• Zalo

Nguyễn Văn Tý - nhạc sĩ tài hoa với những bản nhạc đậm màu dân ca vùng miền

Văn hóa - Giải tríThứ Sáu, 27/12/2019 07:09:39 +07:00Google News
(VTC News) -

Nhiều sáng tác của cố nhạc sĩ sử dụng chất liệu dân ca của các vùng miền.

Chiều 26/12, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý qua đời tại nhà riêng, hưởng thọ 94 tuổi. Sự ra đi của "cây đại thụ làng nhạc Việt Nam" trong những ngày cuối năm 2019 khiến nhiều khán giả tiếc nuối.

Nguyễn Văn Tý - nhạc sĩ tài hoa với những bản nhạc đậm màu dân ca vùng miền - 1

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý qua đời ở tuổi 94.

Có kho tàng sáng tác lên đến hàng chục bài, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý được xem là một trong số những tác giả nhạc đỏ thành công với chất liệu dân ca.

Đối với những khán giả yêu thích âm nhạc của cố nhạc sĩ, họ sẽ cảm thấy cực kì quen thuộc với giai điệu mang âm hưởng dân ca của Em đi làm tín dụng, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Mẹ yêu con, Dáng đứng Bến Tre.

Từ chất liệu dân ca của nhiều vùng miền trên đất nước Việt Nam, người nhạc sĩ tài hoa đó khéo léo đưa vào những sáng tác của mình với chất nhạc trữ tình, lời ca trau chuốt.
Thậm chí, sau khi Một khúc tâm tình của người Hà TĩnhNgười đi xây hồ Kẻ Gỗ đậm chất dân ca xứ Nghệ ra đời, người dân ở đây còn xem cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là tượng đài trong lòng họ.

Video: NSND Thu Hiền hát "Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh"

 

Nhạc sĩ Nguyễn Đình San từng kể, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh ra đời sau một cuộc tình dang dở của cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Thời đó, ông yêu một cô gái làm nghề dệt vải ở Hà Tĩnh nhưng chuyện tình cảm của cả hai không đi đến đâu.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý không hề biết rằng, cô gái này cũng thích mình nhưng vì ngại ngùng không dám nói, và đến 20 năm sau, cô vẫn không lấy chồng vì giữ tình cảm với ông.

Nguyễn Văn Tý - nhạc sĩ tài hoa với những bản nhạc đậm màu dân ca vùng miền - 2

Bản nhạc "Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh".

Tiếc nuối và thương người con gái năm xưa dành cả tuổi thanh xuân cho mình, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý viết nên Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh.

Còn với Mẹ yêu con - khúc hát ru có sức sống lâu bền này lại mang nhiều cảm xúc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý dành cho đứa con của ông và vợ hai - bà Bạch Lê, bà cũng là em ruột nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương.

Video: Anh Thơ hát "Mẹ yêu con" của cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý

 

Hay như Dáng đứng Bến Tre, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý dù trước khi sáng tác chưa đến xứ này bao giờ nhưng chỉ sau một lần ghé thăm, ông mang đến một ca khúc mà đến hiện tại, đông đảo khán giả vẫn cực kì yêu thích.
Nhạc sĩ Dân Huyền từng kể, năm 1980, ông và nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý lần đầu tiên có dịp về Bến Tre chơi nhân lần vào TP.HCM công tác.

Ngồi trên xe, các nhạc sĩ Dân Huyền, Nguyễn Văn Tý, Phan Nhân, Lưu Cầu được nghệ sĩ Trần Thanh Bình - con trai nhạc sĩ Trần Kiết Tường giới thiệu về các loại dừa, về nữ tướng Nguyễn Thị Định...

Chưa đầy một tuần sau chuyến đi, nhạc sĩ Dân Huyền nhận được bản nhạc kèm băng thu âm Dáng đứng Bến Tre từ nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý.

Lễ viếng cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sẽ diễn ra lúc 10h ngày 27/12. Sáng 29/12, linh cữu sẽ được đưa đi an táng ở nghĩa trang Hoa viên Bình Dương.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sinh ngày 5/3/1925 tại Vinh (Nghệ An), quê gốc ở Hà Nội. Từ nhỏ, ông được một linh mục người Tây Ban Nha dạy nhạc lý, cho ông tham gia ca đoàn nhà thờ. Tác phẩm đầu tay của ông được viết năm 1949 mang tên Ai xây chiến lũy.

Sau này, ông trở thành nhạc sĩ nổi tiếng Việt Nam với hàng loạt ca khúc đi cùng năm tháng như Dư âm, Màu áo chú bộ đội, Mẹ yêu con, Mùa xuân cô đi nuôi dạy trẻ... Năm 2000, ông được nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Lạc Phong
Bình luận
vtcnews.vn