Khổ nỗi, từ ngày này qua tháng nọ, nhà cho thuê thì không ai mướn, nhà rao bán thì chẳng ai hỏi mua.
Cho thuê không ai mướn
Trải qua 4 đợt dịch COVID-19, gần như toàn bộ các nhà hàng, quầy lưu niệm, quán cà phê…trong khu phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam đã tạm ngừng hoạt động.
Hiện tại, thành phố từng được bình chọn quyến rũ nhất thế giới đang thực hiện giãn cách xã hội và viễn cảnh mở cửa đón du khách đến tham quan trở lại chắc chắc còn ở tương lai xa khi dịch COVID-19 vẫn còn kéo dài dai dẳng.
Hai tháng nay, trước cửa chính nhà cổ số 182 Trần Phú dán bảng thông báo “nhà cho thuê” kèm theo số điện thoại liên hệ. Chủ nhân của ngôi nhà tọa lạc ở vị trí cách di tích Chùa Cầu chừng mươi bước chân là chị M.
Chị M. kể, cách đây 8 năm, hai vợ chồng chị quyết định mua đất, cất nhà ở vùng ngoại ô thành phố sinh sống. Còn ngôi nhà cổ ông bà tổ tiên để lại được cho người khác thuê mở shop kinh doanh đồ lưu niệm. “Vì nằm ở vị trí đắc địa, khách du lịch thường xuyên qua lại nên trung bình mỗi tháng, doanh thu từ việc cho thuê nhà cổ lên đến cả trăm triệu đồng.
Ngôi nhà đang giúp chúng tôi hái ra tiền thì bất ngờ dịch COVID-19 ập đến khiến phố cổ không còn lấy một bóng du khách, việc cho thuê nhà cũng đứt gánh theo”, chị H. buồn bã nói và thông tin thêm, tháng 6 vừa qua, hợp đồng thuê nhà hết hạn. Ngay khi nhận bàn giao nhà từ người thuê suốt nhiều năm qua, chị quét dọn sạch sẽ và dán thông báo với hy vọng sẽ có người mới đến thuê.
Tuy nhiên, hơn 1,5 tháng bảng thông báo treo trước cửa, chị M. ngóng trông mỏi mắt vẫn không có một ai tới hỏi thuê.
Tương tự, nhà cổ gần ngã ba Trần Phú – Châu Thượng Văn cũng đang dán tấm bảng cho thuê nhà. Chị Hồ Thị Thu Hà là người đang phụ trách việc trông coi, lau dọn di tích này.
Trò chuyện với chúng tôi, chị Hà cho hay, khi dịch COVID-19 vừa bùng phát (đầu năm 2020), người thuê ngôi nhà xin được kết thúc hợp đồng sớm và được chủ nhà chấp thuận. “Tháng 7/2020, vợ chồng chủ nhà sang Mỹ định cư. Tôi là cháu của chủ nhà và được giao quán xuyến việc cho thuê di tích. Song, hơn 1 năm nay, di tích này vẫn bỏ không vì chẳng có ai đặt vấn đề hỏi thuê nữa.
Đúng là không ai dại dột mà bỏ cả tỷ đồng thuê nhà mỗi năm trong thời buổi dịch bệnh khốc liệt như bây giờ. Đơn giản, không có khách du lịch thì thuê nhà cổ để mở quầy lưu niệm, nhà hàng, quán cà phê cũng chẳng biết bán cho ai”, chị Hà chia sẻ.
Rao bán nhà cổ hàng chục tỷ đồng
Bên cạnh các bảng thông báo cho thuê nhan nhản, trong khu phố cổ Hội An còn không ít nhà cổ có giá hàng chục tỷ đồng được rao bán.
Sau thời gian dài đóng cửa vì dịch bệnh COVID-19, ngôi nhà cổ 2 tầng số 87 Trần Phú được ông Trần Tấn Nga rao bán với giá hơn 40 tỷ đồng.
Theo ông Nga, ngôi nhà này vừa là chỗ lưu trú vừa là cơ sở kinh doanh ăn uống. “Hàng chục năm mở quán ăn phục vụ khách du lịch, gia đình tôi ăn nên làm ra nhờ ngôi nhà cổ mà ông bà tổ tiên bao đời truyền lại.
Nào ngờ, hai năm nay, dịch bệnh kéo dài triền miên khiến công việc bán buôn rơi vào bế tắc vì không có khách du lịch. Sau khi bàn bạc, các thành viên trong gia đình quyết định bán nhà”, ông Nga ngậm ngùi giãi bày.
Song, suốt nhiều tháng trời rao bán, ngôi nhà vẫn không có lấy một người hỏi mua.
Ngoài ngôi nhà của ông Nga, một nhà cổ khác trên đường Nguyễn Thái Học cũng đang được rao bán với giá hàng chục tỷ đồng. Chủ nhân của di tích này cho hay, trước đây, ngôi nhà cũng được cho người khác thuê để mở nhà hàng phục vụ khách du lịch.
Cách đây 1 năm, do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến việc kinh doanh thua lỗ, người thuê nhà xin chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Nhiều tháng trời đóng cửa, nhà cổ hàng trăm năm tuổi được rao bán với giá gần 60 tỷ đồng. Tuy nhiên, cũng giống như gia đình ông Nga, chủ nhà cổ này vẫn chưa nhận được bất kỳ lời hỏi mua nào.
Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho biết: "Ở Hội An, gần như 100% nhà hàng, quầy lưu niệm phải đóng cửa vì không có khách. Bây giờ chúng ta chỉ hy vọng người dân ở những điểm du lịch như phố cổ Hội An sớm được tiêm vaccine để sẵn sàng đón khách tham quan trở lại”.
Bình luận