(VTC News) – Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban biên giới Chính phủ nói về kịch bản đối đầu Mỹ - Trung sau khi Washington đưa tàu khu trục tên lửa tuần tra ở Trường Sa.
Hôm qua, Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố chuyến tuần tra của tàu khu trục tên lửa USS Lassen tại khu vực 12 hải lý ở Trường Sa do Trung Quốc đơn phương đòi chủ quyền đã “diễn ra thành công, không gặp trở ngại nào”.
Tàu khu trục tên lửa USS Lassen của Mỹ tiến vào khu vực 12 hải lý mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền - Ảnh: Hải quân Mỹ |
Mỹ cũng nhấn mạnh việc sẽ còn tiếp tục đưa chiến hạm tới tuần tra ở Trường Sa, đặc biệt là những điểm đảo nhân tạo do Trung Quốc chiếm giữ trái phép của Việt Nam.
Trung Quốc sau đó phản ứng bằng những lời lẽ giận dữ, triệu tập Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh tới để phản đối.
VTC News phỏng vấn Tiến sỹ Trần Công Trục về vấn đề này và những ảnh hưởng của nó với Việt Nam. Ông Trục nói: “Mỹ đưa tàu USS Lassen đi tuần tra là một tín hiệu rất tốt, thể hiện sự quyết tâm của Mỹ về việc bảo đảm thượng tôn pháp luật cũng như tự do an ninh hàng hải hàng không ở Biển Đông. Tôi đánh giá Mỹ là một nước lớn, đã nói là làm.
Theo luật pháp quốc tế, các thực thể mà Trung Quốc xây đảo nhân tạo lên chỉ có vùng an toàn 500m tính từ các thực thể này. Do đó việc Mỹ đưa tàu chiến vào vùng 12 hải lý (22km) của các đảo nhân tạo này là điều hoàn toàn hợp pháp vì đây là vùng biển quốc tế”.
- Thưa ông, là chuyên gia hàng đầu Việt Nam về các vấn đề biên giới, ông có thể chia sẻ những đánh giá ban đầu của mình trong sự kiện Mỹ trực tiếp thách thức yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh bằng cách đưa tàu chiến vào tuần tra?
Khi nghe tin Mỹ đưa tàu chiến vào tuần tra theo đúng những gì họ đã tuyên bố thời gian qua, tôi cảm thấy rất vui và cho rằng đây là động thái cần được hoan nghênh. Thường thì trong ngoại giao, các nước lớn ít khi nói đi đôi với làm, hoặc giả nói một đằng làm một nẻo.
Tôi nghĩ việc Mỹ đưa tàu chiến vào Biển Đông là việc được dư luận quan tâm lâu nay, để xem Washington có giữ được lời nói của mình trước những yêu sách phi lý của Trung Quốc hay không.
Cũng cần phải nói rõ điều này, việc Mỹ đưa tàu vào khu vực 12 hải lý mà Trung Quốc đang chiếm giữ trái phép của Việt Nam là điều hoàn toàn phù hợp luật pháp quốc tế, nhất là Công ước quốc tế về luật biển UNCLOS 1982.
Chiến hạm Mỹ USS Lassen |
Tất nhiên, đây là nói về mặt pháp lý, chứ tạm chưa tính tới yếu tố mà Trung Quốc chiếm giữ trái phép của chúng ta một số đảo, đá từ năm 1988 tới nay.
Xét về mặt luật pháp, các bãi đá, rặng san hô, có thể được xây thành đảo nhân tạo, nhưng nó chỉ có vùng an toàn 500m chứ không thể đòi vùng lãnh hải 12 hải lý.
Việc tàu Mỹ đi vào vùng biển quốc tế thì không cần phải thông báo với Trung Quốc. Chỉ cần tàu Mỹ tuân thủ đúng luật pháp, nghĩa là di chuyển hòa bình, không dùng bất cứ phương tiện nào gây ảnh hưởng tới an ninh, an toàn của quốc gia đang kiểm soát đảo nhân tạo đó.
Tôi nghĩ nên khuyến khích việc đó, thế giới này cần những hành xử đúng đắn, chứ không thể có kiểu một nước đòi áp đặt luật chơi cá nhân cho cả thiên hạ.
- Vậy mục đích của Mỹ trong cuộc tuần tra này, như ông nói là phủ nhận yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc?
Đúng vậy. Mục tiêu trước mắt của người Mỹ là muốn cho Bắc Kinh thấy rằng Washington không chấp nhận yêu sách chủ quyền với những đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trên Biển Đông.
Trung Quốc có tính toán của họ, việc đánh chiếm một số điểm ở quần đảo Trường Sa năm 1988 và nay là xây dựng đảo nhân tạo, Trung Quốc muốn ngày càng cho thấy họ muốn được công nhận chủ quyền ở đây.
Họ muốn có vùng đặc quyền kinh tế, thậm chí thềm lục địa quanh những đảo nhân tạo. Cho nên, việc Mỹ đưa tàu chiến vào đây là tín hiệu rõ ràng cho thấy sự phủ nhận với yêu sách của Trung Quốc. Tôi cho rằng Washington cũng muốn vô hiệu hóa những đòi hỏi phi lý của Trung Quốc.
Mỹ muốn bảo vệ công lý, bảo vệ luật pháp quốc tế thì đó là điều đáng hoan nghênh. Họ làm thế không vi phạm chủ quyền Việt Nam thì không có lý gì mà chúng ta không ủng hộ.
- Nhưng thưa ông, Tiếng nói Hoa Kỳ - VOA loan tin Mỹ sẽ còn điều tàu chiến tới tuần tra ở Biển Đông, thậm chí là tới cả những điểm đảo do Việt Nam đang kiểm soát? Ông nhận định thế nào về điều này?
Tôi nghĩ trước hết chúng ta cần bình tĩnh, đánh giá thông tin một cách khách quan. Việc tàu thuyền các nước đi vào các vùng biển khác nhau thì cũng có những phạm vi và quy chế khác nhau.
Ví dụ như tàu của Mỹ, thậm chí là tàu chiến Mỹ đi vào các đảo theo đúng định nghĩa của điều 181 Công ước quốc tế về luật biển.
Đó là các điểm đảo của Việt Nam có cơ sở dân sự, khoa học kỹ thuật, kinh tế, quân sự v.v. Việt Nam có vùng lãnh hải 12 hải lý bao quanh những đảo tự nhiên này. Chúng ta có quyền bảo vệ khu vực 12 hải lý này theo đúng luật pháp quốc tế và Luật biển Việt Nam.
Một điểm đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Trường Sa, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam |
Trong vùng 12 hải lý đó, tàu thuyền các nước có quyền đi qua vô hại. Việc đi qua này không cần xin phép, miễn là đi qua một cách liên tục, hòa bình, không dùng bất cứ phương tiện hay hành động nào xâm phạm an toàn, an ninh của quốc gia đang sở hữu hòn đảo đó.
Còn với các điểm đảo nhân tạo, thì vùng an toàn là 500m. Ví dụ như các nhà giàn của chúng ta cũng có vùng an toàn 500m chứ không phải là đảo tự nhiên để yêu cầu có vùng lãnh hải 12 hải lý.
- Ông nói việc Mỹ điều tàu khu trục tên lửa Lassen đến đá Xu-bi và trở ra an toàn là tín hiệu tốt và có lợi cho Việt Nam, nhưng một số chuyên gia Biển Đông nói Washington không thể thay đổi thực tế là Trung Quốc đang chiếm giữ ít nhất 7 điểm đảo của Việt Nam. Những người theo ý kiến này cũng cho rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục xây dựng, mở rộng trái phép và quân sự hóa các điểm đảo, đá ở Trường Sa. Ý kiến của ông trong vấn đề này thế nào?
Đây là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Chúng ta không đòi hỏi Mỹ thay chúng ta đánh bật Trung Quốc xâm lược.
Vì đó đâu phải lãnh thổ của Mỹ, đó là lãnh thổ của Việt Nam và chúng ta phải đấu tranh, thậm chí đổ máu, hy sinh để lấy lại chủ quyền.
Việc Mỹ làm, là vì họ muốn thượng tôn pháp luật, thực thi luật pháp quốc tế, thực thi quyền tự do đi lại theo đúng Công ước quốc tế về luật biển và Mỹ có lợi ích trong đó.
Mỹ làm thế, hoàn toàn phù hợp với quyền lợi của chúng ta. Tôi nghĩ chúng ta cần hoan nghênh, thậm chí là có hành xử hưởng ứng điều này.
- Với kinh nghiệm nhiều năm đàm phán về vấn đề biên giới với Trung Quốc. Ông dự đoán Bắc Kinh sẽ có những phản ứng gì nếu Mỹ lặp lại việc tuần tra như vừa rồi?
Như chúng ta đã biết, Trung Quốc triệu đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh tới để phản đối. Phía Trung Quốc dùng nhiều lời lẽ to tiếng, lên án hành động của Mỹ. Tôi nghĩ chắc chắn Mỹ cũng biết kiểu phản ứng của Trung Quốc.
Tôi nghĩ Trung Quốc sẽ xua tàu chiến ra, nhưng Trung Quốc có dám làm gì hơn nữa không thì lại là chuyện khác. Tiềm lực quân đội, hải quân Trung Quốc chưa thể sánh với Mỹ. Hơn nữa, Trung Quốc sai về mặt pháp lý.
Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, Tiến sỹ Trần Công Trục trả lời phỏng vấn VTC News - Ảnh: Tùng Đinh |
Cho nên có thể nói là Trung Quốc càng manh động thì càng bị cô lập, bị cả thế giới lên án. Tôi nghĩ Trung Quốc đang tính toán điều này và không bao giờ muốn gây căng thẳng hơn.
Cả Mỹ và Trung Quốc đều tính toán, không muốn đẩy đối phương đến bước đường cùng để xung đột nổ ra.
Nhưng dù sao, chúng ta vẫn phải luôn cảnh giác để làm cách nào đó vừa bảo vệ luật pháp vừa tránh được đụng độ.
Tôi nghĩ chuyện có xung đột vũ lực ở Trường Sa giữa Mỹ và Trung Quốc là điều khó xảy ra. Nhưng cũng có thể là một thời điểm nào đó, một cái đầu nóng, một cái đầu mang nặng chủ nghĩa dân tộc cực đoan sẽ kích thích xung đột bùng nổ. Vì thế, chúng ta vẫn phải luôn cảnh giác để làm cách nào đó vừa bảo vệ luật pháp vừa tránh được đụng độ.
- Như ông vừa nói, vẫn có khả năng có xung đột. Giả sử kịch bản xấu là có xung đột vũ trang ở Biển Đông giữa Mỹ với Trung Quốc thì điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đến Việt Nam?
Đương nhiên đây là kịch bản xấu, rất xấu mà không ai muốn thấy. Nhưng nếu xảy ra điều đó, thì tôi cho rằng chúng ta có lợi nhiều hơn bất lợi. Bởi vì chúng ta sẽ có được sự đồng lòng nhất trí của nhiều nước trên thế giới.
Hiện nay, Trung Quốc còn đang ít nhiều chia rẽ được vài nước. Nhưng nếu có đụng độ, cả thế giới này sẽ biết ai là kẻ đi xâm lược, đi gây ra chiến tranh. Chắc chắn khi đó, nhiều nước sẽ tạo thành mặt trận cần thiết để chống lại kẻ gây ra tội ác với nhân loại.
- Nhiều ý kiến nói về những thuận lợi cho Việt Nam, nhưng nếu phân tích sâu hơn thì liệu có gì bất lợi cho chúng ta không, thưa Tiến sỹ?
Nếu Mỹ hành xử đúng như những gì họ nói thì chúng ta không có bất lợi gì. Như tôi đã nói ở trên, Mỹ hay bất cứ nước nào cũng cần thượng tôn pháp luật, tôn trọng những điều khoản của UNCLOS 1982, và chúng ta cũng luôn ủng hộ những hành xử đúng đắn.
Nhưng nếu bất cứ nước nào xâm phạm đến chủ quyền của Tổ quốc thì chúng ta đều cần đấu tranh, bảo vệ chủ quyền. Tôi nghĩ chúng ta không phân biệt Mỹ hay Trung Quốc – bất cứ quốc gia nào hành xử đúng đắn, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đều sẽ được ủng hộ, hoan nghênh.
Tôi nghĩ chỉ có điều đáng đề phòng là một nước nào đó lợi dụng việc này để đẩy các nước trong khu vực vào cuộc chạy đua vũ trang theo kiểu “đục nước béo cò”. Cho nên, tôi nghĩ Việt Nam cần luôn tỉnh táo nhìn nhận sự kiện để khi có tình huống nào xảy ra chúng ta cũng có những hành xử đúng đắn cần thiết.
Xin cảm ơn Tiến sỹ!
Văn Việt – Minh Lý (Thực hiện)
Bình luận