Ngày 16/5, Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu khai mạc Hội nghị được nhiều người đánh giá là thực tế và mạnh mẽ.
Trò chuyện với VTC News, Nhà báo Nhị Lê - Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản đưa ra những phân tích, nhìn nhận chi tiết về những phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương 10.
Ông cho rằng, những phát biểu đó của Tổng Bí thư thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược, “nhìn tận chân trời để hoạch định bước đi cụ thể” vào thời điểm có tính chất bản lề của thế kỷ 21.
- Tại Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Trung Đảng khóa XII, người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước bày tỏ trăn trở đến tận cùng với vận mệnh của đất nước ngay từ bài phát biểu khai mạc...
Đây là bài phát biểu rút từ tầm nhìn, từ tâm huyết, từ tình cảm của Tổng Bí thư. Bài phát biểu thể hiện trong một bầu không khí thân tình, gần gũi để cùng cộng đồng bàn quốc sự, bàn vận mệnh của Đảng vào thời điểm có tính chất bản lề của thế kỷ 21.
Có một điều tôi theo dõi qua nhiều kỳ Hội nghị, qua nhiều Đại hội của Đảng đó là Tổng Bí thư luôn tự mình chuẩn bị các bài diễn văn khai mạc. Ngày 16/5 vừa qua cũng là ngày Tổng Bí thư trình bày những vấn đề căn bản, những trọng sự rất chiến lược về chiến lược phát triển quốc gia, về chiến lược xây dựng Đảng, về việc giải quyết cấp bách những công việc để đảm bảo cho việc chuẩn bị những văn kiện, các quan điểm lớn của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Đặc biệt đây cũng là một hội nghị rất hiếm không khí dân chủ, không khí đối thoại gần gũi, thân thiết giữa người lãnh đạo cao nhất của Đảng với tập thể Ban Chấp hành Trung ương, giống như một tập thể, như một nhà để bàn đại sự quốc gia. Xây dựng Đảng không chỉ là văn minh mà đấy là đạo đức.
- Nhiều chuyên gia đánh giá, bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước thể hiện tầm cao trí tuệ của nhà lãnh đạo nhìn xa, trông rộng, ngày đêm trăn trở nhất tâm vì nước, vì dân?
Tại sao lại không! Có thể nói ở đây tích hợp không chỉ là tầm nhìn chiến lược, không chỉ là tư duy chiến lược mà đó hàm chứa cả những phương pháp rất dân chủ để thực hiện những điều rất khó khăn đó là hoạch định nên quốc sự trọng đại trong tầm nhìn đến năm 2045 và trước mắt là năm 2026 mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng phải đảm nhiệm và gánh vác.
- Những nội dung đáng lưu ý nhất trong bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, thưa ông?
Trong bài phát biểu, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu lên 4 vấn đề căn bản:
Trước hết, Ban Chấp hành Trung ương cho ý kiến về đề cương soạn các dự thảo, văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.
Thứ hai, quan điểm rất đổi mới đối với kinh tế tư nhân.
Thứ ba, là các công việc chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Thứ tư, chưa bao giờ như bây giờ việc nhìn lại một cách căn cơ để thấy tốt nhất cho Đại hội lần thứ XIII của Đảng, rất cần. Điều ấn tượng nhất đối với tôi, là từ nhiều nhiệm kỳ nay, nhiệm kỳ thứ XII dành hội nghị lần thứ 10 để bàn chuyên xung quanh vấn đề này.
Tôi nghĩ Đại hội lần thứ XIII của Đảng trong tầm nhìn đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước và trước đó 15 năm chúng ta kỷ niệm 100 năm mùa xuân của Đảng Cộng sản Việt Nam cho nên có thể hiểu Đại hội lần thứ XIII là đại hội bản lề của nửa đầu thế kỷ 21.
Với ý nghĩa của Đại hội như vậy, rất xứng đáng để dành một Hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương bàn định về những vấn đề văn kiện trong tầm nhìn năm 2045, và trước mắt là năm 2026.
- Một nội dung quan trọng luôn luôn được nhắc tới đó là công tác xây dựng Đảng, công tác chống tham nhũng?
Trong nhiều năm qua, đặc biệt là từ Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ vào tháng 1/1994, Đảng ta đã đề ra 4 nguy cơ cần phải khắc phục trong đó, có sự tồn tại và những diễn biến phức tạp của tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí.
Từ đó đến nay, chống tham nhũng trở thành công việc hệ trọng được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đồng lòng thực thi một cách đồng bộ, đặc biệt, những năm nay chúng ta thấy có những thành tựu đáng ghi nhận. Nếu chúng ta không sớm phát hiện thì không nói gì đến việc xây dựng quốc gia hùng mạnh, không nói gì đến dân tộc phát triển.
Từ hàng nghìn năm trước, cổ nhân đã nói rất nhiều. Tôi nhớ không nhầm vào khoảng 2.500 năm trước, ở thành Athen cổ đại, bất kỳ một chính khách nào phạm vào 1 trong 2 tội tham nhũng và làm việc bất chính thì chính khách đó hoặc là bị đuổi ra khỏi ngành, hoặc cấm vĩnh viễn 10 năm và cả cuộc đời không được tham gia chính sự.
Khoảng 500 năm trước, vua Lê Thánh Tông cũng đã nói rằng nếu có cái gì đó làm triều đình hủ bại, muôn dân suy tàn điêu linh, ấy chính là quan tham lạm quyền.
Cách đây 250 năm, cụ bảng nhãn Lê Quý Đôn cũng đã cảnh báo 5 nguy cơ sẽ làm mất nước: một là, trẻ không trọng già; hai là, binh kiêu tướng thoái; ba là, tham nhũng tràn lan; bốn là sĩ phu ngoảnh mặt; năm là trò không trọng thầy.
Từ đó mới thấy được rằng, việc chống tham nhũng không phải là một thời, mà là muôn thời ông cha chúng ta cũng nhìn xa trông rộng.
Ngó sang phương Tây cũng vậy, không một quốc gia nào dung thứ nạn tham nhũng. Phòng chống tham nhũng là một trong những công việc thường xuyên, cấp bách có ý nghĩa sinh tử, không chỉ đối với Đảng ta, đối với chế độ của ta mà đối với dân tộc chúng ta.
- Vấn đề hệ trọng, có yếu tố then chốt không thể không nhắc đến đó là công tác cán bộ, việc này cũng được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh rất nhiều lần, quan điểm cá nhân ông về công tác cán bộ ra sao?
Toàn bộ công tác xây dựng Đảng, trong đó có công tác xây dựng Đảng trên phương diện tổ chức, mà trực tiếp là cán bộ mới thấy được tầm vóc của Hội nghị lần này.
Như tôi nói ban đầu, hội nghị lần này cho ý kiến và việc dự thảo, đề cương, các văn kiện trình Đại hội XIII. Cho nên, có thể nói đó là một tổng chương trình nhìn cho tới tận chân trời năm 2045, tức là một hệ công việc, một hệ trọng sự quốc gia đối với đất nước, đối với dân tộc và trực tiếp đối với Đảng.
Với tư cách là một Đảng cầm quyền duy nhất, chúng ta thấy được “một núi” công việc và chính những công việc đó, sẽ quy định bộ máy của chúng ta, và từ công việc mới lựa chọn đội ngũ cán bộ.
Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ là cái gốc của mọi việc. Khi chúng ta xác định được các trọng sự, các công việc lớn của quốc gia, của dân tộc thì một trong những nhân tố trực tiếp quyết định thành bại là cán bộ.
Nếu trở cái gốc như vậy chúng ta đồng thời với việc hoạch định các công việc lớn của quốc gia dân tộc, xây dựng một đội ngũ cán bộ mang tầm chiến lược, và đặc biệt là đội ngũ cán bộ chiến lược để thực thi những trọng sự, trước mắt năm 2026, và nhìn xa hơn năm 2030 và 2045.
Video: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 10
- Một vấn đề nữa được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý và nhấn mạnh trong ngày khai mạc Hội nghị Trung ương 10 đó là vai trò, tầm quan trọng của kinh tế tư nhân, thưa ông?
Tôi cho đấy là một kỳ vọng rất đáng chờ đợi. Phải nói rằng, bắt đầu từ Đại hội VI, chúng ta chủ trương phát triển kinh tế đa thành phần. Và lần theo từng Đại hội một, cho đến lần này là Đại hội thứ XIII, tức là qua 7 kỳ Đại hội, về mặt nhận thức, về mặt tổ chức thực tiễn, Đảng của chúng ta nhất quán phát triển kinh tế tư nhân.
Và chúng ta thấy, những kế hoạch ban đầu, những năm bắt đầu, kinh tế tư nhân được nhận thức là một bộ phận cấu thành của toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Và mới đây nhất, Hội nghị 5 khóa XII, nó trở thành một động lực phát triển của nền kinh tế quốc dân.
Nói như thế để thấy được rằng, không chỉ bằng nhận thức và hành động, chúng ta luôn cổ vũ, tạo điều kiện để kinh tế tư nhân cùng với tất cả các thành phần kinh tế khác, trong đó kinh tế Nhà nước là chủ đạo phát triển vì sự phồn vinh của kinh tế nước nhà, vì sự hùng mạnh của dân tộc.
Thực tế cho thấy, kinh tế tư nhân đóng góp một phần rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân: hơn 40% GDP, giải quyết rất nhiều triệu lao động.
Nhưng cũng phải thừa nhận rằng, có những rào cản đang đặt ra trước nền kinh tế tư nhân. Trước hết, là rào cản về tâm lý. Đây đó kỳ thực, trong không ít bộ phận của chúng ta vẫn kỳ thị nền kinh tế tư nhân. Tuy nhiên bằng sức mạnh của mình, bằng thực lực đóng góp của mình, tôi chắc rằng tâm lý đó sẽ từng bước bị đẩy lùi.
Thứ hai, chính vì tâm lý như thế, môi trường, hoạt động của kinh tế tư nhân cũng còn rất nhiều những khúc mắc cần phải tháo gỡ.
Thứ ba, điều lo lắng nhất, trăn trở nhất, đó là thể chế. Chúng ta phát triển bình đẳng tất cả các nền kinh tế, nhưng trong thực tế, kinh tế tư nhân có được đối xử một cách bình đẳng với tất cả các nền kinh tế khác không? Về vốn vay, về điều kiện kinh doanh, đặc biệt tôi muốn nói về việc chuẩn bị kinh doanh.
Phát biểu của Tổng Bí thư thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược, “nhìn tận chân trời để hoạch định bước đi cụ thể.
Nhà báo Nhị Lê
Để ra đời được một công ty tư nhân, rất nhiều khuất khúc mà các chủ doanh nghiệp phải bước qua. Nếu chúng ta tháo gỡ về tâm lý, về môi trường, về mặt thể chế như tôi vừa nói, chắc chắn, kỳ vọng rằng, kinh tế tư nhân sẽ có vị trí rất xứng đáng trong nền kinh tế quốc dân.
- Ông đánh giá ra sao về việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước không chỉ nhắc đến tầm nhìn của Đại hội sau mà còn đến năm 2030 (kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng) và năm năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước)?
Đó là tư duy chiến lược, nhìn tận chân trời để hoạch định những bước đi cụ thể qua từng chặng một dưới chân mình, trong điều kiện cụ thể của nước mình.
Đó là cách làm biện chứng nhất, phù hợp nhất và dựa hẳn vào nhân dân, chỉ có như thế chúng ta sẽ có một bộ văn kiện tầm vóc là nền tảng trí tuệ của toàn Đảng, toàn nhân dân, thâu thái tinh hoa của nhân loại. Đó là một bộ văn kiện tôi kỳ vọng xứng đáng với sự phát triển của đất nước trong thập kỷ tiếp theo
- Ông kỳ vọng thế nào về kết quả của Hội nghị Trung ương 10 cũng như những chặng đường tiếp theo?
Nó mở ra cho chúng ta một phong cách mới, một tầm nhìn mới, đặc biệt là một tinh thần mới để chúng ta chuẩn bị tốt nhất những công việc phục vụ cho tổ chức thành công Đại hội lần thứ XIII và kỳ vọng bộ văn kiện đó xứng đáng với tầm vóc mà Đảng chúng ta gánh vác trước dân tộc, tiến lên cùng nhân loại.
- Xin cảm ơn ông!
Bình luận