trong quý I, Việt Nam đã cấp chứng nhận đầu tư mới và điều chỉnh vốn cho khá nhiều dự án quy mô lớn. Trong đó, dự án lớn nhất là Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore), với tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD. Tiếp đến là dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản) với tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỷ USD tại Cần Thơ.
Ngoài ra còn các dự án như LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 750 triệu USD, chế tạo lốp xe Radian (Trung Quốc) tại Tây Ninh điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm hơn 312 triệu USD.
Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy trong 3 tháng đầu năm, Singapore là nước đổ nhiều vốn FDI nhất vào Việt Nam với gần 4,6 tỷ USD, thứ hai là Nhật Bản với gần 2,1 tỷ USD, Hàn Quốc đứng thứ 3 với 1,2 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI kể cả dầu thô ước đạt 58,59 tỷ USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ, chiếm 76,4% kim ngạch xuất khẩu.
Trong khi nhập khẩu của khu vực này ước đạt 49,8 tỷ USD, tăng 30,3% so cùng kỳ và chiếm 66,8% kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Tính chung trong 3 tháng đầu năm 2021, khu vực FDI xuất siêu gần 8,8 tỷ USD kể cả dầu thô.
Bình luận