• Zalo

Nhà báo tham gia mạng xã hội không chuẩn mực sẽ bị xử lý

Thời sựThứ Năm, 24/11/2016 20:44:00 +07:00Google News

Các nhà báo hành nghề trên các loại hình báo chí chính thống với tư cách người làm báo, nhưng trên MXH, họ phải tự kiểm soát chính mình.

Trong Bộ Quy tắc đạo đức nghề nghiệp người làm báo đang được soạn thảo, có một nội dung mới: “Nhà báo phải nghiêm túc, chuẩn mực khi tham gia mạng xã hội (MXH)”. PV đã trao đổi với ông Hồ Quang Lợi (ảnh bên), Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam để làm rõ hơn nội dung này.

Hồ Quang Lợi

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi.

Đạo đức báo chí là vấn đề nóng bỏng

Thưa ông, vì sao việc xây dựng một bộ quy tắc đạo đức mới quy định cụ thể hơn chuẩn mực đạo đức với những người làm báo lại được đặt ra trong thời điểm này?

Bộ Quy tắc đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam gồm 9 điều mà Đại hội lần thứ 8 của Hội Nhà báo Việt Nam thông qua năm 2005 đến nay đã qua 11 năm. Từ đó đến nay, tình hình đất nước và thế giới có nhiều biến đổi mạnh mẽ; đời sống xã hội, đặc biệt là đời sống báo chí cũng có những đổi thay hết sức sâu sắc.

Hiến pháp năm 2013 cũng đã khẳng định nhiều nội dung về quyền con người, quyền tự do báo chí, quyền được thông tin. Luật Báo chí (sửa đổi) năm 2016 cũng có điều khoản quy định cụ thể về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Hội Nhà báo Việt Nam.

Trong 8 nhiệm vụ Hội được Luật quy định thì có nhiệm vụ: Hội Nhà báo Việt Nam có trách nhiệm ban hành, tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp. Như vậy, việc xây dựng bộ quy tắc lần này đã có sự thống nhất giữa pháp luật và đạo đức.

Đồng thời, có một lý do trực tiếp là thời gian gần đây, đạo đức báo chí đang trở thành một vấn đề nóng bỏng được xã hội hết sức quan tâm, khi có khá nhiều vụ vi phạm đạo đức nghề nghiệp mà chúng ta buộc phải xử lý.

Trong dự thảo lần này có một nội dung mới đang được chú ý là: Nhà báo phải nghiêm túc, chuẩn mực khi tham gia MXH và các phương tiện truyền thông khác. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?

MXH đưa lại những tiện ích không hề nhỏ, nhưng đồng thời ở đó cũng có vô vàn thông tin không được kiểm soát. Thời gian qua, những thông tin như vậy đã gây hệ lụy không nhỏ đối với sự ổn định trong xã hội và đôi khi nó gây rối loạn, đem lại hậu quả nặng nề và đáng tiếc.

Các nhà báo hành nghề trên các loại hình báo chí chính thống với tư cách người làm báo, nhưng trên MXH, họ phải tự kiểm soát chính mình. Họ không thể nào trên báo viết thế này mà trên MXH lại đưa thông tin không đúng đắn, hay chia sẻ những thông tin không được kiểm chứng, bày tỏ quan điểm khác với những bình luận sai trái…

Nhà báo phải ý thức được trách nhiệm của mình là tham gia xây dựng đời sống tư tưởng, tinh thần lành mạnh bằng những thông tin lành mạnh. Dù ở bất cứ đâu họ cũng vẫn giữ vai trò nhà báo chứ không thể sống hai mặt. Dù ở bất cứ ở đâu, sứ mệnh, bổn phận của họ vẫn là người làm báo, người cung cấp thông tin, chính xác, đúng đắn cho xã hội.

Xử lý nghiêm vi phạm

Với những người làm báo, tham gia MXH như thế nào được coi là chuẩn mực? Như thế nào bị coi là vi phạm?

Chuẩn mực trước hết là trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật. Đưa tin sai, bình luận lệch lạc là không chuẩn mực, theo đuổi mục đích cá nhân, thiếu trách nhiệm với xã hội là không chuẩn mực. Thấy cái sai mà không phê phán lại còn a dua là không chuẩn mực. Thấy cái đúng, cái tốt bị tấn công mà không bảo vệ lại còn châm chọc, dè bỉu là không chuẩn mực. Khách quan, trung thực, tôn trọng sự thật là cốt lõi của đạo đức nghề nghiệp báo chí.

Vậy, khi nhà báo tham gia MXH mà vi phạm thì sẽ bị xử lý thế nào? Căn cứ xử lý được quy định tại Luật Báo chí hay văn bản pháp luật nào?

Trước hết, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo Luật Báo chí, vì luật quy định rất rõ những điều không được làm. Vi phạm điều gì sẽ chiếu theo luật xử lý theo điều đó. Cũng có những điều luật pháp không quy định được một cách cụ thể nhưng đạo đức lại không cho phép. Bộ quy định đạo đức này sẽ dẫn dắt lương tâm và trách nhiệm của người làm báo. Chính nhà báo phải tự nhận thức điều anh làm có lương thiện không, có tử tế không, có nhân văn không.

Tuy nhiên, ở đây có sự thống nhất giữa luật pháp và đạo đức, giữa Luật Báo chí và Bộ quy định cũng có sự kết nối với nhau nên sẽ căn cứ, đối chiếu vào nhau để xử lý các hành vi vi phạm. Nếu vi phạm nghiêm trọng quy định đạo đức thì bị xem xét thu hồi Thẻ nhà báo và cấm hành nghề. Nói như vậy để thấy rằng, Bộ quy định này có khía cạnh pháp luật chứ không đơn thuần chỉ mang tính khuyến cáo, động viên. Nó mang tính ràng buộc nhất định.

Thực tế đã từng có nhà báo bị rút Thẻ nhà báo vì vi phạm trong việc đưa thông tin sai trái lên MXH. Bộ quy tắc này có quy định cụ thể vi phạm đến mức nào thì bị rút thẻ?

Đưa tin sai trái, bóp méo, xuyên tạc sự thật thì sẽ bị xử lý. Nhà báo mà bịa đặt, cố tình bình luận theo chiều hướng tiêu cực thì rõ ràng đạo đức có vấn đề. Vi phạm có nhiều mức độ và cũng có nhiều mức độ xử lý khác nhau. Nếu cố tình đưa tin sai sự thật gây tác hại nghiêm trọng thì thậm chí có thể bị xử lý hình sự, còn sai sót do yếu tố khách quan thì tùy theo mức độ tác động, cũng sẽ được xem xét thấu đáo, thỏa đáng. Từ trước đến nay, chúng ta vẫn căn cứ vào Bộ quy định và Luật Báo chí hiện hành để xử lý những trường hợp vi phạm.

Cảm ơn ông!

Theo ông Hồ Quang Lợi, thời điểm dự kiến đưa Bộ Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam vào thực thi cùng lúc với Luật Báo chí năm 2016 đang đến gần (1/1/2017).

“Khi xây dựng bộ quy tắc này, chính các nhà báo được tham gia xây dựng từ các cơ sở, các chi hội, liên chi hội nhà báo, hội nhà báo, tập hợp ý kiến của anh em báo chí cả nước và chỉnh sửa nhiều lần”, ông Lợi nói và cho biết, Bộ quy định gồm 9 Điều, trong đó có nội dung mới là Điều 5: “Không lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi. Nghiêm túc, chuẩn mực khi tham gia MXH và các phương tiện truyền thông khác”.

Video: Công an Hà Nội trả lời chính thức vụ phóng viên bị đánh trên cầu Nhật Tân

(Nguồn: baogiaothong.vn)
Bình luận
vtcnews.vn