Bấy lâu nay, nhà phố cổ không chỉ có giá trị về lịch sử, văn hóa mà còn được ví như những mảnh đất vàng bởi vị trí trung tâm cũng như thuận tiện về buôn bán. Chính vì thế, nhà phố cổ ở Hà Nội đắt ngang ngửa với nhiều khu vực như ở Tokyo hay Paris.
Chị Trần Linh ở phố Hàng Bún khẳng định, khu phố cổ vẫn không hề giảm giá và luôn luôn là... đất vàng. Chị đang rao bán căn nhà mặt phố Hàng Bún chưa đầy 31m2, nhà chỉ có 1 tầng, tầng 2 thuộc sở hữu nhà nước với giá 12 tỷ đồng, tính ra mỗi mét vuông có giá 400 triệu đồng. Chị Linh cho hay, ở Hàng Bún mới có giá này nếu ở Hàng Bạc, Hàng Ngang, Hàng Đào, giá sẽ gấp ba bốn lần.
Ông Nguyễn Minh, một nhân viên môi giới cho hay, nhà phố cổ thường có số lượng ít, thường thuộc sở hữu chung của nhiều người nên được gọi là hàng hiếm. Chỉ cần bán một ngôi nhà phố cổ vài chục m2, chủ nhà có thể mua được một ngôi biệt thự sang trọng ở Mỹ Đình hay Ciputra.
Hiện ông Minh đang giới thiệu cho khách hàng ngôi nhà phố Hàng Trống với giá 60 tỷ đồng. "Đắt sắt ra miếng, ai mua được ngôi nhà này mở cửa hàng hay cho thuê mỗi tháng cũng kiếm vài trăm triệu", ông Minh niềm nở tư vấn.
Tương tự như vậy, một căn nhà phố Hàng Buồm, diện tích 36m3, gác trong tầng 2, sau nhà có sân chung để xe, ngõ rộng, phụ khép kín, sổ đỏ giá 18,5 tỷ đồng. Nhà mặt phố Ngõ Huyện, diện tích 45 m2, sổ đỏ đang chào bán giá 360 triệu đồng/m2. Nhà tầng 2, diện tích 35m2 phố Lương Văn Can giá bán 12 tỷ đồng.
Những ngôi nhà nhỏ nhưng vẫn có giá hàng chục tỷ đồng.
Theo khảo sát, các khu vực trung tâm gần Hồ Hoàn Kiếm luôn có giá cao ngất ngưởng, có những ngôi nhà được gia chủ hét giá tới 800-900 triệu đồng/m2. Thông tin từ sàn bất động sản A.C cho thấy, nhà mặt phố Hàng Đào có giá khoảng 900 triệu đồng/m2, nhà phố Hàng Bồ 750 - 800 triệu đồng/m2, nhà mặt phố Bát Đàn 600 triệu đồng/m2.
Ông Minh cho hay, giá nhà tại phố cổ cao ngất ngưởng do quan niệm của người dân. Đây là khu vực trung tâm thành phố, thuận tiện về sinh hoạt cũng như buôn bán. Chỉ cần vài mét vuông mặt đường, người dân có thể kiếm hàng chục triệu đồng thu nhập mỗi tháng. Chính vì vậy, kể cả mua với giá cao thì khi bán, lại lúc nào họ cũng có thể bán giá cao hơn hoặc cho thuê kiếm trăm triệu đồng một tháng.
Theo bảng giá đất Hà Nội năm 2012 của UBND TP. Hà Nội, giá đất tại khu vực phố cổ cao nhất tối đa là 81 triệu đồng/m2 tại các khu vực Hàng Ngang, Hàng Đào, Lý Thái Tổ. Những khu vực thấp hơn như Hàng Đường 80 triệu đồng/m2; Hàng Bông, Hàng Bài giá đất 78 triệu đồng/m2; Hàng Buồm, Hàng Cân 73 triệu đồng/m2...
Còn trên thực tế, giá mỗi mét vuông nhà mặt tiền trên phố này cao gấp 11 lần. Như lời ông Minh, để xây được một khách sạn nhở hơn 100m2 ông đã phải bỏ ra trăm tỷ đầu tiền mua lại các ngôi nhà xung quanh, gom lại thành mảnh lớn và có mặt tiền rộng.
Hay một dự án căn hộ cao cấp ngay tại ngã tư đối diện Tràng Tiền Plaza, để thu hồi đất làm dự án, chủ đầu tư đã trả cho các hộ dân 600 triệu đồng/m2 đối với hộ không có nóc, còn ở tầng có nóc nếu tính theo mức đền bù lên tới 900 triệu đồng/m2.
Theo Colliers International, giá nhà đắt nhất là ở các căn góc mặt phố tại các khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm, đôi khi đắt ngang giá nhà ở Tokyo hay Paris. Ví dụ, giá 1m2 nhà đất tại các phố như Hàng Gai, Cầu Gỗ hay Hai Bà Trưng có thể lên tới mức 21.000 - 27.000USD/m2.
Hãng tư vấn trên nhận định, giá đất tại Hà Nội thay đổi rất lớn theo vị trí, tùy thuộc vào việc phát triển hạ tầng và trong nhiều trường hợp là vào yếu tố đầu cơ. Có thể nhận thấy các quận càng trung tâm thì biên độ dao động giá đất càng rộng. Lợi thế thương mại phụ thuộc vào vị trí của các quận trung tâm khiến cho có sự khác biệt rõ nét giữa các nhà trong ngõ và nhà mặt phố.
Nhà phố cổ đôi khi thuộc sở hữu chung của nhiều gia đình cũng như thuộc sở hữu Nhà nước, chính vì thế cần phải xem xét tính pháp lý rõ ràng để tránh tranh chấp. Giá trị bất động sản phố cổ rất lớn nên đầu tư loại hình nhà đất này không phải là điều dễ dàng.
Bình luận