Ngày 12/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra thông báo về vụ án tại Ngân hàng TMCP Đông Á, theo đó đã bắt giữ ông Trần Phương Bình, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á, cùng 4 thuộc cấp.
Theo đó, ngày 9/12/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á.
Đồng thời, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Trần Phương Bình (SN 1959), nguyên Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á; bà Nguyễn Thị Ngọc Vân (SN 1970), nguyên Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á.
Hai người này bị khởi tố về 2 tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng quy định tại Điều 165 Bộ luật hình sự và Điều 179 Bộ luật hình sự.
Đồng thời, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Nguyễn Đức Vinh (SN 1966), nguyên Giám đốc Ngân quỹ Hội sở Ngân hàng TMCP Đông Á; Đỗ Thanh Hùng (SN 1978), nguyên Thủ quỹ Hội sở Ngân hàng TMCP Đông Á; Lê Kiên Giang (SN 1977), nguyên Phụ quỹ Hội sở Ngân hàng TMCP Đông Á. Ba người này bị khởi tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 Bộ luật hình sự.
Sau khi nhận được các Quyết định phê chuẩn của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) đã thực hiện tống đạt Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét chỗ ở, chỗ làm việc, Lệnh bắt bị can để tạm giam và dẫn giải các bị can về Trại tạm giam Bộ Công an đảm bảo an toàn, đúng quy định của pháp luật.
Điều 165. Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:
a) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác;
b) Có tổ chức;
c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
d) Gây thiệt hại từ ba trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Điều 179. Tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng
1. Người nào trong hoạt động tín dụng mà có một trong các hành vi sau đây gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến bảy năm:
a) Cho vay không có bảo đảm trái quy định của pháp luật;
b) Cho vay quá giới hạn quy định;
c) Hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về cho vay trong hoạt động tín dụng.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc liên quan đến hoạt động tín dụng từ một năm đến năm năm.
Video: Manh mối đầu tiên về tên cướp ngân hàng BIDV
Bình luận