Trong báo cáo thường niên về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam năm 2023, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE, thông tin: "Về môi trường đầu tư, các tổ chức quốc tế và nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đánh giá cao môi trường đầu tư của Việt Nam. Theo đánh giá của Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham), Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro), Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) và Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham) niềm tin của các nhà đầu tư vào Việt Nam có xu hướng tăng và lạc quan.
Tuy nhiên, các tổ chức này cũng chỉ ra những hạn chế về môi trường đầu tư mà Việt Nam cần sớm khắc phục như: thủ tục hành chính chưa minh bạch, thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư vẫn còn dài làm tăng chi phí đầu tư kinh doanh; cơ sở hạ tầng vẫn còn những bất cập, nhất là việc ổn định cung cấp điện; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao; tiến trình chuyển đổi xanh vẫn còn chậm…".
Trong năm 2023, có 111 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với 6,8 tỷ USD, chiếm 18,6%; Nhật Bản đứng thứ 2 với gần 6,57 tỷ USD, chiếm hơn 17,9%; Hong Kong (Trung Quốc) đứng thứ 3 với hơn 4,68 tỷ USD, chiếm gần 12,8%.
10 đối tác đứng đầu danh sách đầu tư vào Việt Nam năm 2023 có tổng số vốn đăng ký là 33 tỷ USD, chiếm 90,3% tổng vốn đăng ký.
Năm 2023, vốn FDI đăng ký tại Việt Nam đạt 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022. Tuy nhiên, vốn FDI thực hiện chỉ tăng 3,5%, đạt mức 23,18 tỷ USD.
Trong đó, vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng mạnh, đạt 23,5 tỷ USD, chiếm tới 64,2% tổng vốn đăng ký cấp mới so với các con số tương ứng của năm 2022 là 16,8 tỷ USD và 60,6%.
Hiện nay, cả nước có 56 tỉnh, thành phố đã có dự án FDI, trong đó, TP.HCM dẫn đầu về thu hút FDI năm 2023 với tổng vốn đăng ký 5,85 tỷ USD; tiếp theo là Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Bình.
Hà Nội ghi nhận 2 năm liền không nằm trong Top 5 về thu hút FDI.
Các khu công nghiệp - khu kinh tế tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài khi thu hút được 27,7 tỷ USD vốn FDI; số dự án đầu tư mới, vốn đầu tư điều chỉnh và vốn FDI thực hiện đều tăng so với năm trước. Nhiều địa phương đã chú trọng chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái.
Trên toàn cầu, dòng vốn FDI sau khi giảm 12% vào năm 2022 đã tăng 3% trong năm 2023 đạt mức 1.370 tỷ USD. FDI vào các nước đang phát triển tăng nhẹ, đáng lưu ý là FDI vào lĩnh vực tăng trưởng xanh tại các nước đang phát triển tăng tới 37% so với năm 2022.
"Trên thị trường vốn toàn cầu, tài chính xanh tăng trưởng mạnh, trái phiếu bền vững tăng 5 lần trong 5 năm từ 2018 - 2023", GS.TSKH Nguyễn Mại nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch VAFIE, để đẩy mạnh thu hút FDI, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, luật pháp; sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành các luật và nghị quyết đã được Quốc hội thông qua như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Nghị quyết của Quốc hội về thực thi thuế tối thiểu toàn cầu.
Hướng mạnh FDI vào các ngành công nghệ cao, trong đó có công nghiệp bán dẫn, tăng cường kết nối chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp FDI, nhất là các tập đoàn xuyên quốc gia,
Đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa kết cấu hạ tầng, nhất là năng lượng, hạ tầng số, giao thông vận tải
Thúc đẩy cải cách nền hành chính quốc gia và tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bình luận