Vị Thủ tướng luôn tìm tòi, đổi mới
Trao đổi với PV VTC News, khi kể về những kỷ niệm của mình về nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, ông Vũ Mão (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) cho biết, cá nhân ông đã có nhiều năm gắn bó công việc ở 5 khóa Trung ương Đảng và 4 khóa Quốc hội với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Theo ông Vũ Mão, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 5 vào mùa xuân 1982, ông là Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng; còn ông Phan Văn Khải là Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh được bầu làm Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng.
Sau đó, ông Phan Văn Khải được chuyển sang làm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Phó Thủ tướng rồi Thủ tướng Chính phủ; còn ông Vũ Mão được chuyển sang làm Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội.
Nếu coi cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một trong những người đi đầu trong sự nghiệp đổi mới thì nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là một nhà kỹ trị xuất sắc, người tích cực thực hiện sự nghiệp đó bằng cái tâm, bằng năng lực, trình độ với sự kiên trì sáng tạo của mình.
Ông Vũ Mão (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội)
Ông Vũ Mão nhận xét: “Có thể nói, từng đó thời gian giữa tôi và anh Khải đã có nhiều kỷ niệm công tác và cuộc sống đời thường sâu sắc. Tôi thấy, ở anh Khải, dù bất cứ cương vị, nhiệm vụ nào được giao cũng thể hiện là một người cán bộ nhiệt huyết, tận tâm, luôn tìm tòi, đổi mới".
Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão nhấn mạnh, đối với hoạt động của Quốc hội, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã để lại dấu ấn rất quan trọng trong việc tiến hành việc truyền hình, phát thanh trực tiếp của các phiên chất vấn, trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ trước Quốc hội.
Ông Vũ Mão nhớ lại: “Vào kỳ họp Quốc hội Khóa 9 diễn ra vào giữa năm 1994, chúng ta bắt đầu có chủ trương thực hiện truyền hình, phát thanh trực tiếp các phiên chất vấn, trả lời chất vấn trong Quốc hội.
Đây có thể nói là sự kiện rất quan trọng trong đổi mới hoạt động của hệ thống chính trị của nước ta và Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc đó đã giao cho Phó Thủ tướng Thường trực Phan Văn Khải bàn với lãnh đạo bên Quốc hội để triển khai.
Phải nói là và thời điểm đó, ngoài ý kiến đồng tình thì cũng có rất nhiều ý kiến phản đối gay gắt về vấn đề này. Nhiều người lo ngại rằng, nếu truyền hình trực tiếp, khi đại biểu Quốc hội hỏi, thành viên Chính phủ trả lời, nói nhiều quá làm lộ bí mật quốc gia thì sao, hay là trả lời chất vấn của Bộ trưởng, kể cả Thủ tướng, nếu có sơ suất trong khi trình bày trực tiếp sẽ bị đánh giá thấp, mất uy tín...
Thậm chí, có người còn đặt ra vấn đề, đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi có chất lượng thấp, nặng về cung cấp thông tin, rồi nêu thắc mắc cho địa phương mình cũng sẽ bị chê...
Trước các vấn đề đặt ra này, Phó Thủ tướng Thường trực Phan Văn Khải tỏ ra rất thận trọng. Sau khi nghiên cứu Đề án truyền hình và phát thanh trực tiếp trả lời chất vấn đã được chuẩn bị rất công phu, chu đáo, ông không phản đối mà đồng tình ủng hộ cho triển khai.
Có thể nói rằng, ông đã vượt qua cái ngại của thành viên Chính phủ lúc đó khi phải trả lời chất vấn trước Quốc hội và thể hiện là một con người có tư duy đổi mới”.
Ông Vũ Mão chia sẻ thêm, sau khi kế nhiệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải vẫn tiếp tục lắng nghe, thận trọng, tìm tòi, sáng tạo, cân nhắc cũng như khắc phục những khiếm khuyết của nền kinh tế để chủ động điều hành.
“Tâm sự với tôi, anh Khải thường chia sẻ về việc luôn luôn phải nghiên cứu, lắng nghe các chuyên gia trong nước cũng như học hỏi kinh nghiệm của nước ngoài về điều hành kinh tế. Chính điều này đã góp phần giúp Việt Nam thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế ở châu Á năm 1997 và những năm sau đó”, ông Vũ Mão nói.
Thủ tướng đầu tiên công khai trực tiếp trả lời chất vấn
Một kỷ niệm sâu sắc, được cho là “bước ngoặt” của đổi mới được ông Vũ Mão nhắc lại chính là việc lần đầu tiên, Thủ tướng Phan Văn Khải thực hiện trả lời trực tiếp chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Ông Vũ Mão nhớ lại: “Trong nhiều năm trước, chúng ta có chủ trương đưa điện về nông thôn. Tuy nhiên, vì ngân sách Nhà nước có hạn nên chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu điện ở các thành phố, còn ở nông thôn thì không.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã kêu gọi nhân dân ở vùng nông thôn cùng tham gia bằng cách góp tiền xây dựng các đường dây đưa điện về làng xóm. Sau đó, việc nhân dân ở vùng nông thôn phải bỏ tiền ra để xây dựng hệ thống dây dẫn điện về làng cùng với việc phải trả tiền điện cao hơn ở các thành phố nên đã gây ra bức xúc trong nhân dân.
Từ đó, cũng xuất hiện yêu cầu phải trả lại số tiền nhân dân ở vùng nông thôn đã đóng góp để cho công bằng với thành phố. Việc này đã được đưa vào nghị trường.
Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Đặng Vũ Chư khi đó đã phải trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội liên tiếp trong 4 kỳ họp nhưng vẫn không làm thỏa mãn được các vị đại biểu Quốc hội.
Lúc này không khí rất căng thẳng, nhưng Bộ trưởng Đặng Vũ Chư vẫn rất lúng túng, chỉ biết nói rằng: “Rất hoan nghênh nhân dân đã chung tay góp sức với Chính phủ trong lúc khó khăn. Và chúng tôi sẽ trình Chính phủ xem xét vấn đề này”.
Vấn đề chính ở đây là trả tiền cho dân thì Bộ trưởng Đặng Vũ Chư lại không thể nói ra vì việc này ngoài tầm của Bộ Công nghiệp, mà ở tầm của Chính phủ.
Lúc đó, tôi đã gặp anh Phan Văn Khải để nói rõ suy nghĩ của tôi về vấn đề này. Tôi nói với anh Khải: “Vấn đề mấu chốt ở đây là hoàn lại tiền cho nhân dân trong việc xây dựng mạng lưới điện nông thôn. Thủ tướng trả lời với các đại biểu Quốc hội về vấn đề này là tốt nhất.
Anh thấy đấy, anh Đặng Vũ Chư đã rất cố gắng nhưng làm sao có quyền nói sẽ trả tiền cho dân hay không? Tôi tha thiết đề nghị với anh là nên có một cuộc họp bàn ở Chính phủ và có chủ trương rõ ràng. Sau đó đưa ra trước Quốc hội để bố trí một khoản ngân sách giải quyết việc đó. Tôi cho rằng có như vậy thì vấn đề này mới có thể yên lòng dân được”.
Nghe xong, anh Khải cười và nói với tôi: “Từ trước tới nay, thay mặt Chính phủ trả lời chất vấn trước Quốc hội là Phó Thủ tướng Thường trực, còn Thủ tướng chỉ xuất hiện cuối cùng khi cần làm rõ một số vấn đề khi cần Quốc hội hiểu rõ hơn. Nay mình đã làm Thủ tướng mà vẫn phải trả lời chất vấn à?”.
Tôi trả lời anh Khải rằng, nội quy kỳ họp đã quy định như vậy thì anh nên trả lời chất vấn.
Nghe tôi nói xong, anh Khải cười và nói: “Thế thì mình nghiêm chỉnh chấp hành thôi".
Theo ông Vũ Mão, ngay sau đó, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã họp bàn ở Chính phủ và quyết định đưa vấn đề ra trước Quốc hội.
Video: Những phát ngôn ấn tượng nhất của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải
Ông Mão kể lại: “Khi ra trả lời chất vấn trước Quốc hội, anh Khải đã nói: “Tổng số tiền mà nhân dân đã đóng góp để xây dựng mạng lưới điện nông thôn lên tới hơn 870 tỷ đồng (một số tiền rất lớn ngày đó, so với bây giờ, tương đương khoảng 10.000 tỷ đồng).
Chính phủ hoan nghênh và đánh giá cao tinh thần tự lực tự cường trong phong trào nhân dân xây dựng mạng lưới điện nông thôn. Chính phủ đề nghị với Quốc hội cho hoàn trả số tiền trên. Tuy nhiên, thay vì việc trả cho từng người dân số tiền đó thì thay bằng chuyển về cho từng xã để làm quỹ xây dựng hạ tầng, trước hết là nâng cấp hệ thống điện, giảm thiểu điện thế rơi, bớt đi giá tiền điện mà mỗi hộ dân phải trả”.
Ý kiến này của Thủ tướng được Quốc hội nhất trí và rất hoan nghênh, ủng hộ cao. Ngay sau đó, trong buổi họp báo, với sự phấn khích trước việc giải quyết một vấn đề nan giải trong thời gian dài, tôi đã nói: “Đó là lần phát biểu hay nhất trong 20 năm qua của Thủ tướng Phan Văn Khải”.
Ông Vũ Mão cho biết, đó chính là kỷ niệm khó quên về phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội của vị Thủ tướng đã gây ấn tượng mạnh đối với ông.
“Tôi thấy đó thực sự là những bài học về ứng xử có văn hoá trong các phiên chất vấn và trả lời chất vấn ở Quốc hội”, ông Mão nhận xét.
Bình luận