• Zalo

Nhà báo Lê Bình: Trên kênh Youtube lượng ‘like’ cao gấp nhiều lần lượng ‘dislike’

Thời sựThứ Ba, 26/07/2016 22:44:00 +07:00Google News

Trưa 26/7, nhà báo Lê Bình cùng ê kíp thực hiện Ký Sự Syria: Góc Nhìn Từ Phía Trong Cuộc Chiến có cuộc trao đổi với báo chí sau khi tập 1 của loạt ký sự gây bão dư luận.

Tại buổi gặp gỡ, nhà báo Lê Bình đã trải lòng về chuyến đi để đời của ê kíp, chuyến đi mà chị thề rằng sẽ không bao giờ quay trở lại Syria lần thứ 2.

Chiến tranh khủng khiếp hơn những gì tưởng tượng

Nhà báo Lê Bình kể, tôi quay trở lại Trung Đông lần 2 vì 1 cuộc phỏng vấn và nghĩ đây là cuộc phỏng vấn rất đặc biệt và ấn tượng nhất trong cuộc đời làm báo của mình. Đấy là cuộc phỏng vấn Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Chúng tôi nhận thông tin từ lãnh sự quán Việt Nam tại Li-Băng sau 1 năm liên hệ. Lần trước (năm 2015) đến Syria tôi đã định phỏng vấn rồi, nhưng sau 1 năm Tổng thống mới thu xếp để trả lời chúng tôi.

Le Binh-2

Nhà báo Lê Bình trải lòng về tác phẩm Ký sự Syria gây tranh cãi. Ảnh Đinh Tùng

“Ông Bashar al-Assad là người rất đặc biệt, hai thế lực quân sự mạnh nhất thế giới là phương Tây và Mỹ đều không muốn ông ở vị trí ấy (tổng thống), hai là phiến quân IS lúc nào cũng muốn giết ông ấy… Phỏng vấn một người đặc biệt như thế, người làm báo nào cũng muốn. Chính vì thế, mục đích chính của lần quay lại Trung Đông này là để phỏng vấn ông Bashar al-Assad” – Lê Bình chia sẻ.

Trong cơn bão dư luận trái chiều, lý do mà nhà báo Lê Bình đưa ra về mục đích sang Syria cũng bị nghi ngờ. Đáp trả ngờ vực này, chị Lê Bình nói: “Đáng tin hay không thì phụ thuộc vào bằng chứng. Thông tin chúng tôi nhận được từ Lãnh sự quán Việt Nam tại Li-Băng thông báo đã ‘setup’ được cuộc gặp với Tổng thống Bashar al-Assad. Nếu nói việc chúng tôi sang phỏng vấn ông Assad không đáng tin thì chính thông tin từ Lãnh sự quán mới là không đáng tin.”

Lê Bình còn đưa ra dẫn chứng, nếu các bạn cần kiểm chứng chỉ cần hỏi Lãnh sự quán Việt Nam tại Li-Băng hoặc viết mail sang để kiểm tra thông tin, cái đó không có gì để giấu.

Nhà báo Lê Bình kể tiếp hành trình mà đoàn có mặt tại Syria: Sau khi nhận được tin báo, cả ê kíp háo hức lên đường, ai cũng phấn khích vì sắp làm được việc sẽ để lại dấu ấn trong suốt cuộc đời làm báo.

Phóng viên Vân Anh - người làm đầu mối “setup” cuộc gặp gỡ với tổng thống Syria nói: Chúng tôi nhận được thông tin trả lời vào ngày 11/6, cả đoàn làm visa trong 2 tuần, ngày 23/6, khởi hành từ Việt Nam bay sang Li-Băng, tại đây chúng tôi đến biên giới Syria và đi đường bộ vào đất nước này.  

Thủ tục để vào Syria rất ngặt nghèo, các đơn vị an ninh kiểm tra rất chặt chẽ, qua được vòng an ninh mới có thể đi vào trong nội địa.

Video: Ký sự VTV24 thực hiện tại Syria

Nhà báo Lê Bình tiếp lời, khi vào đất nước Syria, đoàn liên hệ với Chính phủ và được người của họ tiếp đón. Trên hành trình, chúng tôi cũng được nghe nhiều thông tin từ đài phương Tây nói rằng Assad là kẻ độc tài, độc quyền… thế nên chúng tôi muốn lắng nghe từ nhiều phía. Chiều hôm đó, ê kíp đã tự đi mà không có người của chính phủ để trực tiếp gặp gỡ người dân tại đây xem họ nói gì về cuộc sống, cuộc chiến, để chúng tôi có góc nhìn đa chiều về cuộc chiến, khác với góc nhìn của chính phủ Syria.

Khi đang đi phỏng vấn người dân, nhân viên của Lãnh sự quán Việt Nam tại Li-Băng (người có nhiệm vụ làm phiên dịch cho đoàn) nhận được điện thoại nói văn phòng Tổng thống yêu cầu đoàn phải mua sim điện thoại của Syria để họ liên hệ. Khi đó, cả đoàn đã đi ra khỏi khu trung tâm, ở đó không có cửa hàng nào bán những thứ đó. Vân Anh là người trực tiếp đi mua sim, đi mất 6 tiếng đồng hồ nhưng cũng không thể nào mua được vì họ kiểm soát rất chặt chẽ, người nước ngoài không thể mua sim dù đã trình ra hộ chiếu.

 
Sau những lần thoát chết tại đó, chúng tôi có suy nghĩ khác: Nếu vì 1 cuộc phỏng vấn mà 1 trong 4, hoặc cả 4 người chết ở Syria có đáng không.

Lê Bình

Vì khát khao thực hiện được cuộc phỏng vấn, Vân Anh phải nói như van lậy người lái xe nhờ ông đứng ra mua giúp nhưng ông ấy không đồng ý. Ông bảo nếu sim này bị hack, bị mất… mà có liên quan đến khủng bố thì cả nhà ông ấy sẽ phải chịu tội.

Cả ngày hôm đó chúng tôi không có được sim để văn phòng Tổng thống liên hệ.

Sáng ngày hôm sau, văn phòng Tổng thống thông báo lại rằng cuộc phỏng vấn ngày hôm đó bị hủy, và họ để ngỏ khả năng gặp mặt Tổng thống cho đoàn, họ sẵn sàng chờ chúng tôi mua được sim để liên hệ. 

Tuy nhiên, do không thể mua sim và sau khi có những trải nghiệm tại chiến trường chúng tôi từ bỏ cuộc phỏng vấn.

“Trong quá trình chờ phỏng vấn, ê kíp đã có dịp ghi lại cuộc sống và những gì đang diễn ra bên trong đất nước Syria. Sau những lần thoát chết tại đó, chúng tôi có suy nghĩ khác: Nếu vì 1 cuộc phỏng vấn mà 1 trong 4, hoặc cả 4 người chết ở Syria có đáng không?” – Nhà báo Lê Bình nói.

Theo phóng viên Phương My, những hình ảnh ghi lại được làm thành ký sự truyền hình, cả đoàn không thể lường được những gì sẽ diễn ra và chỉ muốn kể lại những gì mà mình nhìn thấy bằng cảm xúc của những người chứng kiến. Kể câu chuyện theo chân của tác giả, cảm xúc và suy nghĩ tác giả… đây là một thể loại rất phổ biến ở truyền hình nước ngoài.

Nhà báo Lê Bình chia sẻ: “Trước khi đi rất háo hức vì có chính phủ bảo vệ và đánh giá là an toàn nhưng đi

vào đó thấy chiến tranh khủng khiếp hơn những gì tưởng tượng”.

Nói về tiêu đề của ký sự, nhà báo Lê Bình cho biết: “Góc nhìn trong cuộc chiến: Tôi muốn kể lại những gì mà chúng tôi chứng kiến ở bên trong đất nước Syria, tôi làm báo chứ không phải nhà phân tích quân sự nên không thể đánh giá hay đưa ra kết luận về cuộc chiến.”

'Tôi cảm ơn tất cả'

Sau khi phát sóng tập 1, rất nhiều ý kiến trái chiều phản hồi về Ký sự Syria. Nhiều người còn bỏ thời gian ra nghiên cứu, phân tích để “nhặt sạn” trong sản phẩm. Đứng trước những khen-chê đó, nhà báo Lê Bình thẳng thắn: “Khán giả nghĩ thế nào chúng tôi tiếp nhận hết vì chúng tôi làm bằng tấm chân tình, nhiệt huyết nghề báo, làm là muốn làm chứ không phải vì sự khen hay chửi bới.

Đánh giá sản phẩm thế nào là quyền khán giả còn chúng toi đã làm hết sức, những câu chuyện chúng tôi mang về cũng khiến nhiều người xúc động. Trên kênh YouTube lượng ‘like’ cao gấp nhiều lần lượng ‘dislike’. Có những người bình luận rằng họ đã thực sự cảm nhận được nỗi đau khổ và hiểu được vì sao người dân Syria họ phải ra đi khi xem phóng sự...

Mỗi người đều có đánh giá riêng, những đánh giá đó là góp ý chân thành chúng tôi đều rất cảm ơn và sẽ tiếp thu để cho những sản phẩm sau được tốt hơn. Còn những chửi bới không có tính góp ý thì tôi bỏ ngoài tai.”

Ngoài ra, nhà báo Lê Bình cũng có chút tiếc nuối vì công tác hậu cần trong chuyến đi chưa được tốt như khâu trang phục…

Chia sẻ về điều mà bản thân thấy thành công nhất trong ký sự, nhà báo Lê Bình xúc động: “Điều thành công nhất là chúng tôi thoát chết trở về. ‘Trở về’ là hai từ thiêng liêng nhất. Tôi thề, nếu chiến tranh còn tôi không bao giờ quay lại Syria.”

Đức Thuận
Bình luận
vtcnews.vn