10 ngày chống chọi với sự hủy diệt, nhà báo Hoàng Hùng - một phóng viên dạn dày kinh nghiệm - đã “đầu hàng” số phận. Anh ra đi trong đau đớn tột cùng, mang theo bí mật về vụ trọng án. Đó không đơn giản chỉ là bi kịch gia đình...
Chiều 29-1 tức 26 Tết, chúng tôi nghẹn ngào, đau xót truyền cho nhau thông tin: “Hoàng Hùng đã ra đi”. Nước mắt đã rơi không cần che giấu trên gương mặt thất thần của nhiều đồng nghiệp, dù trước đó chúng tôi phần nào tiên lượng được tình hình để chuẩn bị tâm lý đón chờ tin dữ...
Chúng tôi đã không cứu được anh!
Còn nhớ, những ngày đầu nhập viện, nhà báo Hoàng Hùng còn khỏe, nói chuyện mạch lạc, rõ ràng, thỉnh thoảng nhăn mặt vì đau. Bạn bè, đồng nghiệp đến thăm, anh gật đầu chào và trò chuyện, ngay cả khi trả lời câu hỏi của các điều tra viên Công an tỉnh Long An.
Do yêu cầu cách ly khắt khe của bác sĩ để tránh nhiễm khuẩn tối đa cho anh, chúng tôi chỉ vội vàng nói lời động viên anh trong những cơ hội tiếp xúc ngắn ngủi.
Khi anh mới nhập viện, Ban Biên tập Báo Người Lao Động đã chủ động làm việc với Ban Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy về kế hoạch và khả năng cứu chữa cho anh. Không khí trong phòng làm việc của ban giám đốc bệnh viện lúc đó căng thẳng đến ngột ngạt.
“Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức bằng tất cả năng lực, phương tiện và thiết bị đang có. Nhưng xin các đồng chí đừng thất vọng nếu có tin chẳng lành. Về lý thuyết, cơ hội sống của một người tuổi 51 mang độ phỏng 49% như anh Hoàng Hùng là bằng 0!”- bác sĩ Trần Đoàn Đạo, Trưởng Khoa Bỏng, trầm tư.
Nghe những lời này, ban biên tập cùng anh em phóng viên lặng người. “Chúng tôi trông cậy cả vào các anh. Hết bao nhiêu tiền, chúng tôi không tiếc, miễn cứu được Hoàng Hùng”- ông Đỗ Danh Phương, tổng biên tập báo, khẩn thiết.
Nhà báo Hoàng Hùng (giữa) cùng các đồng nghiệp trong một lần nhận giải báo chí tại Hội Nhà báo TPHCM
Nhưng những vết phỏng phía sau lớp băng trắng kia đã giết chết anh nhanh chóng. Chiều 29-1, anh thực sự ra đi vĩnh viễn. Không ngờ, khái niệm sốc phỏng được các bác sĩ tiên liệu đã xảy ra, nhanh chóng quật ngã một “chiến binh” của làng báo miền Tây Nam Bộ chỉ trong vỏn vẹn 10 ngày chống chọi.
Chiều cuối năm, trước cổng Nhà Vĩnh biệt - Bệnh viện Chợ Rẫy, phóng viên của các báo buồn bã đến chờ đưa tin về cái chết của anh. Chưa bao giờ chúng tôi tác nghiệp cùng nhau trong hoàn cảnh đau thương ngập lòng đến thế...
"Chở đại về nhà, khi nào chết thì chết"...
“Vĩnh biệt nhà báo Hoàng Hùng...”. Một đồng nghiệp ở An Giang viết: “Trăm ngàn lời không thể nói hết nỗi lòng của một người đồng nghiệp. Từng lăn xả vào những điểm nóng để có được thông tin đáng giá nhất, tôi hiểu được anh đã phải vất vả như thế nào trong quá trình tác nghiệp.
Mong anh yên tâm về cõi vĩnh hằng, chúng tôi - những người ở lại - quyết tâm sẽ sống, làm việc và chiến đấu như anh, bằng đạo đức của một nhà báo chân chính. Vĩnh biệt Hoàng Hùng...!!!...”.
Với chúng tôi, nhà báo Hoàng Hùng ra đi đã để lại một sự mất mát quá lớn, những đề tài điều tra còn dang dở. Trước 10 ngày bị đốt, anh vẫn đang đeo đuổi một vụ án ly hôn kỳ lạ do TAND tỉnh Long An xét xử. Một vụ ly hôn nhưng thẩm phán Lê Văn Lắm (người trực tiếp xét xử, sau đó bị kỷ luật với hình thức cảnh cáo về mặt Đảng và cảnh cáo về mặt chính quyền, không đưa danh sách tái bổ nhiệm thẩm phán) ban hành đến 2 bản án.
Phát hiện điều bất thường, anh đến TAND tỉnh Long An đăng ký làm việc để làm rõ nhiều vấn đề như bản án này xử có đúng thẩm quyền, việc phân chia tài sản dựa vào đâu, vì sao xử một lần lại có 2 bản án...? Lãnh đạo tòa hẹn sẽ trả lời anh sau, tuy nhiên, chưa đến thời gian hẹn thì Hoàng Hùng đã gặp nạn.
Nhắc lại những ngày anh Hoàng Hùng nằm viện và giờ phút hấp hối của anh mình, anh Lê Hoàng Tuấn (em ruột nhà báo Hoàng Hùng) rơm rớm nước mắt: “Những ngày đầu anh còn khỏe, tôi hỏi anh về hung thủ đã tưới xăng đốt anh nhưng anh chỉ lặng im khóc rồi quay mặt đi. Chỉ khi nào tôi hỏi: “Anh khỏe không?” thì anh mở mắt đáp: “Anh Hai khỏe”, hoặc hỏi chuyện gì khác thì anh trả lời.
Hai ngày cuối, dường như anh muốn nói gì nhiều lắm, tôi thấy anh mấp máy môi nhưng không thể nghe anh nói. Tối 28-1, anh Hùng la hét rất lớn trong hơn một giờ. Không chịu nổi tiếng thét vì đau đớn quằn quại về thể xác lẫn tinh thần của anh mình, tôi phải bịt tai. Vậy mà vẫn quặn thắt ruột gan vì thương anh quá đỗi”.
Cũng theo lời anh Tuấn, trong những lần ít ỏi đến bệnh viện, bà Liễu (Trần Thúy Liễu, vợ nhà báo Hoàng Hùng) vẫn dành phần lớn thời gian trò chuyện qua điện thoại di động với ai đó, không mấy quan tâm đến sức khỏe của chồng. Có phóng viên đến, bà Liễu ngăn cản không cho anh tiếp xúc. “Khi thấy anh Hùng đã yếu, bà Liễu nói với tôi chở đại về nhà, khi nào chết thì chết. Tôi cự, bà ta bỏ về mất tiêu” - anh Tuấn buồn bã kể.
Nhà báo Hoàng Hùng ra đi đã mang theo nhiều bí mật chưa được lý giải. Hy vọng trong những ngày đầu còn tỉnh táo ở bệnh viện, những bí mật này đã được anh tiết lộ với các điều tra viên và nó được ghi vào bản sinh cung?
Vượt qua nỗi đau
Khi anh Hoàng Hùng mất và vợ anh vướng vào vòng lao lý, một trong những điều Ban Biên tập và các đồng nghiệp ở lo lắng nhiều nhất là tương lai các con anh. Hai cháu Hồng Nhung và Hồng Châu còn quá non nớt, rất cần sự quan tâm, chăm lo, dạy dỗ để các cháu khôn lớn. Đúng lúc ấy, bạn đọc cả nước đã dang rộng vòng tay. Các cháu được đùm bọc, chở che và học tập ở một môi trường rất tốt.
Mới đây, khi chúng tôi đến chúc mừng các thầy cô của cháu Lê Hồng Châu nhân ngày 20-11, một vị lãnh đạo của trường kể: “Hôm trước, cháu bị đau mắt phải nghỉ học về quê mấy ngày.
Đến khi trở lại trường, vừa trông thấy cháu, các bạn đã mừng rỡ chạy xô đến kêu: “Châu ơi, Châu à” rồi ôm chầm lấy cháu. Châu học giỏi và rất ngoan, tính tình lại chan hòa nên bạn bè đều yêu quý. Các anh chị cứ yên tâm, chúng tôi sẽ chăm lo cho cháu chu đáo”.
Hiểu được tấm lòng của thầy cô, bè bạn và những đồng nghiệp của ba, cháu Châu rất ngoan, chăm học và tích cực tham gia các hoạt động của trường.
Một lần, tôi đón cháu về nhà chơi, sáng hôm sau cháu đòi lên trường sớm “vì con phải trang trí lớp để thứ hai chấm điểm thi đua. Con là lớp phó phong trào mà”. Cháu còn tâm sự: “Con quen rồi. Ở trường, các thầy cô rất thương con, các bạn cũng vậy nên con bớt buồn chứ hồi mới lên đây, con khóc hoài; nhất là ngày thứ bảy, chủ nhật, các bạn về hết…”.
Trong ngôi nhà nhỏ của chúng tôi, giờ đây có một chiếc giường dành cho cháu; một ngăn tủ để quần áo, khăn mặt, bàn chải đánh răng… của cháu để mỗi khi rảnh rỗi, chúng tôi lại đón cháu về. Điều đó chỉ đơn giản là vì chúng tôi muốn nuôi dưỡng trong lòng cháu một cảm giác ấm áp của gia đình, nơi đó có ba má và các chị...
Lời “tiên tri” từ bài ai điếu Khi ấy, không thể giải thích một cách thỏa đáng cho bạn đọc, song đúng 20 ngày sau (20-2), bà Liễu ra tự thú. Lại một sự trùng hợp! |
Theo An Quý (Người lao động)
Bình luận