• Zalo

Nhà báo Hữu Thọ: Làm báo kiểu 'a dua' là tự giết mình

Thời sựThứ Bảy, 14/02/2015 08:00:00 +07:00Google News

Nhà báo Hữu Thọ bình luận tình trạng làm báo kiểu ‘a dua’, chạy đua thông tin thiếu kiểm chứng hiện nay rất nguy hiểm.

(VTC News) – Nhà báo Hữu Thọ bình luận tình trạng làm báo kiểu ‘a dua’, chạy đua thông tin thiếu kiểm chứng hiện nay rất nguy hiểm, không chỉ hại mình mà còn làm tổn hại lớn đến xã hội.

Sự bùng nổ của các trang mạng xã hội đang chi phối mạnh mẽ hoạt động báo chí. Đây là xu thế tất yếu song để sự chi phối, tác động mang hơi hướng tích cực, thì dường như nhiều tờ báo chưa thực sự chú trọng.

Nhìn lại hoạt động ngành báo chí truyền thông trong năm qua, nhiều người không khỏi giật mình trước những cuộc “trảm”, phạt, răn đe từ cơ quan quản lý.

Không phải vì các cơ quan quản lý “mạnh tay”, mà bởi, chính một số cơ quan báo chí đang tự đưa mình vào những tình huống dở khóc dở cười. Vì mục đích câu views, vì lý do kinh tế, không ít tờ báo đã đi chệch ‘đường ray’, thông tin thiếu kiểm chứng, để lại những hậu quả khôn lường.
Ảnh minh họa 

“Chấn chỉnh lại hoạt động báo chí là việc cần thiết để không làm ảnh hưởng đến xã hội. Làm báo mà không dám mang báo về nhà cho con cái đọc vì sợ ‘nhiễm độc’ thì đó là kiểu làm báo mất nhân tính. Cần chấn chỉnh càng sớm càng tốt”, nhà báo Hữu Thọ bình luận.

Trò chuyện với phóng viên VTC News trước thềm năm mới 2015, nhà báo Hữu Thọ đánh giá: Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 vừa được đưa ra tại Hội nghị Trung ương lần thứ 10 khóa XI, trong đó nhấn mạnh “việc phát triển báo chí phải đi đôi với quản lý tốt, nâng cao năng lực, hiệu lực, xây dựng nền báo chí cách mạng, chuyên nghiệp, hiện đại” là hết sức kịp thời, đúng đắn.

Đây là lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương bàn về quy hoạch báo chí. Sự phát triển của báo chí nhanh chưa từng có về số lượng, nội dung. Bên cạnh đa phương tiện, đói thông tin cũng khổ, nhiễu thông tin cũng khổ. Nhiễu thông tin rất nguy hiểm, ảnh hưởng an ninh xã hội. 

Trên thực tế hiện nay đang có quá nhiều số báo, đặc biệt là số báo phụ và báo điện tử. Cho nên quy hoạch báo chí và quan điểm lớn nhất của báo chí là phát triển đi đôi với quản lý là thực sự đúng và cần thiết.
Nhà báo Hữu Thọ: 'Làm báo kiểu a dua, thông tin thiếu kiểm chứng, người làm báo đang tự giết mình'   - Ảnh: Việt Linh

- Là một nhà báo lão thành, từng có nhiều năm làm công tác quản lý báo chí, theo ông sự phát triển của báo chí Việt Nam trong giai đoạn hiện nay đang đối diện với những nguy cơ như thế nào?

Với phương tiện mới, xã hội gần hơn, con người gần hơn. Thực ra các trang mạng xã hội phát triển mạnh mẽ như thế vừa có tác động tích cực, nhưng cũng có thể có nhiều tác động tiêu cực đến báo chí.

Như thế hệ chúng tôi làm báo, không có internet, không có mạng xã hội nên để lưu giữ thông tin, tài liệu phải làm file. Làm sao đủ trí nhớ hết, phải ghi chép, làm các file lưu trữ. 

Gần đây, khi đã vào mạng xã hội, tôi phải đốt đi hàng vạn tài liệu giấy, vì không cần thiết nữa, tất cả cái đó có trong mạng rồi. Đó là cái thuận lợi của người làm báo. 

Nhưng ở đây cũng có hai vấn đề, vào mạng xã hội là hoàn toàn tự do, không ai cấm ai được. Tuy nhiên, đặc điểm của mạng xã hội là không có kiểm chứng, bởi vậy, nhiều anh em làm báo hiện nay đang phụ thuộc vào thông tin mạng xã hội thì cũng có những cái nguy hiểm. 

Giờ có người đưa ra một nhận định rằng 80% thông tin trên báo chính thống hiện nay là những thông tin không được kiểm chứng. Cái này tôi không có điều kiện để xác thực nhưng tôi tin là có cơ sở.

Nếu làm báo như thế thực sự quá nguy hiểm, không chỉ nguy hiểm cho chính người viết, mà nguy hiểm cho cả xã hội.

Một nhà báo phương tây, từng được giải Pulitzer đã nói rằng: “Tôi chỉ viết cái gì mà tôi nhìn thấy, tôi không bao giờ viết cái gì mà tôi nghe người ta kể lại”. Nhưng bây giờ, không chỉ nghe kể lại, mà ở nước ta, chúng ta đang làm báo kiểu a dua, thấy người ta đăng tin thì mình cũng đăng tin. Cái này có nguyên nhân là do nếu không chạy đua thì mất việc. Các báo bạn có mà mình là không có thì không được ký hợp đồng, mất việc. 

Làm báo bây giờ nó khắc nghiệt thế, mà chính cơ chế ấy nó thúc đẩy các phóng viên trẻ phải chạy đua thông tin, không thận trọng, không kịp kiểm chứng. Đó là mối nguy hại lớn.

Thực sự làm báo bây giờ cực kỳ rối loạn. Nhiều người bảo họ làm tờ báo mà không dám mang về cho con họ đọc vì thông tin “độc hại”. Cũng giống bà bán cam ở chợ Long Biên, không dám cho con ăn vì biết cam có độc. 

 

Bây giờ, chúng ta đang làm báo kiểu a dua, thấy người ta đăng tin thì mình cũng đăng tin, không kiểm chứng, không cần biết hậu quả ra sao. Cái đó vô cùng nguy hiểm.
 
Đấy, cái vô trách nhiệm từ người sản xuất, cho đến người bán cam, là những sản phẩm vật chất cụ thể đã là rất đáng lên án. B
ây giờ tới báo chí, là sản phẩm tinh thần bị làm độc hại mà người làm ra chất độc sợ ngay chất độc đó ngấm vào con mình, gia đình mình… thì thực sự  vô cùng đáng sợ. Không phải người làm báo đó không biết đâu, nhưng vì mục tiêu lợi nhuận nên thế.

- Vậy theo ông, cần quản lý như thế nào để báo chí đi đúng ‘đường ray’, đúng tôn chỉ mục đích, góp phần phát triển xã hội?

Bây giờ việc chấn chỉnh là hết sức cần thiết. Chấn chỉnh là chấn chỉnh cái gì mà không đủ năng lực làm thì đừng làm.

Hiện nay, nhiều những sai phạm của anh em làm báo không phải có động cơ chính trị gì đâu, mà là vì đời sống thôi. Nhưng hậu quả của nó lại tác động xấu đến đời sống xã hội, nó lại rất gần với chính trị, cho nên nghề báo là cái nghề đầy thử thách, đầy nguy hiểm, đòi hỏi người làm báo phải hết sức cẩn trọng.

Trong xã hội hôm nay, người làm báo giỏi không bao giờ mất việc làm. Người mất việc làm tức là những người làm báo kém, chưa đủ tầm, chưa đủ sức cạnh tranh với đồng nghiệp. Lẽ ra họ phải vươn lên cạnh tranh phải bằng năng lực, nghiệp vụ, thì họ lại muốn đi tắt, họ vươn lên bằng những hướng khác, không thích hợp, gây ra hậu quả trong xã hội.

Báo chí cần phải chấn chỉnh, vì ở nước nào cũng vậy, báo chí tạo ra dư luận xã hội và tạo ra thị hiếu. Có dư luận xã hội lành mạnh và có dư luận xã hội không lành mạnh, có thị hiếu tạo ra sự trẻ trung, có thị hiếu tạo ra sự ngỗ ngược, hung hăng… 

Báo chí tạo ra dư luận xã hội, tạo ra thị hiếu, trên thực chất là tạo nên khởi đầu của những hành động đám đông. Đã gọi là hành động đám đông thì không ai kiểm soát được. Như vậy những bất ổn xã hội sinh ra từ đó. Cho nên phải chấn chỉnh báo chí, để làm tốt hơn. 

- Vậy việc quản lý báo chí theo Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 vừa được đưa ra tại Hội nghị Trung ương lần thứ 10 khóa XI mới đây có đáp ứng được yêu cầu đổi mới để phát triển báo chí trong giai đoạn tới?

 

Những tin đồn hiện nay lan tỏa trên các mạng xã hội rất nguy hiểm. Nó xô đẩy lòng tin chính trị, mà đây là bản lĩnh cơ bản của mỗi người làm báo cách mạng. Cho nên bao giờ sử dụng nguồn tin cũng phải có chọn lựa, phải có bản lĩnh chính trị và bản lĩnh nghề nghiệp.
 
Đề án quy hoạch báo chí mà vừa rồi Trung ương vừa mới thông qua đã nêu “quản lý để phát triển”, tôi cho đó là hướng đi hoàn toàn đúng đắn, chắc chắn nếu làm tốt sẽ đem lại hiệu quả tích cực trong hoạt động báo chí của Việt Nam.

Ở đây, nên hiểu khái niệm phát triển khác với tăng trưởng. Phát triển là vừa tăng trưởng vừa số lượng, đặc biệt là tăng trưởng về chất lượng và hiệu quả. Còn tăng trưởng chủ yếu là về số lượng. Quản lý để phát triển tức là để cho hiệu quả thông tin đại chúng, hiệu quả xã hội cao hơn và chính đó là điều Đảng hết sức mong muốn.

Cách mạng là chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn. Đó là những tiêu chí quan trọng. Trách nhiệm người làm bút rất quan trọng, vì anh động đến số phận con người, danh dự của các doanh nghiệp, các địa phương. Nên yếu tố nhân văn rất quan trọng. Cái này người làm báo, đặc biệt là những người làm báo trẻ cần hết sức ghi nhớ.

- Ông vừa nói đến những phóng viên trẻ, làm báo kiểu a dua là vì ‘sợ mất việc’. Vậy để tránh những ‘cái bẫy’ do chính mình tạo ra, theo ông, người làm báo trẻ cần chú trọng vấn đề gì?

Đối với người làm báo trẻ thì lòng tin là điều rất quan trọng, nhưng trong niềm tin phải có hoài nghi khoa học, có hoài nghi khoa học thì mới có sáng tạo. 

Những tin đồn hiện nay lan tỏa trên các mạng xã hội rất nguy hiểm. Nó xô đẩy lòng tin chính trị, mà đây là bản lĩnh cơ bản của mỗi người làm báo cách mạng. 

Cho nên bao giờ sử dụng nguồn tin cũng phải có chọn lựa, phải có bản lĩnh chính trị và bản lĩnh nghề nghiệp- các yếu tố được sinh ra từ những trải nghiệm xã hội của chúng ta. Người làm báo, đặc biệt là những người làm báo trẻ cần chú ý đến điều này.

Xin cảm ơn ông!

Lan Uyên (thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn